Bộ VHTTDL chủ động, bám sát thực tiễn trong công tác xây dựng pháp luật

VHO - Trình bày tham luận tại Hội nghị triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV vào chiều 6.9 tại Nhà Quốc hội, Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ cho biết, Bộ VHTTDL đã chủ động triển khai rà soát đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật, nhận diện những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, xây dựng Đề án tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình giai đoạn 2021 – 2026.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh, với quan điểm con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, tạo cơ sở để xây dựng hệ giá trị văn hóa gắn kết chặt chẽ, nhuần nhuyễn với xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam.

Bộ VHTTDL chủ động, bám sát thực tiễn trong công tác xây dựng pháp luật - Anh 1

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ trình bày tham luận

Và hướng tới mục tiêu “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, hệ thống pháp luật về văn hóa đã từng bước thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa và mục tiêu xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trong thời gian qua, Bộ VHTTDL cũng đã xây dựng trình cấp có thẩm quyền 5 dự án Luật gồm: Luật Thư viện, Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Quảng cáo (sửa đổi), Luật Nghệ thuật biểu diễn và 9 Nghị định của Chính phủ điều chỉnh các lĩnh vực chuyên môn.

Đồng thời với việc tham gia tổng kết các chủ trương, chính sách của Đảng về văn hóa để kịp thời thể chế hóa trong giai đoạn mới, Bộ VHTTLD tiếp tục sơ kết, tổng kết, rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất lộ trình phù hợp để xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật.

Trọng tâm đối với những vấn đề đang được điều chỉnh bởi văn bản dưới luật, những vấn đề thuộc quan điểm, chủ trương mới của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, những vấn đề bất cập với thực tiễn và những vấn đề khác chưa được thể chế hóa như: nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; văn hóa dân tộc; văn hóa quần chúng, tuyên truyền cổ động, tài trợ, hiến tặng, tự do sáng tạo văn học, nghệ thuật…

Thời gian qua, Bộ VHTTDL cũng đã và đang rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách về thuế, đất đai, cơ chế tài chính, cơ chế khuyến khích sáng tạo trong các luật chuyên ngành để tạo điều kiện huy động tối đa nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Tổng quan hệ thống pháp luật của ngành, Thứ trưởng Thuỷ cho biết, lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch hiện nay có 8 Luật, 47 Nghị định, 35 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và khoảng 250 Thông tư, Thông tư liên tịch điều chỉnh trực tiếp.

“Nhìn chung, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện chủ động, hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch đề ra, bám sát thực tiễn hoạt động của Ngành, bảo đảm chất lượng, góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật của Ngành, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ thông tin.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cũng cho hay công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật còn một số khó khăn, hạn chế, như một số lĩnh vực chuyên môn chưa có Luật hoặc pháp lệnh điều chỉnh (nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, xây dựng môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa, tuyên truyền cổ động chính trị, lĩnh vực văn học...).

Bộ VHTTDL chủ động, bám sát thực tiễn trong công tác xây dựng pháp luật - Anh 2

Bộ VHTTDL chủ động, bám sát thực tiễn trong công tác xây dựng pháp luật - Anh 3

Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội nghị 

Một số định hướng, chủ trương về hỗ trợ sáng tạo, công nghiệp văn hóa còn chậm được thể chế hóa; tính dự báo của một số quy định trong văn bản chưa cao, sớm bị sửa đổi, bổ sung trong quá trình thực thi và trước những thay đổi của thực tiễn sinh động. Việc kết nối giữa hệ thống pháp luật về văn hóa với các pháp luật liên quan còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ, chưa thực sự tạo chính sách, động lực cho phát triển văn hóa.

Những vấn đề trên, đặt ra nhiệm vụ quan trọng về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về văn hóa theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Tổng quan về tình hình thực hiện, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho hay, theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, đến hết kỳ họp thứ 4, Bộ VHTTDL được giao và đã hoàn thành việc chủ trì xây dựng 2 luật, phối hợp chủ trì xây dựng 1 luật đã được Quốc hội thông qua, gồm Luật Điện ảnh; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Về việc triển khai các Luật chuyên ngành ban hành năm 2022-2023, Thứ trưởng Thuỷ thông tin, đối với Luật Điện ảnh, sau khi Quốc hội thông qua, thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng văn bản quy định chi tiết, Bộ VHTTDL đã khẩn trương xây dựng trình Chính phủ ban hành 1 Nghị định, Bộ đã ban hành 3/4 thông tư, 1/4 Thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định, phân loại phim đến nay đang hoàn thiện, chuẩn bị ký ban hành.

Đối với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, sau khi Quốc hội thông qua, thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL đã khẩn trương xây dựng trình Chính phủ 1 Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Đến nay dự thảo đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ), còn 1 Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình hạn trình tháng 10.2024, Bộ VHTTDL đang triển khai nghiên cứu.

Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Phần quyền tác giả, quyền liên quan), sau khi Quốc hội thông qua, thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL hoàn thành việc xây dựng trình Chính phủ ban hành 1 Nghị định, 1 Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Bộ cũng đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, triển khai thi hành luật, tổ chức 7 Hội nghị tập huấn, mỗi hội nghị có từ 100 – 190 đại biểu đại diện cho các địa phương, các nhà cung cấp dịch vụ trung gian, đài phát thanh – truyền hình, tổ chức đại diện tập thể tuyền tác giả, quyền liên quan, các tổ chức nghề nghiệp, chuyên gia và các cá nhân có liên quan…

Bộ VHTTDL chủ động, bám sát thực tiễn trong công tác xây dựng pháp luật - Anh 4

Toàn cảnh Hội nghị

Về việc triển khai các Luật liên quan, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến kỳ họp thứ 4 Bộ VHTTDL được giao chủ trì xây dựng 5 văn bản quy định chi tiết, 2 luật đã được Quốc hội thông qua. Về nhiệm vụ các tháng cuối năm 2023, 2024, Bộ VHTTDL được giao chủ trì xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) thời hạn trình Chính phủ tháng 1.2024.

Về kiến nghị, đề xuất, Bộ VHTTDL đề xuất cần tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng quy định về công tác tổ chức thi hành pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh, gắn trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện.

Cân đối bố trí nguồn ngân sách theo hướng tăng dần cho hoạt động xây dựng pháp luật. Triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp trong văn bản quy phạm pháp luật, bố trí nguồn lực (cơ sở vật chất, tài chính, tổ chức bộ máy) bảo đảm thực hiện các chính sách, biện pháp được tổ chức thực hiện trong đời sống xã hội.

Trên cơ sở tổng kết các văn kiện của Đảng và sơ kết, tổng kết thi hành các luật chuyên ngành năm 2023, 2024 và thực tiễn phát sinh, Bộ VHTTDL tiếp tục phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội rà soát, nghiên cúu đề xuất xây dựng pháp luật về văn hóa năm 2025, 2026.

Thứ trưởng Thuỷ cũng cho biết, hiện Bộ VHTTDL đang xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là chương trình lớn có ý nghĩa chiến lược với ngành văn hóa góp phần triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, Bộ kiến nghị Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét thông qua.

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc