Những buổi chiều trong đại dịch CôVy

VHO- Không ai nghĩ, có ngày giá trị đích thực của gia đình quay lại “nhờ” dịch bệnh và những quy định mới. Tức là, gia đình luôn ở đấy, với đầy đủ các thành viên, thói quen tưởng mãi mãi là thế, hóa ra không phải. Trước Covid-19 là luật thổi nồng độ cồn. Hàng quán dần vắng vì để say như bao ngày qua giờ vướng nhiều hệ luỵ khiến say chẳng còn vui. Tập thể âm thanh 1…2…3… zô zô… không còn vang đâu đó trên các con phố. Những đứa trẻ được ăn tối cùng bố thay vì quanh năm chỉ ngồi cùng bác giúp việc...

Những buổi chiều trong đại dịch CôVy - Anh 1

Ảnh minh họa

 Rồi, Covid-19 ào đến như cơn bão nghĩa bóng nhưng nhưng hậu quả lại cụ thể nghĩa đen. Gia đình bỗng đủ người hơn. Những người mẹ trước đây sau giờ làm là tập gym, yoga, trà chiều bây giờ về nhà, ăn tối. Nhiều nhà, bố mẹ đã thuộc đồ dùng cá nhân ở đâu thay vì sai giúp việc soạn sẵn. Những chiếc máy xay sinh tố, bột ngũ cốc được mua về, làm bánh hay chế sữa các loại hạt. Bữa cơm gia đình đông đủ như thủa còn ông bà lâu lắm rồi. Họ hàng cuối tuần chăm ngồi bên nhau thay vì một năm chỉ gặp nhau trong mấy ngày giỗ tổ tiên. Nhiều anh em họ lần đầu hỏi kỹ để biết ai làm gì, đã nhảy việc mấy nơi.

Covid-19 đang là đại họa cho cả thế giới và ảnh hưởng về kinh tế cho từng cá nhân. Đêm hay ngày, từ người già tới con trẻ nói về nó, căm thù và mong nó chết đi. Nhưng ai cũng ngầm với bản thân, nhờ nó mà mọi người tìm lại được đời sống gia đình. Những ông bố về các buổi chiều phát hiện ra con mình nghiện điện thoại iPad hơn Coca-cola, rất khó chịu khi một câu hỏi quan tâm của bố rơi đúng vào lúc bắn nhau chiếm thành hết máu cần nạp tiền của trò chơi điện tử. Các bà mẹ phát hiện ra bữa ăn phần lớn vài món quen thuộc và độc hại miễn chế biến nhanh. Những tháng ngày đơn điệu và tan rã có từ lâu nhưng không ai thấy, chỉ khi hiểm họa đến, mọi người mới quay lại gần nhau hơn việc về nhà chỉ để ăn, ngủ. Yoga chỉ cần tấm thảm, lúc con học bài mẹ tập. Mỗi bữa tối, bố làm chai bia, hay chén rượu thuốc đỡ nhớ vị. Bố mẹ chả ai mất đi thú vui cuối chiều.

Chân lý xưa như Trái đất: Cái gì cũng có hai mặt. Covid-19 với sự tàn khốc của lây nhiễm cộng đồng và kết thúc bằng mạng người nếu không được phòng chống, chữa trị kịp thời. Nhưng mặt kia của nó, là chỉ vào từng cá nhân, nhắc sự quay về với bản chất tốt đẹp mà họ đã có nhưng buông bỏ, đấy là, quan hệ với gia đình. Nhiều người có thời gian về quê bên bố mẹ nhưng họ chọn du lịch. Nhiều người không biết con mình mê đọc sách nhưng hễ thấy mặt con là: Học đi, điểm kém là chết với tao. Nhiều người không biết mỗi lần thấy bố về, ngả nghiêng ú oà trong buồng tắm phun những lẩu thập cẩm và cả nhà vương mùi cám lợn nấu bằng bỗng rượu, đám con chỉ biết cắm đầu vào bắn nhau trên mạng hay xem một bà nấu đủ món siêu to cho thời gian qua đi.

Những buổi chiều trong đại dịch Covid-19. Âm thanh, mùi vị của nó gợi nhớ ngày tôi mới về khu tập thể này. Trẻ con ném ống bơ, nhảy dây dưới sân chung. Tiếng mấy bà mẹ gọi con về tắm đi, ông bà đợi cơm rồi. Mùi thịt rang cháy cạnh nước mắm mặn bay lên. Nhà ông tổ trưởng nuôi bốn con chó và nghiện món giả cầy, mùi mẻ một tuần bay từ bếp ra mấy lần. Tiếng đàn ông chỉ nhau cách bơm nước đêm nếu điện yếu hay cùng nhau chặt một cái cây chết gốc, mùa mưa sắp đến chả may gãy cành rơi vào đầu trẻ con. Nhà bán cafe đầu ngõ, cô chủ mê Duy Mạnh, cả xóm nghe Kiếp đỏ đen. Hôm nào cô đi lấy hàng, thiếu Duy Mạnh thấy văng vắng.

Rồi bẵng đi, âm thanh mùi vị không còn. Và CôVy đến, tất cả quay lại. Sao nhỉ, tôi chỉ ước mỗi chiều không phải nghe thêm có người phải cách ly, khu phố cần khử trùng và CôVy biến đi. Tất cả sẽ thành quá khứ, như chiến tranh vậy.

Và hiện tại, sau dư chấn CôVy là sự đoàn tụ, hạnh phúc với đúng nghĩa của các gia đình, sẽ ở lại, giữ mãi đến về sau. 

Nhà văn NGUYỄN THỊ THU HUỆ

Ý kiến bạn đọc