Bàn về thói háo danh
VHO- Cứ như đến hẹn lại lên, mỗi lần Nhà nước phong học hàm giáo sư, phó giáo sư... chúng ta lại chứng kiến những cuộc tranh cãi, kiện tụng, bàn tán, gây ảnh hưởng tiêu cực đến danh hiệu được xem là cao đẹp, tôn vinh những người làm việc trong lĩnh vực đặc thù này. Tuy nhiên, đây cũng là dịp khiến chúng ta suy nghĩ nhiều hơn đến chữ DANH và cả HÁO DANH trong xã hội hiện nay.
Người Việt có nhiều đức tính tốt đẹp. Nhờ đó, dân tộc Việt Nam mới có thể gìn giữ, xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là chúng ta không được “đụng chạm” đến những tính xấu đã ăn vào “thâm căn cố đế” của người Việt. Không chỉ riêng ta, các nước trên giới, gần gũi nhất thể kể đến các nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, những thói quen, tính cách chưa đẹp của họ được đề cập đến thường xuyên như một hình thức phản tỉnh, từ đó giúp đất nước họ đi lên theo đúng quy luật hướng thiện.
Hiện thực Việt Nam cho thấy thói háo danh qua biểu hiện “sính” bằng cấp đang rất phổ biến. Bằng cấp là quan trọng, tuy nhiên, việc “cố sống cố chết khoác lên mình một chiếc áo quá rộng” sẽ có tác dụng tiêu cực đối với sự phát triển nhân xã hội. Vì mục đích trang bị bằng cấp, người ta làm tất cả để đạt được danh hiệu này và khi đã có thì người ta sẽ cố gắng khoe ra cho bằng được. Điều này càng nguy hại hơn khi xã hội cũng coi bằng cấp là một thước đo “giá trị” của một cá nhân cụ thể. Một số cơ quan và địa phương, dù công việc không mấy liên quan đến bằng cấp, nhưng lại lấy đó làm điều kiện xét tuyển, bổ nhiệm. Điều này đi ngược với xu hướng chung của các nước trên thế giới và khiến tình trạng háo danh ở ta ngày càng trầm trọng hơn.
Hệ lụy của thói háo danh là vô cùng nguy hiểm. Khi danh hiệu không tương xứng với thực tế sẽ để lại hậu quả khôn lường. Nếu đặt những người không đúng trình độ vào vị trí không thuộc về họ, sẽ không thực hiện được nhiệm vụ, chức trách và làm ảnh hưởng xấu đến công việc chung, nói rộng ra là toàn xã hội. Mặt khác, họ làm cho những người có năng lực cảm thấy chán nản, tiêu cực, mất ý chí phấn đấu. Từ hệ lụy này sẽ dẫn dắt đến nhiều hệ lụy khác.
Để khắc phục thói háo danh, việc đầu tiên chúng ta cần làm là phát huy những đức tính tốt đẹp của người Việt, tạo môi trường tích cực để phát triển văn hóa, con người, nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong việc lên án những thói hư tật xấu nói chung, thói háo danh nói riêng, đánh giá cao nỗ lực thành công của mỗi cá nhân bằng năng lực, trí tuệ thực sự của họ. Thêm vào đó, cũng cần thể chế hóa, quy định cụ thể những gì được làm và không được làm đối với từng hoàn cảnh và đối tượng cụ thể. Đối với thói háo danh, những quy định về bằng cấp cần rõ ràng hơn và nên đánh giá năng lực cá nhân trên thành tích thực tế chứ đừng chỉ dựa vào bằng cấp. Một số ví dụ có gợi ý như không để học hàm, học vị ở những văn bản hay trong các cuộc họp không liên quan đến khoa học...
Bản chất xã hội ta về cơ bản là tốt và hướng thiện. Điều này không nghĩa chúng ta không có những điểm xấu, thói quen chưa phù hợp. Ý thức được cả hai mặt đó sẽ giúp chúng ta có cách nhìn đúng hơn bản thân cộng đồng, từ đó sẽ có những suy nghĩ và hành động tốt hơn. Thói quen thì khóthay đổi nhưng không phải là không thay đổi được. Nếu chúng ta bắt đầu ngay hôm nay, những tín hiệu tốt đẹp cho đất nước sẽ đến trong một tương lai rất gần!
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN