Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: Dự kiến thông qua vào ngày 18.1

VHO - Chiều qua 16.1, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: Dự kiến thông qua vào ngày 18.1 - Anh 1

 Toàn cảnh phiên họp Ảnh: TRẦN HUẤN

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cũng cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc, Nghị quyết nhằm tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29.11.2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhấn mạnh, đây là Nghị quyết rất cần thiết để cụ thể hóa nhiệm vụ của Quốc hội giao cho Chính phủ tại các Nghị quyết số 100 và Nghị quyết số 108 của Quốc hội khóa XV. Trong đó, Chính phủ đã đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ nhiều nhất khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết; nhất trí với bố cục và nhiều nội dung của dự thảo. Nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội xem xét, đánh giá, phân tích tương đối kỹ, đồng thời tiếp tục làm rõ thêm về tên gọi, về các nội dung, cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các chương trình như về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương cần làm rõ hơn, trường hợp nào là thật cần thiết; về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước kế hoạch đầu tư vốn hàng năm; về ban hành quy trình thủ tục, tiêu chí mẫu, hồ sơ; về sử dụng ngân sách trong trường hợp giao chủ dự án; về quản lý sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ sản xuất; về ủy thác vốn tự cân đối ngân sách địa phương qua ngân hàng chính sách xã hội; về cơ chế thí điểm thì đa số lựa chọn phương án 2…

Các đại biểu đề nghị với Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kiến nghị của đoàn giám sát về các vướng mắc, khó khăn để ban hành theo thẩm quyền hoặc tiếp tục đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những văn bản để tháo gỡ khó khăn một cách triệt để hơn những vấn đề còn thiếu hoặc còn vướng mắc. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Tổng thư ký Quốc hội nhanh chóng có báo cáo tổng hợp. Hội đồng Dân tộc chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các Ủy ban Quốc hội khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Nghị quyết tại phiên họp sáng 17.1 để bảo đảm ngày 18.1 Quốc hội có thể biểu quyết thông qua.

Trước đó vào buổi sáng cùng ngày, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, xuất phát từ thực tiễn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao, Chính phủ đề xuất các giải pháp, chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất tên Nghị quyết là “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia”. Dự thảo Nghị quyết gồm 6 Điều quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nội dung các cơ chế đặc thù; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành. Nội dung cơ bản của 8 cơ chế đặc thù tại Điều 4 như về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm: Chính phủ đề xuất với Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định của Luật Ngân sách nhà nước để phân cấp cho các địa phương quyết định việc phân bổ chi tiết dự toán chi thường xuyên nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, về sự cần thiết xây dựng Nghị quyết, Hội đồng Dân tộc thống nhất với sự cần thiết về ban hành Nghị quyết như trong Tờ trình của Chính phủ và thấy rằng, việc ban hành chính sách đặc thù là xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia… 

 VÂN SA

Ý kiến bạn đọc