Cần quan tâm, tiếp tục đầu tư hoàn thiện thiết chế văn hóa khi triển khai, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
VHO - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều nay 30.10 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Phát biểu điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL không phải là cơ quan chủ trì ba Chương trình mục tiêu quốc gia, tuy nhiên rất cảm kích khi được lắng nghe nhiều ý kiến của đại biểu đề cập đến nhiều vấn đề trong lĩnh vực văn hoá, liên quan đến thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn mong muốn nếu thực hiện được ba Chương trình mục tiêu quốc gia đúng với sự chỉ đạo chung và thông qua công tác giám sát để phát hiện các điểm nghẽn. Từ đó, sẽ đạt được hiệu quả rất lớn, đó là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Rút ngắn được khoảng cách giữa đô thị và nông thôn và quan trọng nhất là xây dựng được sự phát triển hài hòa mà ở đó người dân sẽ được thụ hưởng những chính sách ưu việt của chế độ.
“Nếu nhìn ở góc độ này thì không chỉ ở Việt Nam mà ở những quốc gia khác cũng có những chương trình và phần việc tương tự, họ gọi đó là "chương trình hạnh phúc", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói và nhấn mạnh: Nếu không có các chương trình về xây dựng nông thôn mới, về giảm nghèo bền vững thì làm sao chúng ta tiếp cận và hoàn thành được Mục tiêu thiên niên kỷ theo cam kết với Liên Hợp Quốc? Làm sao chúng ta có được những miền quê đáng sống và để rồi mọi người dân đi xa cũng muốn về? Làm sao chúng ta thấy được đời sống của nhân dân đang cải thiện?".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện thiết chế văn hóa ở các cấp
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Nếu tiếp cận ở góc độ văn hoá, chúng ta nhìn thấy tốc độ đô thị hóa nhanh ở nông thôn làm nhiều người cảm thấy hồn quê của người Việt bắt đầu bị đánh mất, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, hình ảnh của lũy tre xanh, của làng tôi đã không còn nữa, thay vào đó là bê tông hóa.
Theo phân công quản lý, chính quyền địa phương là cơ quan quyết định vấn đề quy hoạch, xây dựng và phải chịu trách nhiệm trước các vấn đề đó. Vừa qua, rất mừng khi trong quá trình này, chúng ta kịp thời nhận ra nên đã thay thế và điều tiết, và bây giờ các "đường hoa" đã xuất hiện bên cạnh đường bê tông cứng hoá, bắt đầu có những hàng trúc, hàng cau làm đẹp hơn quang cảnh nông thôn và dần dần lấy lại hình ảnh hồn quê của người Việt.
"Ở góc độ khác, chúng ta đang tiếp cận để xây dựng thiết chế văn hoá, có đại biểu băn khoăn nói rằng tại sao phải xây dựng thiết chế?", Bộ trưởng nói và cho biết, theo quy định hiện hành, chúng ta phải đảm bảo thiết chế cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, thôn.
Ở cấp tỉnh phải đảm bảo ba thiết chế văn hóa là trung tâm nghệ thuật, bảo tàng và thể thao nhưng rõ ràng đến giờ này, qua báo cáo của các tỉnh, thành phố thì mới chỉ 80% các tỉnh có được các thiết chế cơ bản này, cấp huyện chỉ được 70%, cấp xã chỉ được 60 – 70%, còn cấp thôn bản chỉ đạt 30 – 40 %. Do đó, cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện thiết chế văn hóa ở các cấp.
Về thiết chế văn hóa thôn bản, Bộ trưởng cho rằng đây là thiết chế văn hóa đa chức năng và ở đó có rất nhiều cách làm sáng tạo, đó là nơi hội họp, sinh hoạt chính trị, là nơi tổ chức giao lưu văn hoá, đó cũng có thể là phòng truyền thống của thôn bản. "Như Yên Bái đã khai thác rất tốt khi sử dụng nhà văn hóa thôn bản làm nơi tổ chức đám cưới theo nếp sống văn minh", Bộ trưởng nêu dẫn chứng.
