Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển rõ rệt
VHO-Chiều 6.6, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đinh Huệ, Quốc hội khóa XV tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc. Chịu trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.
Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển rõ rệt
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh
Nội dung của nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc là trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).
Chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.
Phát biểu trong phiên chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, cấp bách của Đảng và Nhà nước ta, được thực hiện thông qua các chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật và hệ thống chính sách liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
“Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số. Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh phát biểu.
Cũng theo Bộ trưởng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được thiết kế với 10 dự án thành phần có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, được triển khai trên địa bàn 51 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 6.6
Việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, bất cập như: hệ thống văn bản hướng dẫn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và một số chính sách mặc dù đã được ban hành nhưng văn bản hướng dẫn được triển khai chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, làm chậm triển khai các chính sách đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số còn gặp vô vàn khó khăn.
Bố trí đầy đủ vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho biết hiện có tình trạng nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số không muốn thoát nghèo, cận nghèo. Và tình trạng này diễn ra khá phổ biến trên cả nước, nếu không có biện pháp xử lý khiến công tác xóa nghèo của Nhà nước không đạt hiệu quả. Ông đề nghị Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết đâu là nguyên nhân và chúng ta cần phải có giải pháp gì để đồng bào có nhận thức đồng hành thoát nghèo. Đại biểu tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị Bộ trưởng quan tâm hơn đến công tác hạn chế di cư tự do vì tình hình này vẫn diễn ra trong một bộ phận đồng bào.
Trả lời ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa về việc nhiều hộ gia đình ở vùng nghèo không muốn thoát nghèo, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, hiện tượng này là có thật, xuất phát từ nhiều yếu tố. Tuy đã thoát nghèo, nhưng thực tế đời sống vẫn rất khó khăn, người dân thoát nghèo có thu nhập cải thiện không nhiều, trong khi không tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính sách nên có tâm lý không muốn thoát nghèo, cận nghèo.
Theo Bộ trưởng để giải quyết vấn đề này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tổng thể trong đó nguyên tắc, tiêu chí giảm nghèo đã được ban hành; các địa phương cần thực hiện một cách khách quan, trách nhiệm trong việc thống kê, tổng hợp, rà soát hộ nghèo trên phạm vi cả nước để đảm bảo người dân thoát nghèo bền vững, đảm bảo điều kiện tối thiểu để người dân yên tâm sinh sống. Cùng với đó cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục để bà con hiểu được chính sách của Đảng, Nhà nước, tự nguyện vươn lên thoát nghèo.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đề cập đến thực trạng một số đồng bào không muốn thoát nghèo
“Hệ thống tiêu chí giảm nghèo còn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, phụ thuộc vào yếu tố phát triển từng giai đoạn, nên cần xây dựng hệ thống tiêu chí phù hợp, tổng hợp, tiến tới phải có những hệ thống tiêu chí phù hợp hơn, để người thoát nghèo sống tốt, không tái nghèo trở lại”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh trả lời.
Trả lời các câu hỏi về việc bố trí vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 120 có giao Chính phủ nhiệm vụ bố trí vốn trong cơ cấu vốn của tổng cơ cấu vốn được phê duyệt, huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách nhà nước. “Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bố trí đủ vốn theo đúng tinh thần của Nghị quyết cho giai đoạn từ nay đến 2025”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh khẳng định.
Ngoài ra, trong cơ cấu vốn bố trí cho chương trình còn có một số nguồn vốn khác, gồm vốn tín dụng, vốn của địa phương đối ứng. Về huy động nguồn ngoài ngân sách nhà nước, chúng ta đã huy động nguồn ODA và các nguồn vốn xã hội khác. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã trình Quốc hội bố trí đủ nguồn theo kế hoạch hàng năm để triển khai theo đúng kế hoạch bố trí vốn Quốc hội đã phê duyệt.
Sáng mai 7.6, Quốc hội sẽ tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề dân tộc. Sau đó Quốc hội sẽ bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ. Buổi chiều, sau khi kết thúc nhóm vấn đề khoa học công nghệ, Quốc hội sẽ bắt đầu nhóm vấn đề về lĩnh vực giao thông vận tải.
THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN – QUỐC HỘI