Làm thế nào để đưa trà Việt vươn tầm thế giới? Bài 2: Thiếu thương hiệu, trà Việt khó vươn tầm thế giới

VHO - Việt Nam là vùng trồng trà và sản lượng xuất khẩu đứng thứ 5 trên thế giới, nhưng lại chưa định hình được phong cách trà Việt, nên chưa thể xây dựng danh tiếng trên thế giới. Nhưng câu chuyện về trà của Việt Nam chưa được kể trọn vẹn, vẫn còn đó những trăn trở về thương hiệu, chất lượng, chuỗi giá trị, …

Làm thế nào để đưa trà Việt vươn tầm thế giới? Bài 2: Thiếu thương hiệu, trà Việt khó vươn tầm thế giới - Anh 1

Trà cổ thụ Shan Tuyết

Nỗi niềm doanh nghiệp

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thu Trang, chủ thương hiệu trà Hacoocha trăn trở, trà không chỉ là loại cây công nghiệp lâu đời và được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Ở xã hội hiện đại, ngành trà là thành tố góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, nguồn thu nhập và cải thiện sinh kế của cộng đồng tham gia sản xuất và kinh doanh trà, ...

Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có một thương hiệu nào có tên trên bản đồ trà thế giới. Đó là lý do tại sao bà Trang quyết định làm trà. Thực tế cho thấy, Việt Nam chưa chú trọng xây dựng thương hiệu quốc gia về trà. Nên dù là vùng trồng và xuất khẩu đứng thứ 5 thế giới, nhưng giá trị suất khẩu thấp (so với coffee). Thậm chí, tại thị trường châu Âu, Việt Nam đang bị xem là vườn nguyên liệu cho trà Trung Quốc.

“Do vậy, theo tôi Việt Nam nên có chính sách định hướng để du khách đến Việt Nam là phải thưởng trà, như đến Việt Nam là phải đi xem làng giấy dó, ... Nó sẽ tạo ra dấu ấn quốc gia, điều kiện để du khách nước ngoài đi rồi sẽ muốn quay trở lại và đây là hướng đi bền vững”, bà Trang nói.

Quyết tâm là vậy, nhưng khi bắt đầu vào phát triển thương hiệu trà, bà Trang gặp không ít khó khăn mà chỉ người trong cuộc mới hiểu. Nhìn đăm chiêu vào những gói trà – thành quả của mình sau bao năm gây dựng, bà Trang nhớ lại: “Do trà mình chưa có thương hiệu trên bản đồ thế giới, nên khi muốn đưa Hacoocha xuất ngoại, tôi đã mất 3 năm kéo những vali trà đi đến các showroom trên thế giới để giới thiệu sản phẩm trà của Việt Nam. Có những thời điểm phải ngồi thẩm trà cùng đối tác liên tục ba ngày mới đưa được trà Việt vào các showroom này”.

Cũng theo bà Trang, hạn chế của trà Việt là chúng ta chưa có quy hoạch quốc gia về trà, và trà chưa phải là niềm tự hào của đất nước. Cộng đồng cũng chưa coi trọng giá trị của trà, cả giá trị tinh thần lẫn giá trị về sức khỏe hay dinh dưỡng. Và đặc biệt, chúng ta chưa có chuyên môn hóa về ngành trà, chưa chia rõ vai trò, phân công, chuyên nghiệp hoá từng công đoạn trong ngành trà. "Người Việt có câu “muốn đi xa thì đi cùng nhau”, do vậy, muốn phát triển ngành trà vươn tâm thế giới, rất cần sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp ngành trà. Khi tôi đến Hy Lạp, các nhà hàng sẽ mời dùng một loại rượu, tuy chưa hẳn ngon, nhưng là sản phẩm đặc trưng của quốc gia họ. Doanh nghiệp trà Việt Nam liệu có đồng tâm để làm được như vậy không?", bà Trang nói.

Làm thế nào để đưa trà Việt vươn tầm thế giới? Bài 2: Thiếu thương hiệu, trà Việt khó vươn tầm thế giới - Anh 2

Vợ chồng ông Phạm Thanh Hưng và bà Nguyễn Thu Trang là chủ sở hữu thương hiệu trà Hacoocha

Nói về chiến lược của mình, bà Trang không ngần ngại: “Chiến lược của tôi là tham gia thị trường châu Âu trước để định vị cho thương hiệu trà Việt Nam, sau đó kéo dần các sản phẩm trà của Việt ra thị trường thế giới. Cái mà Hacoocha cố gắng nỗ lực muốn hướng tới có một thương hiệu trà của Việt Nam trên bản đồ trà thế giới”.