Ủng hộ việc nên tiếp tục đầu tư cho nông thôn, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, vấn đề là chúng ta chọn địa điểm ở đâu, làm như thế nào, để đi vào hoạt động. Về việc này, Bộ đã có hướng dẫn cụ thể, còn vận hành như thế nào thì phải ở địa phương và đơn vị.
"Tại sao Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh thu hút khách tốt nhất nhưng Bảo tàng nơi khác lại không làm được điều này? Phải chăng là cách lựa chọn địa điểm, không gian trưng bày", Bộ trưởng đặt vấn đề.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Khi nhiệm vụ phát triển văn hóa trở thành nhiệm vụ thường trực của mỗi người dân, nền tảng văn hóa được hình thành một cách tự nguyện trong mỗi cộng đồng, từng cấp từng ngành, thì chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng đạo đức xuống cấp
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có Dự án 06 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Thực hiện dự án này, thời gian qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc.
“Chúng ta đã có Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với 22 đại diện cộng đồng các dân tộc đang sinh sống, thu hút được đông đảo sự quan tâm của du khách từ trong và ngoài nước. Ngoài ra các địa bàn khác, với tư cách là chủ thể, cộng đồng các dân tộc cũng đang có nhiều cách làm phù hợp, sáng tạo và hiệu quả với như Chương trình đã đề cập", Bộ trưởng nêu và cho biết thêm, trước hết phải dựa trên tiêu chí là ngôn ngữ, chữ viết. Về việc này Chính phủ đã có Nghị định 82 quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số, Bộ GD&ĐT, Bộ VHTTDL thời gian qua đã rất nỗ lực để thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao. Về trang phục, trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh các giải pháp đã thực hiện, Bộ VHTTDL cũng đã hướng đến việc hình thành các câu lạc bộ để bảo tồn các giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc thông qua loại hình này.
Liên quan đến vấn đề kiến trúc, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta đã tập trung bảo tồn về vấn đề nhà ở của đồng bào các dân tộc với mục tiêu phải làm sao để giữ được nhà sàn, nhà rông… chứ không phải bê tông hóa tất cả khi xây dựng các chương trình mục tiêu.
Cũng theo Bộ trưởng, ở cấp quốc gia, chúng ta cũng đang tập trung bảo tồn, duy trì các lễ hội, kỳ liên hoan dân ca, dân vũ thông qua việc tổ chức định kỳ tại nhiều địa phương. Các lễ hội, kỳ liên hoan chúng ta đã tổ chức thường xuyên, qua đó góp phần quảng bá, bảo tồn văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Sắp tới chúng ta sẽ tiếp tục tổ chức ở Lai Châu, Tây Nguyên.
Về vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp mà đại biểu đã đề cập, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng đại biểu đặt vấn đề đó là đúng. Nghị quyết của Đảng đã đề cập đến vấn đề này. Theo Bộ trưởng, đạo đức xã hội là hình thái ý thức xã hội, nó tập hợp các bộ quy tắc để giúp con người định hướng đến giá trị tốt đẹp nhất đó là trung thực, lòng nhân ái, công bằng tôn trọng lẫn nhau.
Chúng ta đã có cơ sở chính trị trong vấn đề này như: Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 76/KL/TW ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Chỉ thị số 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới..
Chức năng quản lý nhà nước trong vấn đề này cũng đã đầy đủ khi Quốc hội cũng đã ban hành nhiều bộ luật, Chính phủ ban hành các Nghị định, chiến lược về Văn hóa. Vì vậy, để phát huy tốt hơn nữa ý thức, văn hóa con người hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn đại biểu lan tỏa thông điệp để nhân dân sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, gắn bó giữa gia đình nhà trường và xã hội.
