5 nhóm giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong Chiến lược ngoại giao văn hóa

VHO - Theo Bộ Ngoại giao, trong 5 năm qua (2018-2023), Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ VHTTDL, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các Bộ, ngành, địa phương triển khai năm nhóm biện pháp góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa, nâng cao sức mạnh mềm quốc gia.

5 nhóm giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong Chiến lược ngoại giao văn hóa - Anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng dự khai trương Triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước, con người Việt Nam và chương trình nghệ thuật “Việt Nam - Những sắc màu” do Bộ VHTTDL chủ trì thực hiện trong khuôn khổ “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Brazil” nhân chuyến thăm Brazil của Thủ tướng Chính phủ (tháng 9.2023) Ảnh: Dương Giang

Cụ thể: 
Thứ nhất, Bộ Ngoại giao đã chủ trì  tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược  ngoại giao văn hóa giai đoạn 2011-2020  và xây dựng Chiến lược ngoại giao văn hoá đến năm 2030. Chiến lược này đã  được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và  ban hành năm 2021. 
Thứ hai, vận động thành công 21  danh hiệu được UNESCO vinh danh,  trong đó có: Một danh hiệu Di sản văn  hóa và thiên nhiên thế giới; ba danh hiệu  Di sản văn hóa phi vật thể; ba danh hiệu  Di sản tư liệu; hai danh hiệu Khu dự trữ  sinh quyển thế giới; hai danh hiệu Công  viên địa chất toàn cầu; ba danh hiệu Thành phố sáng tạo; ba danh hiệu Thành  phố học tập toàn cầu; bốn danh hiệu về  Nghị quyết vinh danh danh nhân. Điều  này góp phần nâng cao thương hiệu địa  phương và quốc gia. Việt Nam đang đứng  vị trí 32/193 nước trên thế giới về sức  mạnh mềm.  
Thứ ba, tổ chức thành công 11  Chương trình Ngày Việt Nam ở nước  ngoài, Chương trình Mỹ thuật và ngoại  giao văn hóa tại nhiều nước lớn như Ấn  Độ, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc,  Nhật Bản, Nga, Pháp…, qua đó đã giới  thiệu và trình diễn các sản phẩm văn  hóa của Việt Nam tới công chúng quốc  tế. Các hoạt động ngoại giao văn hóa  đa dạng được triển khai có trọng tâm,  trọng điểm nhân chuyến thăm của lãnh  đạo Đảng, Nhà nước tới các nước đối tác chiến lược, các đợt vận động ứng cử vào  các tổ chức quốc tế quan trọng, đã giúp mở ra không gian cho các Bộ, ngành, địa  phương, doanh nghiệp quảng bá, gặp  gỡ và kết nối với các đối tác tiềm năng.  Trong chuyến thăm Mỹ tháng 9.2023  của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã  triển khai một chuỗi các sự kiện sôi nổi  tại cả ba địa phương từ San Franciso (bờ  Tây) đến thủ đô Washington D.C và New  York (bờ Đông), thu hút sự quan tâm lớn  của công chúng Mỹ, bạn bè quốc tế và  cộng đồng người Việt tại Mỹ. 
Thứ tư, triển khai tích cực, hiệu quả  Đề án tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở  nước ngoài tại nhiều nước trên thế giới.  Các hoạt động này đã không chỉ tôn vinh  hình ảnh con người Việt Nam vĩ đại, tiêu  biểu nhất và các giá trị cao đẹp của dân  tộc Việt Nam, mà còn góp phần quảng  bá, tạo sức lan tỏa hỗ trợ các ngành công  nghiệp văn hóa của Việt Nam như mỹ  thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, điện ảnh,  xuất bản, nghệ thuật biểu diễn, hội họa,  điêu khắc… 
Thứ năm, chủ trì, phối hợp với Bộ  VHTTDL và các Bộ, ngành, địa phương  soạn thảo, đóng góp ý kiến đối với các  điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có nội dung liên quan tới các lĩnh vực văn  hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, khoa học  giữa Việt Nam với tổ chức UNESCO và các  nước trên thế giới; tích cực tham gia, đóng  góp, thực thi cam kết trong các cơ chế hợp  tác đa phương (WTO, APEC, Tổ chức Sở  hữu Trí tuệ Thế giới - WIPO…), góp phần  thúc đẩy mục tiêu phát triển, trong đó có  ngành công nghiệp văn hóa. 

TÙNG QUANG

Ý kiến bạn đọc