  Câu chuyện thương hiệu và xây dựng văn hóa trà Việt

Là người đồng hành cùng bà Trang trong xây dựng thương hiệu trà Hacoocha, ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng) chia sẻ, hiện tại nhắc đến trà Shan tuyết, thế giới thường nhắc đến các thương hiệu trà Trung Quốc. Nhưng thực tế Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều cây trà Shan tuyết cổ thụ và có số lượng gốc trà Shan tuyết cổ còn khai thác nhiều nhất thế giới. Do vậy, việc đầu tiên chúng ta phải định vị được thương hiệu quốc gia về trà. Bởi, theo ông Hưng, do thiếu thương hiệu khiến ít người biết Việt Nam có trà.

Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT vừa có chương trình về các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, trong đó đưa sâm Ngọc Linh và trà Shan tuyết vào danh mục mũi nhọn về nông nghiệp giá trị cao. Đây là một bước đi sẽ hỗ trợ tốt cho ngành trà Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cần có sự quy hoạch vùng nguyên liệu và giao vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp đủ tiềm lực và tâm huyết quản lý, khai thác thông qua các hình thức như đấu giá, giao đất giao rừng, … Yên Bái đã tiên phong trong việc tạo cơ chế giao đất có cây chè Shan tuyết, nhưng đó chỉ là các chè đồi gần khu dân cư. Còn như vùng Tây Côn Lĩnh hay Hoàng Su Phì nằm trong vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn nên cần có một cơ chế cụ thể hơn. Do vậy, việc thu hoạch trà hiện nay hầu hết phụ thuộc vào người dân tộc thiểu số. Số lượng cây trà cũng không được chăm sóc bảo quản, bảo tồn, mà để sinh trưởng tự nhiên. Thậm chí, có trường hợp người dân chặt luôn cây trà cổ để hái lá.

Và trong câu chuyện xây dựng thương hiệu quốc gia về trà, không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp như về kỹ thuật chế biến, quảng bá thương hiệu xuất khẩu. Bên cạnh đó, Nhà nước phải có các biện pháp quảng bá được thương hiệu trà quốc gia. Việt Nam hiện có các dòng trà quý như trà ô long ở Lâm Đồng, Lai Châu, Điện Biên. Đặc biệt, là dòng trà Đông Phương Mỹ Nhân ở Cao Bằng nhưng ít người biết. Ở góc độ khác, khi xuất khẩu trà thô, các thương hiệu trà lớn chế tạo thành phẩm phải ghi rõ trích dẫn nguồn nguyên liệu từ Việt Nam.

Và hơn hết, chúng ta phải biết kể những câu chuyện về trà, đưa trà thành một nét văn hóa của người Việt. Chẳng hạn, định định hình một phong cách trà Việt, từ cách chế biến, thưởng thức, không gian trà, văn hóa trà, … của riêng Việt Nam.

Về vấn đề này, ông Hưng cho rằng: “Phải nâng tầm thưởng thức trà của Việt Nam lên thành trà đạo, hay thiền trà, để người nước ngoài nhìn thấy thì họ biết rằng đây là trà Việt Nam, văn hóa Việt Nam”. Điều quan trọng nữa là Trà Việt Nam khi ra thị trường Thế giới phải có nhãn mác và có thương hiệu, và nó phải là niềm tự hào sản phẩm thương hiệu quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam nên tìm ra thần trà của riêng mình, như Trung Quốc họ có thần trà Lục Vũ chẳng hạn, thì VN thì thần trà là ai?

Tiếp câu chuyện về trà với chúng tôi, ông Hoàng Vĩnh Long, Tổng Thư kí Hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ, không chỉ giới hạn trong biên giới mỗi quốc gia, trà được yêu thích và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Điều này đã góp phần đưa thức uống này trở thành một phương tiện quan trọng giúp gắn kết các quốc gia, cũng như tạo cơ hội cho các nền văn hóa trên toàn thế giới giao lưu và học hỏi lẫn nhau. Bởi vậy, trà được xem là tài sản chung của tất cả các nền văn minh nhân loại.

Việt Nam là quốc gia có lợi thế lớn trong việc sản xuất chè. Việt Nam đứng thứ năm trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ bảy về sản xuất chè toàn cầu, hàng năm cung cấp một triệu tấn búp chè xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ... Những năm gần đây ngành chè Việt Nam không chỉ sản xuất trong nước mà còn vươn ra thế giới, đem lại một giá trị kinh tế khá lớn cho xã hội, tạo được cơ hội việc làm cùng thu nhập để cải thiện cuộc sống người dân.

Vấn đề hiện nay mà mọi người đều quan tâm là hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, có chứng nhận tốt nhằm đảm bảo chất lượng để xuất sang những thị trường khó tính, cùng với đó là giá trị sản phẩm tốt hơn. Bên cạnh đó, trong tương lai chúng ta sẽ từng bước xây dựng được thương hiệu chè Việt để bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn, yên tâm để sử dụng chè Việt. Thay vì xuất khẩu chè thô thì chúng ta hướng đến xây dựng thương hiệu chất lượng cho chè. Việc này không thể làm trong ngày một ngày hai mà chúng ta đã đang và sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu đó”, ông Long chia sẻ.

(còn nữa)

Ý LINH

Ý kiến bạn đọc