Đại sứ Knapper:

Chuyến làm việc tại Mỹ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là một sự kiện lịch sử

TÙNG QUANG

VHO - Ngày 21-27.9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79, làm việc tại Mỹ.

Chuyến làm việc tại Mỹ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là một sự kiện lịch sử - ảnh 1
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper

Trả lời báo chí nhân sự kiện này, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nhấn mạnh:

Chúng tôi rất vui mừng về chuyến đi sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch Việt Nam Tô Lâm tới Mỹ nhân dịp sự kiện của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tôi nghĩ rằng việc ông tới New York ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là một điều tuyệt vời. Theo chúng tôi biết, ông có lịch trình bận rộn với Liên Hợp Quốc, bên cạnh đó ông cũng dự kiến tham dự một số sự kiện khác và có các bài phát biểu.

"Tại thời điểm này, tôi chưa có thông tin việc liệu ông ấy có gặp gỡ cấp cao với các nhà lãnh đạo Mỹ hay không. Nhưng việc ông ấy sẽ đến Mỹ và có những cuộc gặp đã rất tuyệt vời rồi. Tôi nghĩ rằng đây là một chuyến đi rất quan trọng và chúng tôi mong chờ điều đó", Đại sứ Mỹ cho biết và nói: Đây là một sự kiện lịch sử, chuyến đi đầu tiên mang tính lịch sử của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới New York.

"Đây là một dịp kỉ niệm rất đặc biệt. Một năm Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, sau ngày 10.9 năm ngoái, khi Tổng thống Biden đến thăm và gặp cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chúng tôi chia buồn với người dân Việt Nam về việc mất đi một nhà lãnh đạo tuyệt vời, với tầm nhìn tuyệt vời, tầm nhìn chiến lược cho mối quan hệ Việt - Mỹ.

Xét về tiến độ đạt được, một lĩnh vực điểm nhấn chính là nỗ lực của chúng ta trong việc hợp tác để xây dựng đơn vị sản xuất công nghệ cao mạnh hơn và có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, điều này bao gồm việc thu hút đầu tư từ Mỹ", cũng theo Đại sứ Mỹ.

Ông Knapper cho biết: Rất nhiều công ty công nghệ cao đẳng cấp thế giới của Mỹ đang ở đây hoặc muốn ở đây, mở rộng các khoản đầu tư hiện có vào các công ty như Intel, Synopsys, Osmium. Đây là một số công ty tốt nhất trên thế giới và họ muốn có mặt tại Việt Nam để giúp biến Việt Nam trở thành nơi hấp dẫn đối với các nhà đầu tư công nghệ cao.

"Tất nhiên, chúng ta cũng đang làm việc để cùng nhau phát triển lực lượng lao động, nghĩa là đào tạo, giáo dục, đảm bảo rằng người lao động có các kỹ năng họ cần cho thế kỷ XX và những ngành công nghiệp thế kỷ XXI", ông Knapper nói và cho biết thêm:

"Vì vậy, chỉ vài ngày trước, chúng tôi đã công bố một sáng kiến mới sử dụng nguồn tài trợ từ Bộ Ngoại giao Mỹ, về cơ bản là để đại học Mỹ, Đại học Tiểu bang Arizona hợp tác với Trung tâm Đổi mới Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Mỹ, những bên khác để giúp tạo ra chương trình giảng dạy đại học phù hợp đào tạo kỹ sư điện, nhà khoa học máy tính, kỹ thuật viên. Và một phần của sáng kiến này sẽ là đào tạo giảng viên, chứ không chỉ sinh viên. Điều này sẽ giúp xây dựng thêm nhiều lực lượng lao động của Việt Nam".

Một bước phát triển rất quan trọng trong lĩnh vực năng lượng. Thông báo gần đây của Việt Nam về cơ chế thỏa thuận mua bán điện trực tiếp, một lĩnh vực mà Mỹ và Việt Nam đã cùng nhau làm việc trong bảy năm, cuối cùng chúng ta hoàn thành và tôi nghĩ rằng đó là một bước tiến rất quan trọng cho thấy cam kết của Việt Nam trong việc cho phép các công ty và nhà đầu tư tiếp cận các nguồn năng lượng sạch, năng lượng đáng tin cậy.

