Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Khu Công nghệ cao TP.HCM
VHO - Chiều nay 11.5, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với BQL Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) về việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của BCH Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Quốc Minh,… Về phía lãnh đạo TP.HCM có Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức.
Tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng BQL Khu Công nghệ cao TP.HCM đã báo cáo về thực tiễn phát triển khu công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, các giải pháp thu hút và trọng dụng đội ngũ tri thức, chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại SHTP.
Được thành lập từ năm 2002, trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, SHTP đã triển khai đồng bộ 7 phân khu chức năng theo quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển.
Tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng SHTP, tính đến ngày 30.4.2023 đã giải ngân trên 10.000 tỉ đồng, bao gồm: Đền bù, tái định cư, an sinh trên 4.800 tỉ đồng; quy hoạch, xây dựng hạ tầng trên 4.700 tỉ đồng; hạ tầng khoa học công nghệ, nghiên cứu triển khai - đào tạo - ươm tạo gần 480 tỉ đồng; chuẩn bị dự án Công viên Khoa học Công nghệ là 3,8 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 2.000 tỉ đồng, ngân sách Thành phố đầu tư trên 8.100 tỉ đồng.
Đến nay, SHTP đã thu hút được 160 dự án, trong đó, 70 dự án sản xuất công nghệ cao; 19 dự án dịch vụ công nghệ cao; 19 dự án nghiên cứu triển khai (R&D); 9 dự án đào tạo, ươm tạo; 23 dự án công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; 9 dự án thương mại, dịch vụ và 11 dự án phát triển hạ tầng. Trong 51 dự án FDI, có các tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng thế giới như: Intel, Jabil (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italia),.... Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là trên 10 tỉ USD/51 dự án (bình quân vốn đầu tư 198 triệu USD/dự án) và tổng vốn đầu tư trong nước gần 2 tỉ USD/109 dự án (bình quân vốn đầu tư trên 18 triệu USD/dự án).
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng dần hằng năm, năm 2021 đạt gần 21 tỉ USD (chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu TP.HCM), năm 2022 đạt 23 tỉ USD và dự kiến năm 2023 đạt 26 tỉ USD. Tổng lao động trong các dự án SHTP, tính đến cuối năm 2022 là gần 52.000 người, trong đó 570 lao động nước ngoài. SHTP đã hợp tác với ĐH Quốc gia TP.HCM, cùng các viện, trường triển khai các hoạt động R&D, đào tạo, ươm tạo, doanh nghiệp công nghệ cao, đạt được một số kết quả bước đầu như cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp, đào tạo và tái đào tạo, một số hợp tác đề tài khoa học công nghệ cấp Quốc gia và Thành phố.
“Bên cạnh những kết quả quan trọng về thu hút đầu tư, đóng góp vào kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.HCM và cả nước, điều quan trọng là tại Khu Công nghệ cao TP đã hình thành nên những hệ sinh thái ngành mạnh và những cơ sở hạ tầng về khoa học công nghệ, làm tiền đề cho sự phát triển của SHTP ở giai đoạn tiếp theo với trọng tâm là phát triển năng lực nội sinh. SHTP xác định tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành tiểu Đô thị khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước”, PGS.TS Nguyễn Anh Thi nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Anh Thi báo cáo các nội dung với đoàn công tác
Ông Nguyễn Anh Thi cho biết thêm, tính đến nay, số lượng chuyên gia khoa học và công nghệ người nước ngoài và chuyên gia Việt kiều làm việc trong các doanh nghiệp SHTP là 570 người và hơn 20 chuyên gia Việt kiều đã trở về làm việc theo cơ chế cộng tác viên và 5 chuyên gia theo cơ chế chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực Thành phố có nhu cầu. Các hoạt động của chuyên gia nước ngoài và Việt kiều đã mang lại một số kết quả, kết nối quan trọng trong thúc đẩy các hoạt động khoa học và công nghệ cũng như trong công tác xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế, kết nối trong mối quan hệ giữa các các tổ chức quốc tế với BQL, doanh nghiệp và viện, trường.
Trong thời gian qua, đội ngũ trí thức đang làm việc tại SHTP đã phát huy tốt vai trò, kinh nghiệm và có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển của các đơn vị, giúp SHTP có những kết quả nhất định, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu, làm chủ công nghệ ở một số lĩnh vực với các sản phẩm công nghệ cao đang được thương mại hóa và giúp mở rộng quan hệ quốc tế. Đặc biệt, các trí thức trẻ được đào tạo ở nước ngoài đã mang lại không khí chuyên nghiệp trong hoạt động nghiên cứu triển khai, từ đó kích thích các đội ngũ trí thức trẻ tiếp thu và học tập được phong cách làm việc chuyên nghiệp.
