Việc VĐV Phạm Như Phương “tố” phải chia phần trăm tiền thưởng: Đội tuyển quốc gia không liên quan

VHO - Về những ồn ào liên quan đến việc VĐV Phạm Như Phương “tố” bị gạch tên khỏi đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia và phải chia phần trăm tiền thưởng cho HLV phụ trách trực tiếp của cô ở bộ môn Thể dục dụng cụ thuộc Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội, thông tin từ Cục Thể dục thể thao cho biết, đơn vị chủ quản của cô không giới thiệu cô lên tuyển và không có chuyện bắt VĐV chia tiền thưởng ở đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia.

Việc VĐV Phạm Như Phương “tố” phải chia phần trăm tiền thưởng: Đội tuyển quốc gia không liên quan - Anh 1

VĐV Phạm Như Phương Ảnh: QUÝ LƯỢNG

 Không có chuyện đội tuyển quốc gia thu tiền phần trăm

Trả lời phỏng vấn Văn Hóa vào trưa 16.1, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt cho biết, buổi sáng cùng ngày, Cục đã có buổi làm việc với Ban huấn luyện đội tuyển Thể dục quốc gia, Trung tâm HLTTQG Hà Nội, phụ trách bộ môn Thể dục, Phòng thể thao thành tích cao I và đại diện Liên đoàn Thể dục Việt Nam.

Ông Đặng Hà Việt cho biết, qua quá trình làm việc và xác minh, các HLV thuộc đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia và đại diện Trung tâm HLTTQG Hà Nội khẳng định không có chủ trương cũng như không thu phần trăm từ tiền thưởng của các VĐV. HLV N.T.D cũng khẳng định Trung tâm HLTTQG Hà Nội và Ban huấn luyện đội tuyển TDDC quốc gia không yêu cầu và thực tế cũng không có chia tiền gì ở đây. Như vậy Ban huấn luyện đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia không liên quan đến câu chuyện chia phần trăm tiền thưởng của VĐV (nếu có).

HLV N.T.D - người bị VĐV Phạm Như Phương tố cáo về việc đòi chia phần trăm tiền thưởng tuy là HLV thuộc đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia nhưng lại là HLV trực tiếp của Phương tại đơn vị chủ quản thuộc Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội. Và HLV N.T.D thu tiền thưởng (nếu có) thì cũng chỉ là thu của VĐV thuộc đơn vị chủ quản là Hà Nội, chứ không thu tiền của các VĐV khác trong đội tuyển quốc gia.

“Do trong thời điểm hiện tại, đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia cần tập trung tối đa cho các cuộc thi đấu tại vòng loại, tranh vé dự Olympic Paris 2024 nên đội tuyển sẽ cho thôi tập trung 2 HLV của Hà Nội về địa phương để giải quyết các việc có liên quan. Cục Thể dục thể thao cũng sẽ phối hợp làm việc với đơn vị chủ quản của VĐV Phạm Như Phương và 2 HLV của Hà Nội tiếp tục xác minh làm rõ các vấn đề liên quan”, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt cho biết.

Trả lời phỏng vấn Văn Hóa, HLV trưởng đội tuyển Thể dục dụng cụ nữ quốc gia Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng khẳng định: “Không có việc bắt VĐV chia tiền thưởng ở đội tuyển quốc gia. Và trường hợp của Phạm Như Phương cũng vậy, hoàn toàn không có chuyện đội tuyển quốc gia thu phần trăm tiền thưởng từ VĐV này”. Trao đổi với Văn Hóa, ông Bùi Trung Thiện - Phụ trách bộ môn thể dục - Cục Thể dục thể thao (Bộ VHTTDL) cũng khẳng định: “Ở đội tuyển quốc gia bao nhiêu năm qua không có việc này”.