"Khi nhiệm vụ phát triển văn hóa trở thành nhiệm vụ thường trực của mỗi người dân, nền tảng văn hóa được hình thành một cách tự nguyện trong mỗi cộng đồng, từng cấp từng ngành, thì chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng đạo đức xuống cấp", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Cần quan tâm tới các thiết chế văn hoá khi triển khai, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Nội dung được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia là một chủ trương đúng đắn, quan trọng được cử tri, nhân dân hưởng ứng, tán đồng. Việc kiện toàn Ban chỉ đạo chung là cột mốc quan trọng trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất từ trung ương tới địa phương, đạt được nhiều kết quả thiết thực, có nhiều cách làm phù hợp với từng địa phương.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, nhiều địa phương vẫn chưa ban hành các tiêu chí phù hợp; giải ngân chậm, chưa thực sự bền vững và còn nặng tính thành tích. Bên cạnh đó cần quan tâm tới các thiết chế văn hóa vì hầu như các xã đều có trung tâm văn hóa cộng đồng những khai thác kém hiệu quả, thiếu trang thiết bị hoặc không biết cách sử dụng; khắc phục tình trạng tự mãn khi đã hoàn thành nông thôn mới không duy trì các tiêu chí, nâng cao đời sống người dân.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: Cần có những giải pháp tích cực, hiệu quả về phát triển văn hóa theo chiều sâu.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có hai tiêu chí vượt mục tiêu là tiêu chí số 14 về giáo dục đào tạo, và tiêu chí số 16 về văn hóa. Đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, mục tiêu văn hóa mới chỉ được quan tâm nhiều đến vỏ vật chất bên ngoài như xây dựng thiết chế văn hóa hoặc tính chất phong trào như số lượng các làng, khu dân cư văn hóa, chưa có sự chuyển biến rõ rệt về chất. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp tích cực, hiệu quả về phát triển văn hóa theo chiều sâu, trong khi chúng ta đã xây dựng được tương đối đầy đủ các thiết chế văn hóa cần thiết từ cấp Trung ương cho đến cấp cơ sở.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giải trình làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm
Giải trình làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cảm ơn Quốc hội đã lựa chọn giám sát tối cao chuyên đề này, Đoàn giám sát đã làm việc nỗ lực, trách nhiệm, thực chất, chỉ ra nhiều vấn đề quan trọng, cung cấp nhiều thông tin có giá trị. Bày tỏ đồng tình với báo cáo của Đoàn giám sát, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những ý kiến trách nhiệm, giàu tinh thần xây dựng của các đại biểu Quốc hội nhằm góp phần giúp các chương trình này “về đích” đúng hạn, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân cả nước.
Về tình hình chung, so với khi báo cáo ở Kỳ họp thứ 5, việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong cơ chế chính sách ứng xử với nguồn vốn đầu tư phát triển. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, hiện đã có thông báo dự kiến vốn sự nghiệp của giai đoạn để các địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng.
Về vấn đề phân cấp, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, tất cả các sửa đổi văn bản có liên quan đều tuân thủ nguyên tắc này, đem lại kết quả thiết thực. Chính các đồng chí ở địa phương mới biết làm như thế nào là tốt nhất. Giải pháp này đã giúp các địa phương có thể giải quyết các vấn đề thực tiễn, thuận tiện trong lồng ghép các chương trình ở cùng một cấp thẩm quyền. Tới đây, Chính phủ sẽ trình thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện để thí điểm trộn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về nguồn vốn, nếu nguồn vốn sự nghiệp dùng không hết thì có thể chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển. Đây là giải pháp tháo gỡ nút thắt lớn trong vấn đề này.
Về tỈ lệ vốn trung ương – địa phương, Phó Thủ tướng cho biết, mỗi chương trình có một tỷ lệ nhất định. Ghi nhận và chia sẻ những khó khăn của các địa phương trong giai đoạn hiện nay, Phó Thủ tướng nêu rõ, các nội dung này nằm trong kế hoạch trung hạn và đâu đó được áp dụng theo luật, nên chỉ trường hợp cá biệt thì mới vận dụng linh hoạt từ nguồn vốn dự phòng hoặc nguồn tiết kiệm chi để ứng xử với từng dự án đặc biệt.
