Bàn giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi biển Việt Nam
VHO - Sáng 25.11, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị
Hội nghị được tổ chức với mong muốn là cầu nối để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các bên liên quan cùng nhau đánh giá, nhìn nhận thực trạng tổng quan của nuôi biển hiện nay, từ con giống, thức ăn, vật tư, kỹ thuật nuôi, công nghệ đến chế biến, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hợp tác quốc tế…; từ đó đưa ra các giải pháp phát triển nuôi biển công nghiệp, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp xác định cơ hội đầu tư nuôi biển công nghiệp và chế biến thủy sản trong thời gian tới.
Các đại biểu tham gia Hội nghị đã nghe một số báo cáo đề dẫn và các tham luận về Định hướng phát triển giống, thức ăn thủy sản phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển; Cập nhật quy định, yêu cầu của các thị trường nhập khẩu đối với sản phẩm nuôi biển - đặc biệt là thị trường Trung Quốc; Công tác phòng, chống dịch bệnh và kiểm dịch thủy sản nuôi biển; Các quy định mặt nước nuôi biển và hướng phối hợp tháo gỡ các khó khan; Định hướng tiêu thụ và xuất khẩu thủy sản…
Việt Nam có trên 1 triệu km2 vùng biển đặc quyền kinh tế, trong khi đó nuôi biển chỉ chiếm khoảng hơn 20% diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Năm 2022, diện tích nuôi biển của nước ta đạt hơn 256.000ha, sản lượng đạt gần 750.000 tấn; năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi); công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…
Quang cảnh Hội nghị
Mặc dù vậy, phát triển ngành nuôi biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp như: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt, hoạt động nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, khó phát triển đồng bộ. Công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khỏe và môi trường vùng nuôi, phòng trị bệnh trên đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ (hệ thống lồng nuôi; thiết bị quan trắc và giám sát môi trường, dịch bệnh; công nghệ thu hoạch và vận chuyển; công nghệ chế biến và phát triển thị trường…) chưa phát triển đồng bộ. Nguồn lực (tài chính và nhân lực) còn hạn chế. Nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển còn yếu…
Trước bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Chính phủ và Bộ NN&PTNT đặt ra.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ, mặc dù có nhiều khó khăn trong 2 năm vừa qua, nhưng có thể nói ngành thủy sản vẫn đứng vững. Hết tháng 10.2023, sản lượng đã đạt 7,4 triệu tấn, tăng trưởng trên 3%, trong khi đó năm 2022 lĩnh vực thủy sản đã tăng trưởng 4,88%, trở thành một trụ cột quan trọng trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp (với tỷ trọng gần 30%).
Nuôi tôm hùm đang gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nuôi biển là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng với diện tích mặt biển trên 1 triệu km2, do đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22.10.2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030. “Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 1664 đặt mục tiêu sản lượng thủy sản đến năm 2025 đạt 800.000 tấn; nhưng hết năm 2022, chúng ta đã đạt được 740.000 tấn và sẽ sớm về đích mục tiêu 800.000 tấn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Hiện nay nuôi biển đã hình thành được một số vùng nuôi công nghiệp, giống cũng phong phú và đó là những tiềm năng cần được khai thác trong bối cảnh mới, cụ thể làm giảm khai thác, tăng nuôi trồng theo chuỗi khép kín.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nêu ra một số vấn đề của nuôi biển hiện nay, như về giống còn chưa chủ động, giống giả, kém, không rõ nguồn gốc, nhập lậu còn nhiều. Về thức ăn, vẫn dùng cua, cá là chính gây ô nhiễm môi trường... Bên cạnh đó, quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có quy hoạch tổng thể, điều này tạo ra khó khăn cho giao mặt nước biển. Chưa kể, thu hoạch, chế biến cũng chưa tạo ra giá trị giá tăng lớn.
Một vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm - đó là vấn đề xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc, sau khi Chính phủ nước này có những quy định mới về nhập khẩu tôm hùm. Về vấn đề này, Thứ trưởng đề cập đến các yêu cầu các đơn vị liên quan cần tập trung nghiên cứu và tháo gỡ. Theo đó, yêu cầu chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững... Mục tiêu đưa nghề cá trở nên bền bỉ trong phấn đấu, hiện đại trong sản xuất, nâng tầm trong hội nhập và tăng tốc trong xuất khẩu.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản cho biết, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm hùm 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đạt gần 130 triệu USD, gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng cao nên tôm hùm liên tục tăng giá, có thời điểm tăng gấp đôi, lên mức 1,7 triệu đồng/kg đối với tôm hùm bông và 1,3 triệu đồng/kg đối với tôm hùm xanh. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở các quốc gia tăng, đặc biệt là tại thị trường nhập khẩu tôm hùm lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau thời gian dài đóng cửa để phòng chống Covid-19.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để nghề nuôi biển phát triển bền vững
Trong các thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam, Trung Quốc chiếm tới 98-99%. Vậy nên, vấn đề đặt ra là hiện Trung Quốc quy định tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm 2. Tháng 5.2023, Trung Quốc sửa Luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt động vật trong danh sách nguy cấp đã ban hành. Đối với tôm hùm bông tự nhiên, cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán. Tổng cục Hải Quan Trung Quốc chỉ đạo hệ thống Hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu. Điều này gây khó khăn cho đầu ra tôm hùm nuôi của Việt Nam.
Hiện tôm hùm giống đang phụ thuộc nhiều vào nguồn tôm nhập khẩu từ Indonesia, Philippines, Myanmar, Srilanka, Singapore. Năm 2022, số lượng con giống nhập về là 81 triệu con; 6 tháng đầu năm 2023, con số này là 59 triệu. Tuy nhiên, ngành tôm hùm gặp một số khó khăn như một số nước cấm xuất khẩu nên nguồn cung thiếu ổn định; tháng 7.2023, ngành chức năng phát hiện 5 lô tôm giống nhập khẩu từ Malaysia nhiễm bệnh đốm trắng gây ra do virus - WSSV.
Một số ý kiến cho rằng, hiện thức ăn cho tôm hùm hoàn toàn là đồ tươi sống, gồm các loài cá tạp, nhuyễn thể, cua ghẹ… điều này gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và không ổn định, khó kiểm soát nguồn cung cấp. Trong khi đó, thức ăn công nghiệp chỉ phục vụ nuôi tôm trong bể; chưa phù hợp nuôi lồng biển. Dù thức ăn công nghiệp giúp kiểm soát được dịch bệnh, môi trường song mới chỉ có thể triển khai được ở quy mô nhỏ… Vì vậy để đảm bảo cho việc nuôi và xuất khẩu tôm hùm, về lâu dài chúng ta cần có giải pháp cho nuôi biển, nuôi tôm hùm một cách bền vững, quản lý chặt chẽ về chất lượng, truy xét nguồn gốc cũng như đảm bảo về nguồn thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi biển…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, để ngành nuôi biển phát triển bền vững, chúng ta cần phải hướng tới công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại; Phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới; Tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí chế tạo, du lịch, tự động hóa với nuôi trồng và chế biến hải sản; Các hệ thống nuôi phải có công nghệ hòa hợp với môi trường, không gây hại cho hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững; Sử dụng hợp tác quốc tế như phương thức chính thu hút công nghệ tiên tiến, nguồn vốn và thị trường; Đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân chuyên nghiệp, được đào tạo, trang bị tốt và quản lý tốt… “Phải đảm bảo công nghệ, có giải pháp chế biến sản phẩm, định hướng về cơ chế, chính sách để thức đẩy doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào nuôi trồng, chế biến thủy hải sản theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu của Luật Thuỷ sản và phù hợp với nhu cầu của thị trường…”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
NAM PHONG