Xuân Son và nguồn cảm hứng bóng đá Brazil
VHO - ASEAN Cup 2024 chứng kiến sự trở lại của đội tuyển Việt Nam với việc giành vé vào chung kết một cách thuyết phục. Trong thành công của thầy trò HLV Kim Sang-sik, không thể không kể đến đóng góp của tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son (Rafaelson), chân sút đang dẫn đầu danh sách ghi bàn bằng 5 pha lập công.
Sinh ngày 30.3.1997 trong một gia đình nghèo ở Pirapemas, đông bắc Brazil, như mọi cậu bé trên xứ sở này, Rafaelson ôm mộng đổi đời cùng tình yêu mãnh liệt trái bóng tròn. Anh gia nhập đội trẻ Bahia rồi Vitoria. Tài năng sớm bộc lộ khiến Rafaelson phải đối mặt cáo buộc gian lận tuổi. Nhưng chàng trai trẻ đến từ bang Maranhão vẫn vượt qua sóng gió đầu đời để có trận đấu chuyên nghiệp đầu tiên vào ngày 5.9.2015, khi bước sang tuổi 18. Vào sân từ băng ghế dự bị ở hiệp 2, Rafaelson không thể giúp Vitoria tránh khỏi thất bại 1-2 trước Botafogo. Chỉ được ra sân 7 trận, chân sút 18 tuổi vẫn trải qua mùa giải đáng nhớ khi cùng đội bóng gắn bó giành tấm vé thăng hạng.
Sau 3 mùa giải không thể cạnh tranh suất thi đấu chính thức, Rafaelson quyết định xuất ngoại. Điểm đến là Vegalta Sendai (Nhật Bản) theo bản hợp đồng cho mượn. Chưa kịp bộc lộ tài năng, Rafaelson dính chấn thương nghiêm trọng và phải ngồi ngoài tới 3 tháng. Hành trình của Xuân Son tiếp tục tại Đan Mạch, nhưng cũng chẳng mấy thuận lợi và quyết định gia nhập Nam Định vào đầu năm 2020. Tiền đạo này lập tức ghi dấu ấn bằng 6 bàn thắng sau 16 trận. Tuy nhiên, khó khăn về tài chính khiến đội chủ sân Thiên Trường không đủ sức giữ chân Rafaelson. Chuyển sang SHB Đà Nẵng rồi Bình Định, Rafaelson đều thể hiện được phẩm chất và trở thành gương mặt lợi hại trên tuyến đầu của các đội bóng mình khoác áo.
Năm 2023, Rafaelson quay lại đầu quân cho Nam Định, sau khi giành danh hiệu Vua phá lưới trong màu áo Bình Định. Nhờ sự góp mặt của Rafaelson và dàn nội, ngoại binh chất lượng, đội chủ sân Thiên Trường lần đầu bước lên đỉnh cao nhất của bóng đá Việt Nam. Rafaelson một lần nữa trở thành Vua phá lưới V.League, ẵm luôn giải Cầu thủ xuất sắc nhất, đồng thời năm thứ 2 liên tiếp góp mặt trong đội hình tiêu biểu V.League.
Ngày 20.9.2024 đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp của Rafaelson. Tiền đạo gốc Brazil được trao quyết định nhập tịch, với tên tiếng Việt là Nguyễn Xuân Son. “Cả gia đình tôi đang sống ở Việt Nam. Với tôi, đây như quê hương thứ hai của mình. Tôi thật sự hạnh phúc khi được trở thành công dân Việt Nam và sẽ cống hiến hết mình cho bóng đá Việt Nam”, chân sút bước sang tuổi 27 chia sẻ. Và giấc mơ khoác áo đội tuyển Việt Nam của Xuân Son cũng thành hiện thực tại ASEAN Cup 2024, giải đấu đang chứng kiến tiền đạo này tỏa sáng rực rỡ.
Chứng kiến Xuân Son tung hoành trên sân cỏ có thể phần nào lý giải tại sao Brazil là cường quốc bóng đá số một hành tinh. Đất nước này đang nắm giữ kỷ lục 5 lần vô địch thế giới (World Cup) và xuất khẩu hàng ngàn cầu thủ đi chinh phục tín đồ “túc cầu giáo” trên khắp thế giới. Không chỉ ở cấp CLB, nhiều ĐTQG trên thế giới, kể cả những đội tuyển hàng đầu cũng “cầu cạnh” tài năng bóng đá của xứ sở Samba.
Bóc tách sâu hơn về thành công của nền bóng đá Brazil, cần nói về vai trò của Capoeira, môn võ truyền thống gắn liền với lịch sử, văn hóa đất nước này. Nét đặc trưng của nền bóng đá nước này là tính ngẫu hứng, sự sáng tạo, kỹ thuật điêu luyện và niềm đam mê mãnh liệt, được đúc kết thành thuật ngữ Joga Bonito, hiểu nôm na là “chơi đẹp”. Bởi vậy, từ Leonidas đến Pele hay Garrincha, từ Zico đến Ronaldo hay Ronaldinho, từ Neymar đến Vinicius, những cầu thủ Brazil được ví như vũ công samba trên sân cỏ.
Để hiểu hơn về Capoeira, cần quay trở lại thời kỳ khai quốc từ thế kỷ XVI của Brazil. Trong tiến trình khai phá tân lục địa, hàng vạn người nô lệ da đen bị đưa đến Nam Mỹ. Một bộ phận không nhỏ bỏ trốn vào sinh sống trong những cánh rừng Amazon. Điệu nhảy Samba và môn võ Capoeira là “tài sản” hiếm hoi họ có thể mang theo. Samba để giải trí, Capoeira để tự vệ trước thú dữ và kẻ thù.
Khi chế độ nô lệ sụp đổ, những người da đen trở lại với cuộc sống đời thường. Họ không còn thực hành Capoeira hằng ngày do độ sát thương cao. Và để lưu giữ và phát triển môn võ truyền thống, người Brazil sáng tạo ra một phiên bản mới với các động tác nhào lộn mang tính biểu diễn, từ đó biến Capoeira thành một biểu tượng văn hóa tinh thần của đất nước. Theo thời gian, nhịp điệu của Capoeira đã hòa vào hơi thở cuộc sống, người dân nơi đây luôn lắc lư theo nhịp điệu sôi động, sẵn sàng biểu diễn mọi lúc, mọi nơi.
Như vậy, bên cạnh thể chất sung mãn được thừa hưởng từ cha ông có gốc gác Trung và Tây Phi, người Brazil còn có được sự uyển chuyển, mềm mại và ngẫu hứng nhờ sự phát triển của văn hóa Samba lẫn Capoeira. Và khi bóng đá du nhập vào xứ sở này và trở thành “tôn giáo”, những phẩm chất ưu việt vừa nêu giúp người Brazil tỏa sáng trên sân cỏ.