Về việc chuyển vốn, khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã dựa trên nguyên tắc cố gắng phấn đấu để vốn năm 2022 giải ngân hết trong năm nay, tuy nhiên, điều đó được tiên liệu với điều kiện tại phiên họp lần này, chúng ta có thể giải quyết cơ chế đặc thù như nhiều đại biểu đề cập. Hiện chúng ta còn tháng 11, tháng 12 và tháng Giêng năm sau để giải ngân vốn của năm 2022. Phó Thủ tướng mong muốn Quốc hội coi đây là trường hợp đặt biệt để cho phép chuyển nguồn năm 2022 đến 31.12.2024 để tránh bị cắt vốn sự nghiệp, trong khi nguồn vốn cho các chương trình rất hạn hẹp, mục tiêu đặt ra rất lớn lao.
Về điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu, đối tượng, Phó Thủ tướng cho biết, hiện đang có nhiều vấn đề ở nội dung này, trong tháng 11, Chính phủ sẽ giải quyết cơ bản hơn một nửa số nội dung đã nêu. Các nội dung còn lại sẽ được giải quyết khi có cơ chế đặc thù phù hợp.
Phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, phiên thảo luận đã có 34 đại biểu phát biểu ý kiến, 8 ý kiến đại biểu tranh luận; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH; Bộ trưởng Bộ VHTTDL; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã phát biểu giải trình các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm…
Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 30.10
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, nhìn chung, nội dung thảo luận đảm bảo toàn diện, các ý kiến góp ý phong phú, sâu sắc, có giá trị cao về lý luận và thực tiễn, thể hiện sự quan tâm, tâm huyết và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội; không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, mang tính xây dựng; các ý kiến của các Bộ trưởng, trưởng ngành và Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã làm rõ thêm nhiều vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý được phân công.
Về các nội dung cụ thể, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao về việc Quốc hội quyết định giám sát ngay trong quá trình thực hiện nhằm nhận diện đúng kết quả, những khó khăn để tập trung tháo gỡ, tạo chuyển biến. Đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm, quyết tâm của Đoàn giám sát để khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao; sự phối hợp của Chính phủ, các cơ quan Chính phủ, sự tham gia tích cực, hiệu quả của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố, cơ quan Kiểm toán Nhà nước, các chuyên gia, các nhà khoa học và đại biểu Quốc hội… góp phần nâng cao chất lượng giám sát tối cao của Quốc hội…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, quá trình giám sát đã tác động tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành. Về Nghị quyết giám sát chuyên đề, Quốc hội yêu cầu hoàn chỉnh Nghị quyết giám sát. Cụ thể, đề nghị Chính phủ có các giải pháp để cân đối, bố trí đủ ngân sách Chương trình theo các Nghị quyết Quốc hội, đồng thời cân đối thêm như Nghị quyết Quốc hội ở các nhiệm kỳ; Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2023 cần tập trung thực hiện quyết liệt hơn những vấn đề thuộc thẩm quyền để tháo gỡ và thực hiện tốt hơn các cơ chế hỗ trợ sản xuất cộng đồng và sản xuất theo chuỗi, cơ chế về vốn đối ứng và cơ chế đặc thù đối với các địa bàn, lĩnh vực, đối tượng, nội dung đặc thù một cách phù hợp.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh tổ chức phong trào thi đua thực chất hơn, nhất là phong trào tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta. Đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát mô hình tổ chức của các Ban chỉ đạo, văn phòng, bộ phận giúp việc của các cơ quan từ Trung ương tới cơ sở, nhất là cán bộ ở cấp cơ sở, xã, phường ban hành các loại sổ tay hướng dẫn tổ chức tốt hoạt động truyền thông, xây dựng ý thức tự vươn lên thoát nghèo của nhân dân.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến, cập nhật đầy đủ số lượng giải trình và hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng, có đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn, bảo đảm tính khả thi khi tổ chức triển khai thực hiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
TÙNG QUANG; ảnh: TRẦN HUẤN