Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Đổi mới, sáng tạo, chủ động thay đổi tư duy
VHO - Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành VHTTDL, chiều 3.1 tại Hà Nội, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì phiên làm việc.
Đồng chủ trì có các Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thuỷ, Hoàng Đạo Cương. Tham dự Hội nghị có đại diện Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Điểm sáng trong công tác xây dựng, hoàn thiện văn bản pháp luật
Mở đầu phiên làm việc, Bộ trưởng yêu cầu đại diện các đơn vị không báo cáo nhiều về những thành tích đã đạt được mà phải đi thẳng vào vấn đề, nêu ra những điểm nghẽn để cùng nhau tìm cách tháo gỡ và đề ra giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện.
Trình bày về công tác xây dựng và ban hành văn bản pháp luật, ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, năm 2023, Bộ có 2 dự án luật. Dự án Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) đến thời điểm này đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định, dự kiến trong tháng 1.2024 sẽ trình Chính phủ. Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã hoàn thành việc lập đề nghị và Bộ Tư pháp đã tổng hợp, trình Chính phủ để đề nghị bổ sung dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cùng các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương chủ trì Hội nghị
Về các nghị định, năm 2023, Bộ được phân công xây dựng, trình Chính phủ 13 nghị định. Trong đó đã ban hành được 5 nghị định, hiện đang thực hiện 8 nghị định. Trong số này, đã trình Chính phủ 4 nghị định.
Về thông tư, Bộ đã ban hành 15 thông tư, có 4 thông tư trong chương trình xây dựng và 11 thông tư nằm ngoài chương trình xây dựng; còn 2 thông tư chưa được ban hành năm 2023 sẽ chuyển tiếp sang chương trình năm 2024.
Đại diện các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL dự phiên làm việc buổi chiều
Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn thông tin, một trong những nội dung Cục đang đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng là hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học. Dù là một trong những nhiệm vụ khó nhưng Cục vẫn đang quyết tâm triển khai thực hiện nhằm thể hiện rõ vai trò của Bộ VHTTDL trong tăng cường vai trò của cơ quan quản lý; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, tăng cường đầu tư, cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động văn học…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu trong năm 2024, toàn ngành phải đổi mới tư duy, thể hiện tinh thần quyết liệt hành động
Trong lĩnh vực bản quyền và phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả thẳng thắn cho rằng, xâm phạm bản quyền đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Ngoài cố gắng xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng mức xử phạt khi có vi phạm, Cục mong muốn trong thời gian tới sẽ sớm ký kết được văn bản hợp tác với Bộ TT&TT nhằm tăng cường sự phối hợp trong bảo vệ bản quyền trên môi trường số. Đây là một trong những nội dung cần sớm triển khai để tạo đà cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hoá; nhất là với 5 ngành Bộ VHTTDL được giao quản lý trực tiếp.
Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn
Tại buổi làm việc, các Thứ trưởng đã phát biểu chỉ đạo theo từng nhóm vấn đề. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, một trong những vấn đề rất được quan tâm thời gian qua là thể thao thành tích cao. Tháng 5 vừa qua, Việt Nam một lần nữa đứng đầu trong bảng tổng sắp huy chương tại kỳ SEA Games 32 trên đất Campuchia. Như vậy, đây là kỳ SEA Games thứ 2 liên tiếp chúng ta giành ngôi nhất toàn đoàn. Nhưng đến Asian Games 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc), chúng ta chỉ đoạt được 3 tấm HCV. Kết quả này được đánh giá là đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của lãnh đạo Bộ và ngành thể thao đã đề ra.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị tập trung nâng cao thành tích của VĐV tại các đấu trường
Do đó, Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, Cục Thể dục thể thao cần có đánh giá cụ thể, chi tiết công tác huấn luyện; nhất là ở những môn chúng ta có thế mạnh. Các trung tâm huấn luyện thể thao phải cùng hướng đến mục đích vì sự phát triển chung của ngành thể thao Việt Nam. Cục Thể dục thể thao cùng các đơn vị liên quan cần chủ động tham mưu, đề xuất những giải pháp nâng cao thành tích của VĐV tại đấu trường khu vực và quốc tế; nhất là trong bối cảnh Olympic Paris 2024 đang tới gần; phải cụ thể hoá những mong mỏi của lãnh đạo Bộ và toàn ngành thành những tấm huy chương sáng giá.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh vào công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành
Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho hay hiện nay, 12 nhà hát thuộc Bộ VHTTDL dù rất nỗ lực nhưng trong quá trình vận hành vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định. Hiện tại, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ là những nhà hát đã chủ động đổi mới nhằm tăng doanh thu, tạo thêm nguồn lực phát triển nhà hát. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số nhà hát gặp khó trong công tác tiếp cận khán giả.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu công tác truyền thông chính sách cần được đẩy mạnh
Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo nhân lực cho ngành, nhất là những lĩnh vực đặc thù cũng đang có bất cập. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo là một trong những nguyên nhân khiến các trường gặp khó trong đào tạo sinh viên, học viên. Thứ trưởng đề nghị các cơ sở đào tạo chủ động khắc phục khó khăn, tham mưu cho lãnh đạo Bộ giải pháp về cơ chế, chính sách để cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực; đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của xã hội. Cùng với đó, cần sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành nghề chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật để trình, sớm đưa Nghị định đi vào đời sống.
