Chủ tịch Quốc hội: Bình Định phát triển du lịch phải gắn với phát triển thể thao, bảo tồn văn hoá
VHO - Tiếp tục chuyến công tác tại tỉnh Bình Định, ngày 4.3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và các năm tiếp theo.
Bình Định là tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ. Bình Định có diện tích tự nhiên 6.071 km, lãnh thổ trải dài 110 km theo hướng Bắc - Nam, với chiều dài bờ biển 134 km, diện tích vùng lãnh hải 36.000 km; có hệ thống giao thông cơ bản hoàn thiện, đồng bộ, kết nối thuận lợi giữa các vùng, với đầy đủ các phương thức vận tải (như: đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển), là cửa ngõ ra biển gần nhất đối với các tỉnh Tây Nguyên và vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế biển.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc
Trong đó, có Cảng biển quốc tế Quy Nhơn là cảng biển lớn của Việt Nam, có ưu thế là vùng neo đậu kín gió, có thể tiếp nhận tàu hàng đến 70 nghìn tấn ra vào an toàn. Cảng hàng không Phủ Cát có các chuyến bay đi và đến các đầu mối giao thông lớn trong cả nước và đang triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng thành sân bay quốc tế. Ga đường sắt Diêu Trì của Bình Định là 01 trong 10 ga đường sắt lớn của cả nước. Bên cạnh đó, tỉnh hiện có 5 tuyến quốc lộ đi qua (trong đó đang hình thành các tuyến cao tốc). Bên cạnh đó, các tuyến đường kết nối Cảng Quy Nhơn, Sân bay Phù Cát, Ga đường sắt Diêu Trì với các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị, khu du lịch của tỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng hoàn thiện.
Tỉnh Bình Định là trung tâm văn hóa phía Nam vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử - cách mạng. Nơi đây từng là cố đô của Vương quốc Chămpa, nơi phát tích khởi nguồn chữ quốc ngữ, phong trào Tây Sơn, gắn với tên tuổi người Anh hùng kiệt xuất Quang Trung - Nguyễn Huệ…Bình Định đang đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để sẵn sàng đón các nhà đầu tư, nhất là hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp với tổng diện tích 15.300ha và hạ tầng các cụm công nghiệp với tổng diện tich 2.940 ha.
Quảng cảnh buổi làm việc
Năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những biến động phức tạp của giá cả, thị trường đã tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân; song các Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong tinh tiếp tục tập trung quán triệt, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và đã đạt được những kết quả tích cực.
Theo đó, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,61%, vượt so với kế hoạch HĐND tỉnh giao (7-7,5%) và xếp thứ 17/63 địa phương cả nước, thứ 06/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Quy mô kinh tế của tỉnh ước đạt 117.668,8 tỉ đồng, xếp thứ 5/14 tỉnh, thành miền Trung (tăng 2 bậc so với thời điểm trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX); GRDP đầu người đạt 78,19 triệu đồng, xếp thứ 6/14 tỉnh, thành miền Trung (tặng 1 bậc so với trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX). Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, giảm khu vực nông, lâm, thủy sản và tăng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, cụ thể: Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 26,38%, công nghiệp và xây dựng chiếm 30,39%, dịch vụ chiếm 38,9%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,33%.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và định hướng phát triển của Bình Định trong năm 2024 và các năm tiếp theo
Bình Định cũng đưa ra định hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, theo đó, đến năm 2030 Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Định kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ tỉnh mở rộng cảng hàng không Phù Cát với 2 nội dung là chấp thuận phương án triển khai đầu tư xây dựng Cảng hàng không Phù Cát theo quy hoạch thời kỳ 2021 -2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Bình Định có nhiều lợi để phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ với văn hóa - thể thao
Đồng thời, kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo hình thức đầu tư công và quan tâm bố trí vốn ngân sách Trung ương đề sớm hoàn thành dự án trước năm 2030 và Bộ GTVT làm chủ đầu tư dự án; Chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, sớm tạo điều kiện cho dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE (CHLB Đức) triển khai trên địa bàn tỉnh.
Kiến nghị Quốc hội xem xét sớm ban hành Luật về Thừa phát lại; xem xét, ưu tiên cho chuyển mục đích sử dụng rừng đối với các dự án thành phần thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đang triển khai trên địa bàn tỉnh.
Sau khi nghe báo cáo của tỉnh, cũng như những ý kiến của các thành viên đoàn công tác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng và biểu dương những kết quả mà Bình Định đã đạt được trong hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, góp phần đưa nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tăng trưởng, đứng trong tốp dẫn đầu của khu vực.
“Thế và lực của tỉnh Bình Định hiện nay đã khá hơn nhiều. TP Quy Nhơn đã trở thành điểm đến có tiếng trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước. Các dự án, công trình mới tiếp tục mọc lên. Đời sống của nhân dân được nâng lên”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và lưu ý, Bình Định đã vươn lên rất nhanh, nhưng xuất phát điểm thấp, điều kiện còn nhiều khó khăn nên khoảng cách phát triển so với các địa phương khác trong cả nước vẫn còn lớn.
Theo Chủ tịch Quốc hội, dư địa phát triển của tỉnh vẫn còn rất lớn. Do đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định cần tiếp tục nêu cao khát vọng, quyết tâm, quyết liệt hành động, bứt tốc trong những năm tới để do đại dịch Covid-19 gây ra; không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra, điểm khác biệt trong Quy hoạch của tỉnh Bình Định so với các tỉnh khác trong khu vực là Bình Định được xác định trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng.
“Phải nhận thức sâu sắc vấn đề này, với tầm nhìn phát triển như vậy thì các bộ, ngành Trung ương phải hỗ trợ để Bình Định thực hiện được chức năng là trung tâm vùng. Một mặt là trách nhiệm của tỉnh, nhưng một mặt cũng là trách nhiệm của Hội đồng điều phối Vùng và trách nhiệm của Trung ương, các bộ, ngành, Chính phủ và Quốc hội, nhất là tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và phân bổ nguồn lực cho tỉnh”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chia sẻ với khó khăn của địa phương khi chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực ưu tiên đầu tư của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Bình Định đi sau nhưng phải kiên nhẫn một chút. Yêu cầu đặt ra là phải chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết, bởi “Chưa có ao sâu sao có cá to - Chưa có tổ lớn sao có đại bàng”.
Đề cập đến Bình Định là mảnh đất có bề dày văn hóa - lịch sử, truyền thống; là nơi phát tích phong trào Tây Sơn, gắn với tên tuổi người Anh hùng kiệt xuất Quang Trung - Nguyễn Huệ, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ với văn hóa - thể thao; TP Quy Nhơn phải là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa - thể thao mang tầm quốc gia, quốc tế; phải nghĩ ra và xây dựng được “thương hiệu” cho du lịch Bình Định, như Đà Nẵng có lễ hội pháo hoa.
Dự kiến tại kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Bình Định, nhất là Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phải chuẩn bị, đề xuất với Quốc hội nội dung phù hợp liên quan đến giá trị văn hóa truyền thống của Bình Định.
Năm 2024 cũng là năm bắt đầu triển khai các công việc chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bình Định chăm lo làm tốt công tác quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tới, trong đó có quy hoạch cán bộ cho các cơ quan dân cử.
PHAN HIẾU