Tổng Bí thư Tô Lâm:
Nếu không tinh gọn bộ máy thì không thể phát triển được
VHO - Sáng 31.10, phát biểu tại Tổ 12 (gồm các Đoàn đại biểu: Bắc Kạn, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình) về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng bộ máy nhà nước bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Phát biểu định hướng một số nội dung liên quan đến Tờ trình của Chính phủ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, nội dung này đã có quá trình chuẩn bị rất lâu. Trung ương đã bàn bạc và thống nhất cho rằng, quan trọng nhất là có đủ các căn cứ và tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương. Nhà nước cũng phải tính toán cơ cấu vùng, khu vực để thành phố Huế trở thành một cực tăng trưởng của khu vực. Hiện nay, chúng ta có 5 thành phố trực thuộc Trung ương, nếu Quốc hội thông qua Đề án này sẽ có 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Các thành phố này đều đóng vai trò dẫn đầu trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến tiêu chí rất quan trọng là triển vọng phát triển, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Huế cần có cơ chế đặc thù, đặc biệt để phát triển đi đầu và dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, thu chi ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội.
Về mục tiêu phát triển, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng cần quan tâm đến sự phát triển bền vững và hài hòa. Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu thống nhất cho rằng, thành phố Huế đủ điều kiện trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng còn một số hạn chế cần tiếp tục tìm giải pháp để hoàn thành các tiêu chí như quy hoạch, dân số, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa… để thành phố Huế thể hiện rõ vai trò dẫn đầu, là một cực tăng trưởng, cực đổi mới sáng tạo. Các chính sách đặc thù được nêu trong Đề án cũng nhằm điều kiện để đầu tư đổi mới sáng tạo, là những bước đi ban đầu thử nghiệm những chính sách mới, nếu làm tốt sẽ nhân rộng ra cả nước…
Cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng, Tổng Bí thư cho biết, có một số đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về mô hình chính quyền đô thị, bộ máy quản lý nhà nước làm sao hiệu lực, hiệu quả. Tổng Bí thư khẳng định, đây là vấn đề rất lớn, Trung ương đang tập trung bàn thảo làm sao tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước; không hình thức để đảm bảo đúng thực chất, áp dụng không chỉ cho thành phố Hải Phòng mà của cả nước.
Nghị quyết số 17-NQ/TW về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước đã đánh giá, bộ máy quản lý nhà nước còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp và tinh gọn. Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Không có Bộ thì tỉnh không có Sở, huyện không có Phòng. Cách thức tinh gọn bộ máy như thế nào là vấn đề rất lớn, sắp tới phải bàn. “Nghị quyết của Trung ương nêu mấy nhiệm kỳ rồi và đã đánh giá như thế thì phải xem xét", Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết Trung ương trong mấy nhiệm kỳ qua đều nêu chủ trương về sự cần thiết tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. “Sắp tới các ban của Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải gương mẫu, phải rất thẳng thắn, mạnh dạn và nhìn nhận nếu không tinh gọn bộ máy thì không thể phát triển được”.
Tổng Bí thư phân tích, không thể tăng lương, vì tăng lương trong khi bộ máy khổng lồ sẽ lên đến 80 - 90% chi ngân sách, không còn tiền để làm các hoạt động khác. Bộ máy cồng kềnh kìm hãm sự phát triển. Có những Bộ, ngành quản lý không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, dẫn đến "xin – cho". "Một ông chuyên viên có ý kiến khác thôi là toàn bộ hệ thống phải dừng lại để đánh giá lại, họp lại, làm sao giải trình, giải thích được những chuyện đó. Cơ chế hiện nay là vậy, một ý khác thôi là không thể vượt qua được".
Dẫn chứng câu chuyện vừa qua tập trung giải quyết vấn đề cát, đá, sỏi, có 5-6 bộ tập trung nghiên cứu nhưng "không biết ai chủ trì", Tổng Bí thư nêu thực tế, "một vấn đề thôi bao nhiêu cuộc họp nhưng hỏi ai chịu trách nhiệm chính thì chả biết ai", cồng kềnh, chồng chéo trong quản lý dẫn đến doanh nghiệp khổ sở, phát sinh tiêu cực, thậm chí tội phạm cũng xen vào. Từ vận chuyển, khai thác, đến đổ cát vào các khu công nghiệp, công trình công có bóng dáng tội phạm lợi dụng cơ chế.
