Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Tháo gỡ các thủ tục về visa để du lịch Việt Nam cất cánh
VHO- Trong phiên thảo luận Tổ của Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung các Luật này sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn để du lịch phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng việc sửa đổi Luật sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn để du lịch VN phát triển Ảnh: XUÂN TRẦN
Nhiều đại biểu cũng đồng quan điểm trên tại phiên họp Tổ diễn ra vào chiều 27.5.
Để du lịch Việt Nam phát triển như kỳ vọng
Phát biểu trong phiên thảo luận tại Tổ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trước đại dịch, năm 2019, du lịch đóng góp gần 10% GDP của cả nước. Đây là con số ấn tượng. Tuy nhiên sau đại dịch, du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, du lịch từng bước được phục hồi.
Năm 2022 được xem là năm bùng nổ về du lịch nội địa với con số là trên 100 triệu lượt khách. Du lịch nội địa được xác định như bệ đỡ trong khi chúng ta chưa phát triển mạnh được du lịch quốc tế, do ảnh hưởng từ đại dịch. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 cũng đạt gần 3,7 triệu lượt, chứng minh cho xu thế khách du lịch đang quay trở lại. Qua 4 tháng đầu năm 2023, thống kê chưa đầy đủ cho thấy Việt Nam đã đón 3,7 triệu lượt khách quốc tế. Điểm mới khi cơ cấu, phân tích lại thị trường khách du lịch là ngoài thị trường truyền thống đã bắt đầu xuất hiện các thị trường tiềm năng, bổ sung lượng khách giúp chúng ta hoàn thành nhiều chỉ tiêu, tăng thu từ các dịch vụ lưu trú, lữ hành. Từ đó ngành du lịch có thêm đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Bộ trưởng cũng cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL đã tham mưu tổ chức 2 Hội nghị nhằm phát triển du lịch. Đó là Hội nghị toàn quốc về du lịch và Hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển ngành du lịch. Để ngành du lịch phát triển hơn nữa, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển của kinh tế, xã hội, Bộ trưởng mong muốn các đại biểu Quốc hội quan tâm đóng góp ý kiến để cùng tháo gỡ điểm nghẽn đã được chỉ ra tại 2 Hội nghị nêu trên. Đó là điểm nghẽn về hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư phát triển du lịch khi chưa có khâu đột phá và điểm nghẽn về chính sách cấp thị thực cho khách du lịch còn nhiều điểm chưa phù hợp về thời hạn tạm trú.
Đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều như trong Tờ trình của Chính phủ sẽ tháo gỡ điểm nghẽn, tạo điều kiện cho người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, làm việc, du lịch tốt hơn. Đây cũng đang là giai đoạn chúng ta xây dựng Chính phủ điện tử nên việc sửa đổi, bổ sung, sử dụng công nghệ thông tin để cấp thị thực điện tử là phù hợp với xu hướng tất yếu. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tin tưởng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương và các đại biểu Quốc hội, sẽ tháo gỡ được những điểm nghẽn để du lịch Việt Nam phát triển như kỳ vọng.
Đại biểu NGUYỄN MẠNH HÙNG, TP Cần Thơ
Đề nghị nâng thời gian lưu trú cho người nhập cảnh
Để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định tại các Điều 7 và 9 nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 19a để mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam; sửa đổi, bổ sung Điều 31 để nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật.
Góp ý cho nội dung sửa đổi này, đại biểu Hà Phước Thắng (TP.HCM) đề nghị đánh giá lại đề xuất nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày. Lấy dẫn chứng ở các nước trong khu vực như Singapore là từ 30-90 ngày; Malaysia từ 14-90 ngày; Myanmar 28-70 ngày; Philippines 30-59 ngày; Thái Lan 45 ngày; Indonesia tối đa 30 ngày; Campuchia 14-30 ngày, đại biểu Thắng cho rằng số ngày này chỉ ở mức trung bình so với các nước trong khu vực. Vậy sao không nâng thời hạn tạm trú lên 60 hoặc 90 ngày để tạo điều kiện thu hút đầu tư, hợp tác, phát triển du lịch?
