Giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc được phát huy, toả sáng trong đại dịch

VHO-Phát biểu trong phiên thảo luận tại Tổ vào sáng 21.10, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) nhấn mạnh, qua đại dịch, điều quan trọng là giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc được phát huy, toả sáng.

Phát biểu thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phân tích kỹ những khó khăn khi đất nước ta và thế giới phải đối phó với dịch bệnh chưa từng có trong lịch sử, nhất là khi xuất hiện biến thể Delta. Vì chưa có tiền lệ nên khi có biến thể mới, ngay cả Tổ chức y tế thế giới cũng không thể chỉ ra biến thể mới có đặc điểm gì. Vì vậy nên chúng ta vừa làm, vừa chiêm nghiêm và rút kinh nghiệm.

Giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc được phát huy, toả sáng trong đại dịch - Anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phân tích những khó khăn khi nước ta và thế giới phải đối phó với dịch bệnh chưa từng có trong lịch sử

Bộ trưởng nêu lên thực tế, việc phòng chống dịch phải dựa trên công tác y tế nhưng ngành Y tế nước ta lại thiếu thốn cả nhân lực, vật lực. Chẳng hạn như sau đại dịch, nhất là sau đợt dịch thứ 4 vừa rồi, chúng ta mới thấm thía bài học về y tế cơ sở. Đây là nơi ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh đầu tiên nhưng trong nhiều năm qua, hệ thống y tế cơ sở gần như chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngay trong tâm lý người dân, khi có bệnh thường phải đến bệnh viện lớn, bệnh viện trung ương, chứ ít khi đến các trạm y tế tại các xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó là những khó khăn về nguồn lực, nhất là khi việc phòng chống, điều trị dịch bệnh cần phải có đội ngũ các bác sĩ chuyên ngành dịch tễ học hay hồi sức cấp cứu. Cái thiếu nữa là vật tư y tế bởi khi điều trị, phải cần đến thuốc, công cụ, trang thiết bị… Ban đầu chúng ta xây dựng kịch bản 30.000 ca bệnh nhưng trong đợt bùng phát thứ 4 này, con số tăng lên nhiều, dẫn đến khó khăn trong công tác điều trị.

Chia sẻ với những khó khăn mà ngành Y tế và các địa phương trong cả nước, nhất là TP.HCM phải trải qua khi đối phó với dịch bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao việc chúng ta đã kịp thời tổng kết, điều chỉnh phương án kịp thời ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh. "Ví dụ như trước đây chúng ta áp dụng 5k nhưng giờ là 5k + công nghệ + vắc xin và thêm nữa là ý thức người dân, trong đó vắc xin và thuốc vẫn là giải pháp trọng tâm. Từ đó đã giúp chúng ta kiểm soát dịch bệnh, bước đầu mở cửa lại nền kinh tế với 2 nhóm nhiệm vụ trụ cột là tài khóa chính sách và sản xuất, dịch vụ, du lịch" - Bộ trưởng nêu dẫn chứng.

Giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc được phát huy, toả sáng trong đại dịch - Anh 2

Bộ trưởng đánh giá, qua đại dịch, chúng ta đã huy động được sức mạnh tổng hợp của dân tộc

Đặc biệt theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, qua dịch bệnh chúng ta đã huy động được sức mạnh tổng hợp của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng từ lời kêu gọi như lời hiệu triệu của đồng chí Tổng Bí thư, sự điều hành của Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội đến sự điều hành của Chính phủ. Cũng qua đại dịch, cái lớn nhất là giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc được phát huy, toả sáng với các hoạt động tương thân, tương ái, thiện nguyện, lối sống đẹp. Nhờ đó cả nước đã bắt đầu khống chế, đẩy lùi được dịch bệnh để khắc phục, duy trì và tiếp tục thực hiện mục tiêu mở cửa lại nền kinh tế.

Lấy dẫn chứng cụ thể về sự ảnh hưởng của đại dịch đến mọi mặt của đời sống, nhất là với thế hệ tương lai của đất nước khi các em phải học online, không được đến trường, nhiều em bị mồ côi cha mẹ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng bày tỏ lo lắng về việc, khi dịch bệnh qua đi thì hệ lụy, hệ quả về tâm lý xã hội sẽ tác động lâu dài. Vì vậy, ông đề nghị cần phải đưa ra dự báo để có giải pháp kịp thời, phù hợp.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, qua đại dịch chúng ta đã thấy được vấn đề phải phát triển song song, hài hoà giữa đô thị hoá và công nghiệp hoá, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

VÂN GIANG; ảnh: TRẦN HUẤN

 

Ý kiến bạn đọc