"Một bước quan trọng khác, không liên quan trực tiếp đến chúng tôi, nhưng là bước mà chúng tôi muốn hỗ trợ, đó là khi Việt Nam thông báo rằng tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ thứ hai trong giáo dục.

Và đây chắc chắn là điều mà Chính phủ Mỹ sẽ muốn hỗ trợ. Chúng tôi có nhiều chương trình thúc đẩy giáo dục tiếng Anh, đặc biệt là trong các lĩnh vực STEM", ông Knapper nói.

Theo Đại sứ Knapper, Mỹ sẽ thực hiện các chương trình đào tạo đặc biệt hướng đến việc học loại tiếng Anh kỹ thuật cần thiết mà các nhà tuyển dụng muốn có, những người lao động tiềm năng của họ sẽ có kỹ năng tiếng Anh tập trung vào kỹ thuật, khoa học, công nghệ.

"Trên đây mới chỉ là một vài điều, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta có thể nói nhiều hơn nữa về mối quan hệ này, cho dù đó là hợp tác y tế, quốc phòng, an ninh, biến đổi khí hậu,... Đây là một năm rất thú vị và tôi nghĩ mọi thứ sẽ tiếp tục phát triển và tăng trưởng. Chúng ta sẽ kỷ niệm 30 năm quan hệ vào năm tới, chúng tôi rất hào hứng về mọi thứ đang diễn ra", Đại sứ Knapper nói.

Đại sứ Mỹ nhấn mạnh: Tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng trong mối quan hệ thương mại và đầu tư. Hiện tại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ, điều này thật đáng chú ý. Mỹ là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam. Hàng hóa công nghệ cao, giá trị cao xuất hiện trong thương mại giữa hai nước ngày càng nhiều, và tôi mong đợi điều đó sẽ tiếp tục.

Chúng ta đang thấy ngày càng nhiều khoản đầu tư công nghệ cao, giá trị cao đến từ Mỹ và Việt Nam, và chúng tôi cũng rất hào hứng về khoản đầu tư của Việt Nam vào Mỹ. Khi ngày càng nhiều người Mỹ tìm cách tiếp cận hàng hóa Việt Nam, thì các nhà sản xuất Việt Nam cũng có thể chuyển hoạt động sản xuất của họ sang Mỹ, điều này tạo ra việc làm, và hai nước chúng ta sẽ gần nhau hơn nữa.

Trong lĩnh vực quốc phòng, chúng ta sẽ thấy sự tăng trưởng liên tục. Khi hai nước chúng ta cùng nhau xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc phòng, bao gồm thông qua các hoạt động như triển lãm thương mại quốc phòng vào tháng 12, một số công ty Mỹ đến Việt Nam và sẽ muốn hợp tác với chính phủ khi Việt Nam tìm cách đa dạng hóa và hiện đại hóa thiết bị của mình.

Trong lĩnh vực y tế, chúng ta sẽ tiếp tục thấy sự hợp tác rất chặt chẽ. Ví dụ, CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) của chúng tôi hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam để thành lập trụ sở CDC Mỹ tại Việt Nam, đây là nỗ lực đáng chú ý nhằm thúc đẩy hợp tác y tế và chăm sóc sức khỏe.

Trong lĩnh vực năng lượng, chúng ta sẽ thấy nhiều khoản đầu tư hơn vào Việt Nam, tận dụng các chính sách nhằm chuyển từ than sang các nguồn năng lượng tái tạo. Đây chỉ là một vài lĩnh vực mà hai nước chúng ta sẽ tiếp tục phát triển quan hệ và xây dựng cầu nối, đồng thời thúc đẩy sự hiểu biết giữa hai dân tộc".