Vụ trưởng các Vụ: Tổ chức, Kế hoạch - Tài chính trình bày báo cáo
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ đề cập đến hai vấn đề cơ bản là việc hoàn thiện thể chế và công tác truyền thông chính sách. Về hoàn thiện thể chế, Thứ trưởng nhấn mạnh trước những tồn tại, cần phải rà soát hệ thống văn bản pháp luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, khắc phục những khoảng trống. Đối với các văn bản pháp luật không còn phù hợp với thực tế, phải thay thế.
Vụ trưởng các Vụ: Pháp chế, Thanh tra trình bày báo cáo
“Về công tác truyền thông chính sách, Bộ trưởng đã chỉ đạo rất quyết liệt, sát sao. Chúng ta đã chủ động truyền thông chính sách từ sớm, từ xa, có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các đơn vị. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội và các cơ quan hữu quan. Vấn đề này cần tiếp tục được phát huy trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho hay.
“Thể chế, sáng tạo, liên kết, tăng tốc, về đích”
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh trong năm 2023, nhờ chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, toàn ngành đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xóa bỏ tư duy văn hóa chỉ là cờ, đèn, kèn, trống. Hàng loạt hoạt động, sự kiện quan trọng như chuỗi sự kiện kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, các hoạt động kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành… được tổ chức thành công. Đặc biệt, một trong những điểm nhấn phải kể đến là việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Lãnh đạo các Cục, Vụ trình bày ý kiến
Tuy nhiên với tinh thần không ngủ quên trên chiến thắng, Bộ trưởng yêu cầu trong năm 2024, toàn ngành cần đổi mới về tư duy để triển khai nhiều nhiệm vụ đòi hỏi yêu cầu cao hơn. Dẫn lại lời Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long: “Chúng ta đã đạt được thành công và thành công lớn. Song chúng ta không thể đứng yên một chỗ do thế giới đã thay đổi, dân chúng đã thay đổi; phải loại bỏ đi những gì không thích hợp; sáng tạo ra cái mới và phát huy sức mạnh của một dân tộc, của mọi người; phải có những sách lược mới để phát triển mạnh mẽ”, Bộ trưởng mong muốn trong năm 2024, toàn ngành sẽ đổi mới về tư duy, thể hiện ước mơ, khát vọng đưa ngành phát triển.
Các ý kiến tại Hội nghị
“Dù khó khăn đến đâu, gặp trở ngại nào, với những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt giao phó, toàn ngành phải quyết tâm thực hiện bằng được. Khó khăn gấp đôi thì quyết tâm phải gấp ba. Chúng ta phải điều chỉnh tư duy, hành động, huy động trí lực, sức mạnh tập thể để thực hiện các nhiệm vụ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhắc đến các từ khóa “thể chế, sáng tạo, liên kết, tăng tốc, về đích”, Bộ trưởng nêu rõ đây sẽ là những nhiệm vụ toàn ngành phải thực hiện trong năm 2024. Đặc biệt với 8 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao cho ngành trong phiên làm việc buổi sáng, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, toàn ngành phải nêu cao tinh thần quyết liệt hành động, kỷ cương, đề ra những giải pháp để triển khai; chọn việc, chọn điểm, thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ; biết cách tạo nguồn nhân lực, vật lực trong triển khai thực hiện.
Các ý kiến tại Hội nghị
Nêu một số nhiệm vụ cụ thể, Bộ trưởng đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật. Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu phải tập trung rà soát những thông tư, văn bản đã lạc hậu và sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung. Nhiệm vụ này cần được thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, thể hiện rõ nét sự thay đổi căn bản, toàn diện tư duy quản lý nhà nước về văn hóa.
Về vấn đề ngân sách, Bộ trưởng khẳng định phải siết chặt quản lý ngân sách, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Hội nghị đã thống nhất nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Đối với hợp tác quốc tế, Bộ trưởng đề nghị việc triển khai nhiệm vụ không đơn thuần là các hoạt động lễ tân, ngoại giao. Trong năm 2024, vấn đề quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài cần được chú trọng; đảm bảo vấn đề chất lượng của các hoạt động quảng bá, ngoại giao văn hóa. Cục Hợp tác quốc tế, các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ phải chủ động nghiên cứu các hoạt động đặc sắc, mang tính điểm nhấn để tạo hiệu ứng lan tỏa khi tham gia quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Về đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng yêu cầu các cơ sở đào tạo thuộc Bộ phải nghiên cứu chương trình đào tạo theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng. Ngoài ra, Bộ phải tập trung triển khai Nghị định 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Trong công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng nêu đây là công việc phải được tăng cường, làm sớm, chủ động, từ xa.
ĐÌNH TOÁN – HOÀNG HƯƠNG; ảnh: TRẦN HUẤN