Trước đó, VĐV môn Thể dục dụng cụ Phạm Như Phương - người vừa tuyên bố giải nghệ đãgây ồn ào với tiết lộ, cứ mỗi tấm huy chương được thưởng bao nhiêu tiền thì ngoài 10% tiền thuế thu nhập, cô phải nộp thêm 10% cho HLV của mình là bà N.T.D - là một trong hai HLV phụ trách trực tiếp của cô ở Bộ môn TDDC thuộc Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội. Ngày hôm qua dư luận cũng đãcóthông tin về việc một số cựu VĐV tố việc phải chi tiền phần trăm tiền thưởng cho HLV. Nhưng nội dung của những thông tin này không thuộc phạm vi quản lý của đội tuyển quốc gia môn Thể dục dụng cụ.

Đơn vị chủ quản không giới thiệu Phạm Như Phương lên tuyển

Về lý do Phạm Như Phương bị gạch tên trong danh sách tập huấn đội tuyển quốc gia năm 2024, ông Bùi Trung Thiện, phụ trách môn Thể dục - Cục Thể dục thể thao nhấn mạnh: “Không ai gạch tên ai cả. Việc kỷ luật Như Phương là của Hà Nội (đơn vị chủ quản của VĐV). Tháng 12.2023, Như Phương xin nghỉ nhưng chưa có sự đồng ý từ Ban huấn luyện lẫn Trung tâm HLTTQG Hà Nội. Muốn xin nghỉ phải có giấy phép và quyết định, vì liên quan tới chấm công, tiền lương nữa chứ không phải xin nghỉ xong là nghỉ luôn. Về phía đội tuyển quốc gia, đầu năm 2024 bắt đầu tuyển chọn VĐV lên tập trung nhưng bạn ấy chưa từ nước ngoài về. VĐV không lên tập luyện thì không thể nào cho lên tập trung đội tuyển quốc gia được. Đây là đội tuyển quốc gia, không phải ở địa phương. Còn có Ban huấn luyện và VĐV khác, không phải ai muốn nghỉ là nghỉ”.

Thông tin từ Cục Thể dục thể thao cũng cho hay, trước khi ra quyết định triệu tập các VĐV lên các đội tuyển quốc gia, Cục Thể dục thể thao căn cứ vào công văn giới thiệu HLV, VĐV của đơn vị chủ quản và đề xuất của Ban huấn luyện đội tuyển. Đáng chú ý trong các đề xuất này đều không hề có tên của VĐV Phạm Như Phương.

Trong văn bản giới thiệu HLV, VĐV của Hà Nội lên tuyển, trong số 19 HLV, VĐV, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội không đề cập tới trường hợp của VĐV Phạm Như Phương. Như thế, Cục Thể dục thể thao đã không có căn cứ để triệu tập VĐV Phạm Như Phương lên đội tuyển.

Một căn cứ nữa là Ban huấn luyện sẽ dựa vào tình hình thực tế để đề xuất các VĐV lên đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên trong khoảng thời gian từ ngày 14.12.2023 đến ngày 3.1.2024, VĐV Phạm Như Phương đã không có mặt, không tập luyện tại đội tuyển. Vì thế khi đề nghị triệu tập VĐV, Ban huấn luyện không thể triệu tập VĐV đang vắng mặt. Thêm nữa với 1 VĐV chuyên nghiệp, thi đấu đỉnh cao, việc Phương nghỉ tập huấn trong khoảng thời gian như thế được các chuyên gia đánh giá là không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn để tiếp tục đáp ứng giáo án của HLV. Vì thế Ban huấn luyện đội tuyển quốc gia đã không đề xuất triệu tập tập huấn với VĐV Phạm Như Phương.

Thế nên mọi chuyện đều có căn nguyên và với mỗi VĐV, ngoài tài năng lại cần đến sự khổ luyện, ý thức tổ chức kỷ luật mới mong thành tài, tỏa sáng rực rỡ tại đấu trường trong nước và quốc tế. 

 VÂN SA

Ý kiến bạn đọc