Góp ý cho 2 dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (TP Cần Thơ) nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật là hết sức cấp bách, cần thực hiện ngay để thúc đẩy phát triển du lịch. Đại biểu Hùng dẫn chứng, năm 2019, ở thời điểm trước khi có dịch Covid-19 nước ta đạt 19 triệu khách du lịch, lúc đó Thái Lan đạt 25 triệu khách. Năm 2022 nước ta đặt mục tiêu phục hồi sau dịch rất lớn với 5 triệu khách quốc tế nhưng kết quả chỉ đạt khoảng 60% trong khi Thái Lan là 11 triệu, Malaysia cũng đón 9,2 triệu khách. Năm 2022, trong khi Thái Lan đã có nhiều chính sách gia hạn visa, kéo dài thời gian lưu trú hay tạo điều kiện cho khách nhập cảnh qua hình thức trực tuyến thì Việt Nam chưa thể triển khai được những giải pháp này. Ba tháng đầu năm nay, nước ta đạt được khoảng 3,7 triệu khách du lịch quốc tế, so với mục tiêu 8 triệu khách năm nay vẫn còn thách thức. Trong khi đó, với Thái Lan đặt mục tiêu đón 15 triệu khách quốc tế trong năm nay. Đến năm 2030 khi Việt Nam đặt mục tiêu 35 triệu thì Thái Lan đặt mục tiêu 80 triệu khách.
“Những con số như vậy cho thấy việc tháo gỡ các thủ tục về visa là một trong những chìa khóa hết sức quan trọng để giúp du lịch Việt Nam có thể cất cánh. Bởi xét về mặt tự nhiên, thiên nhiên, các điều kiện khác thì chúng ta cũng không thua kém gì các nước láng giềng. Vậy vì sao du lịch Việt Nam lại có một khoảng cách so với các nước xung quanh. Qua khảo sát đánh giá, việc khó khăn trong xin cấp visa là một rào cản rất lớn…”, đại biểu Hùng cho hay.
Cũng góp ý về dự thảo Luật này, đại biểu Trần Việt Anh (TP Hà Nội) cho rằng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh… là rất cần thiết. Qua khảo sát về du lịch ở các địa phương, đặc biệt các địa phương sát biên giới, du khách đang gặp nhiều khó khăn khi muốn lưu trú lại vì vừa phải thực hiện theo Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh vừa thực hiện theo quy định của Luật Biên phòng. Đặc biệt, du khách nước ngoài đến và muốn lưu trú lại tại các điểm du lịch phải đạt 3 yêu cầu, thứ nhất là phải khai báo với công an khu vực và đồn Biên phòng; hai là phải có giấy xác nhận của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc công an địa phương mà du khách đó cư trú; ba là phải nộp 10 USD theo quy định tại Thông tư 25 của Bộ Tài chính. “Thực tế trên gây khó khăn cho du khách khi phải thông qua rất nhiều đầu mối. Tôi đề nghị rà soát lại nội dung này khi Luật Xuất, nhập cảnh đã mở ra rồi thì phải đơn giản các thủ tục, thuận lợi cho du khách. Cần rà soát các Luật có liên quan”, đại biểu Trần Việt Anh nêu.
Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cũng cho rằng cần phải nới lỏng việc cấp visa, tạo sự thông thoáng trong việc cấp thị thực cho công dân nước ngoài thuận lợi hơn trong việc đến Việt Nam làm việc, đầu tư hay du lịch. Tham chiếu với kinh nghiệm của các nước, đại biểu Hải cho rằng, nếu không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng thì chúng ta cần tháo gỡ các thủ tục visa, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, thúc đẩy sự phát triển của du lịch.
Những con số như vậy cho thấy việc tháo gỡ các thủ tục về visa là một trong những chìa khóa hết sức quan trọng để giúp du lịch Việt Nam có thể cất cánh. Bởi xét về mặt tự nhiên, thiên nhiên, các điều kiện khác thì chúng ta cũng không thua kém gì các nước láng giềng. Vậy vì sao du lịch Việt Nam lại có một khoảng cách so với các nước xung quanh. Qua khảo sát đánh giá, việc khó khăn trong xin cấp visa là một rào cản rất lớn… (Đại biểu NGUYỄN MẠNH HÙNG, TP Cần Thơ) |
THU SÂM