Ông Huỳnh Tấn Bửu, Tổng Giám đốc Công ty Sun Electronics thông tin về hoạt động của Công ty Sun Electronics tại Khu Công nghệ cao
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao hoạt động của Khu Công nghệ cao sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đã chứng tỏ sự đúng đắn của TP.HCM trong cách tiếp cận và chọn phương thức tiến hành triển khai dự án, từ đó đã hình thành một Trung tâm Công nghệ cao quốc gia - nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp, đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao. SHTP đã góp phần quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP qua các nhiệm kỳ - chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng công nghiệp công nghệ cao. TP.HCM đã tiên phong chứng tỏ chủ trương đúng đắn của Trung ương và Thành phố về giải pháp phát triển công nghệ cao trong chiến lược CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. SHTP đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng thể chế về hoạt động công nghệ cao, được đánh giá là đơn vị thành công nhất trong các Khu Công nghệ cao quốc gia.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, trọng tâm của Khu Công nghệ cao TP.HCM trong giai đoạn tới là phát triển năng lực nội sinh, tập trung vào phát triển các ngành, lĩnh vực có tính nền tảng, có tác động lan tỏa cao ở tầm quốc gia, gắn với các hệ sinh thái ngành mạnh đã hình thành và tận dụng triệt để các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên cơ sở khai thác các thế mạnh về nguồn nhân lực trình độ cao, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cần tiếp tục tạo điều kiện phát triển chất lượng nhân lực từ nguồn nhân lực có sẵn, khuyến khích học tập, nâng cao trình độ chuyên môn; tăng cường hợp tác nghiên cứu và đào tạo với các viện, trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM để đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao theo yêu cầu của các doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, tiếp tục thuê chuyên gia nước ngoài đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ trí thức hiện hữu, hoặc cử đi nước ngoài đào tạo nhằm giúp nguồn nhân lực tại chỗ có thể tiếp cận nhanh công nghệ mới và các công nghệ tích hợp, làm sao để đạt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành một Khu Công nghệ cao trưởng thành đạt trình độ thế giới, hoạt động theo mô hình của khu công viên khoa học và công nghệ, trong đó việc mở rộng, bổ sung chức năng Khu công viên Khoa học và Công nghệ có quy mô 197 ha là nhiệm vụ mang quan trọng, chiến lược.
Sau buổi làm việc, đoàn đã tham quan, tìm hiểu Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế (International Electronics Training Center - IETC), nơi đào tạo nhân lực trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm điện tử, phát triển các sản phẩm, vận hành các nhà máy điện tử có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương tham quan Trung tâm IETC
IETC chính thức đưa vào vận hành từ ngày 25.3.2023, là mô hình hợp tác giữa Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao (SHTP Training) và Công ty Sun Electronics (một công ty khởi nghiệp lĩnh vực điện tử do các chuyên gia người Việt tại Silicon Valley và các trí thức, chuyên gia, doanh nhân trong nước đồng sáng lập) thành lập. IETC có chức năng cung cấp các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn IPC (International Process Control), tiêu chuẩn được áp dụng rộng rãi bởi các tập đoàn công nghệ thế giới; các chương trình đào tạo quản lý, vận hành nhà máy sản xuất điện tử theo tiêu chuẩn quốc tế; các chương trình đào tạo thiết kế sản phẩm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế. Các chương trình đào tạo do các chuyên gia người Việt Nam ở Thung lũng Silicon Valley thiết kế và trực tiếp giảng dạy trong giai đoạn đầu. Đây là mô hình thí điểm hợp tác công tư nhằm gắn kết trí thức, chuyên gia người Việt Nam tại Silicon Valley với các trí thức, chuyên gia và doanh nhân trong nước để tiếp thu, chuyển giao tri thức, công nghệ trong lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn vào trong nước.
Trước đó, BQL Khu công nghệ cao TP.HCM đã ký kết hợp tác với Công ty Synopsys thành lập mô hình Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch Khu công nghệ cao (SHTP Chip Design Center - SCDC). SCDC và IETC là 2 công cụ rất quan trọng, hợp thành hệ sinh thái đào tạo hoàn chỉnh tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, góp phần trực tiếp vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hai công đoạn ưu tiên phát triển của Việt Nam trong các ngành điện tử, vi mạch là thiết kế vi mạch và ứng dụng vi mạch, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn của khu vực và thế giới.
THÙY TRANG