Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3
VHO - Sáng 28.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo các Bộ, ngành; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy của 26 tỉnh, thành phố.
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão lịch sử với cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, gây mưa lớn tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc, gây hậu quả rất nặng nề về người và tài sản, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân.
Hội nghị nhằm sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, đồng thời đề ra giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết với tinh thần làm việc cả ngày thứ Bảy vì đồng bào bão lũ, thiên tai, Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3; trên cơ sở đó thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng nêu rõ, bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và tinh thần của Nhân dân. Hậu quả và những ảnh hưởng của cơn bão là hết sức nặng nề. Thiệt hại về người rất lớn, nhiều người mất tích vẫn chưa được tìm thấy. Sang chấn tinh thần của một bộ phận nhân dân rất nặng nề. Nhiều gia đình vẫn phải ở trong những nơi ở tạm, nhiều bản làng vẫn phải rất lâu mới có thể trở lại bình thường.
Nhiều công trình hạ tầng cầu, đường… bị sập đổ đang được khắc phục để duy trì giao thông thông suốt cho người dân; hạ tầng điện, nước, sóng được khẩn trương khôi phục. Hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Quân đội đang tích cực xây dựng cầu phao tại khu vực cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập.
Nhiều chính sách của Chính phủ đang được tích cực thực hiện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng thiên tai đã phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại; đồng thời nhận được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng bào và doanh nghiệp trên cả nước.
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, ngày 9.9.2024, trong lúc đang mưa lũ do hoàn lưu bão, Bộ Chính trị đã họp, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung ứng phó với bão lũ.
Với tinh thần nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị, các cuộc họp, ban hành nhiều công điện; lãnh đạo Chính phủ đã kiểm tra trực tiếp tại các địa phương; gần đây nhất là tổ chức Hội nghị ngày 15.9.
Ngay sau Hội nghị, ngày 17.9.2024 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143-NQ/CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình, hỗ trợ nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Gần đây nhất, ngày 27.9, Thủ tướng ban hành Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27/.9.2024 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các lực lượng chủ công như quân đội, công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương… trực tiếp ứng phó tại hiện trường; các tập đoàn trong lĩnh vực điện lực, viễn thông đã vào cuộc ngay, tích cực; cảm ơn nhân dân, doanh nghiệp đã luôn chia sẻ, đồng hành, rất ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp giữa các lực lượng, các bộ, ngành, việc huy động sức mạnh của người dân, doanh nghiệp, tinh thần đại đoàn kết được thể hiện rất rõ và phát huy mạnh mẽ; cả nước chung tay góp sức, góp của, góp công với tinh thần "tương thân, tương ái", "tình dân tộc, nghĩa đồng bào", "ai có của góp của, ai có công góp công, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều".
Thời gian của Hội nghị ít, công việc nhiều, yêu cầu cao, đòi hỏi phải có hiệu quả ngay sau hội nghị, với tinh thần "tất cả vì nhân dân, tất cả vì sự phát triển đất nước", khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến, khẳng định những việc đã làm được, làm tốt, chỉ rõ những việc làm chưa tốt, tồn tại, hạn chế, khó khăn, rút ra các bài học kinh nghiệm, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp, góp ý vào văn bản chỉ đạo phù hợp là sản phẩm của Hội nghị để tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu đề ra nhanh chóng ổn định tình hình, hỗ trợ nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024.