Theo Tổng Bí thư, cần rà soát chi tiết, việc làm nào, hành vi nào phục vụ gì và tạo điều kiện gì cho Nhân dân, có phục vụ Nhân dân tốt hơn hay không. “Tôi rất bức xúc, một tờ giấy khai sinh thôi, nhưng 5 - 6 cơ quan tham gia và người dân mất cả tuần đến 10 ngày để làm thủ tục (giấy chứng sinh, số định danh, giấy khai sinh, hộ khẩu, bảo hiểm y tế). Tại sao không ở ngay trạm y tế có thể hoàn thành tất cả các thủ tục?” Khi đó, cán bộ tư pháp không còn phải làm những việc hành chính đơn thuần, mà thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn pháp luật, tư vấn pháp luật cho Nhân dân.
Nhắc lại tinh thần cần rà soát chi tiết, cụ thể để đổi mới, Tổng Bí thư cho biết, Nghị quyết Trung ương đã nêu chủ trương, đường lối, nhưng cần phải trở thành cuộc cách mạng để thấm nhuần tư tưởng này đến từng chi bộ, đảng viên; nhiệm vụ tinh giản biên chế không chỉ là của Bộ Nội vụ, các cơ quan, bộ máy quản lý nhà nước….
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề cập đến năng suất lao động ở Việt Nam và khẳng định, một trong những chỉ tiêu chúng ta khó đạt được trong nhiệm kỳ này là chỉ tiêu năng suất lao động. Mặc dù kinh tế đang phát triển nhưng năng suất lao động thực tế và chỉ số về phát triển lại đang có xu hướng giảm. Tỉ lệ năng suất lao động giảm, đồng nghĩa với chúng ta không thể phát triển kinh tế - xã hội, do vậy chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận để đánh giá chính xác.
Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm dần, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Giai đoạn 2021 – 2025, ước tăng 4,8% (so với giai đoạn 2016 – 2018, tốc độ tăng trưởng đạt 6,1% phần trăm), như vậy tốc độ tăng trưởng đang giảm xuống và mục tiêu đề tăng trưởng 6,7% của giai đoạn này có nguy cơ không đạt.
Theo Tổng Bí thư, chúng ta tăng trưởng có dựa vào một số yếu tố đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu. Nền kinh tế muốn phát triển bền vững phải dựa vào "những cái của ta, tự lực, tự chủ, tự cường là chính, còn đi vay mượn những chỗ khác về không thực chất". Vì vậy, không có con đường nào khác là tăng năng suất lao động, huy động mọi người đều tham gia vào sản xuất, kinh doanh. Người làm phải nhiều người hơn người hưởng thụ. Chúng ta đã sắp đến thời kỳ chạm đến dân số già, sẽ vô cùng khó khăn.
Kỷ nguyên mới phải bứt tốc với mục tiêu đến 2045 là nước phát triển, thu nhập cao. Nếu với tốc độ hiện nay, nhiều khả năng không hoàn thành, còn 20 năm nữa, quy mô nền kinh tế phải gấp 3 lần bây giờ, thu nhập bình quân đầu người phải gấp 3 lần mới đạt mục tiêu. Đây là những việc Trung ương phải bàn, phải thấy rõ những khó khăn để tránh xa, vượt lên để phát triển.
Ghi nhận và chia sẻ với các ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ 12, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, những trăn trở của đại biểu cũng là những nhiệm vụ mà Trung ương sẽ phải tập trung bàn thảo; đề nghị đại biểu Quốc hội đánh giá ở góc độ này để nhìn nhận con đường phát triển, lường trước những khó khăn để có các giải pháp ứng phó.
Tổng Bí Thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh, chúng ta cần phải bỏ khái niệm “xin việc” và khẳng định chúng ta có sức khỏe, có trí tuệ, có khao khát làm việc lo cho bản thân, cho gia đình, tạo ra sản phẩm xã hội, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước và thế giới. Nhà nước phải có chính sách khuyến khích cả xã hội lao động, tiến tới tăng năng suất lao động nhưng giảm giờ làm, như vậy Nhân dân mới có cuộc sống tốt đẹp hơn.