"Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050": Phải tập trung được trí tuệ của toàn ngành
VHO-Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Tổng cục TDTT vào sáng 10.9, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, việc xây dựng Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phải tập trung được trí tuệ của toàn ngành, thể hiện được trách nhiệm, tâm huyết của những người đang công tác trong ngành TDTT, tham khảo được ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành...
Về sự cần thiết phải xây dựng Chiến lược, Chánh Văn phòng Tổng cục TDTT Tần Lê Minh cho biết, cách đây hơn 11 năm, ngày 3.2.2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển TDTT VN đến năm 2020. Sau 10 năm thực hiện, các chỉ tiêu lớn trong Chiến lược, qui hoạch, kế hoạch phát triển TDTT VN cơ bản đã hoàn thành, góp phần tích cực vào thành công chung trong sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao và du lịch.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chủ trì buổi làm việc với Tổng cục TDTT về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08 NĐ/TW và tiến độ xây dựng Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Đến nay đã kết thúc giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020. Vì thế cần được xây dựng, triển khai một Chiến lược mới nhằm định hướng phát triển TDTT trong giai đoạn tới. Nhất là trong bối cảnh trong nước và quốc tế trong giai đoạn 2021-2030 có nhiều thay đổi, tạo ra thời cơ, vận hội mới nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đối với công tác TDTT, đòi hỏi phải có sự điều chính, cách tiếp cận mới về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đối với lĩnh vực TDTT.
Việc xây dựng, ban hành Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nhằm cụ thể hoá, triển khai hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp liên quan tới phát triển TDTT được nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…
Bên cạnh đó, hoạt động TDTT ngày càng đa dạng cả về hình thức lẫn nội dung, với qui mô ngày càng kowsn, đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý nàh nước, đổi mới phương thức hoạt động của các thiết chế thể thao, thay đổi cách thức cung ứng dịch vụ TDTT, nhất là các dịch vụ TDTT cho đối tượng người cao tuổi trong giai đoạn Việt Nam bắt đầu “gìa hoá” dân số, đồng thời nhằm chủ động ứng phó trước diễn biến phức tạp của các dịch bệnh nói chung và dịch bệnh Covid-19 nói riêng.
Vì thế để đáp ứng yêu cầu phát triển TDTT trong tình hình mới, việc xây dựng Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hết sức cần thiết và cần được đẩy nhanh tiến độ.
Thứ trưởng đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp cho việc xây dựng Chiến lược
Tại buổi làm việc, đại diện cho các Vụ, đơn vị chức năng thuộc Tổng cục TDTT đã đóng góp nhiều ý kiến cho việc xây dựng Chiến lược như việc định vị lại vị trí, vai trò, tên gọi của thể thao cho mọi người hay các mục tiêu cụ thể liên quan đến sự phát triển của thể thao thành tích cao, thể thao nhà nghề; những hạn chế, bất cập trong việc phát triển thể thao trường học; phải đề cao yếu tố khoa học công nghệ, chuyển đổi số, truyền thông vào nội dung của dự thảo Chiến lược.
Lắng nghe các ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phân tích từng điểm hay, cần bổ sung vào việc xây dựng nội dung Chiến lược cũng như những hạn chế cần khắc phục. Thứ trưởng nhấn mạnh việc xây dựng Chiến lược là hết sức cần thiết, cần phải được tiến hành đúng tiến độ, tránh chậm trễ. Các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược sẽ góp phần cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển TDTT đất nước nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Chiến lược phải tập trung được trí tuệ của toàn ngành, các nhà khoa học, chuyên gia, thể hiện được trách nhiệm, tâm huyết của những người công tác trong ngành TDTT. Vì thế các Vụ, đơn vị chức năng của Tổng cục TDTT cần phải có ý kiến đóng góp cụ thể, kỹ lưỡng, kết tinh của trí tuệ tập thể để đóng góp ý kiến cho bộ phận soạn thảo Chiến lược. Làm sao cho Chiến lược sau khi được phê duyệt phải có tầm nhìn đúng để có thể triển khai thực hiện đến năm 2030 và có tầm nhìn đến năm 2050”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.
THU SÂM; ảnh: QUÝ LƯỢNG