ASEAN Cup:
Từ giải đấu “ao làng” đến hạng cao nhất của FIFA
VHO - Tiger Cup, AFF Cup và hiện giờ là ASEAN Cup, giải đấu 28 năm tuổi, 15 lần tổ chức đã nhiều lần thay đổi tên gọi nhưng điều không đổi là giải đấu bóng đá hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Quan trọng hơn nữa, vị thế của giải đấu đang ngày càng được đề cao.
Bước tiến lớn
Trước thềm ASEAN Cup 2024, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) chính thức công nhận giải bóng đá vô địch Đông Nam Á là giải quốc tế loại A, cấp độ 1. Theo quy định của FIFA, đây là bậc cao nhất áp dụng cho những trận đấu chính thức lẫn giao hữu trong mỗi dịp FIFA Days. Cụ thể, trận đấu quốc tế loại A cấp độ 1 phải có sự tham gia của đội tuyển quốc gia cấp cao, danh sách cầu thủ được đăng ký phải gửi lên Ban thư ký FIFA và Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Trận đấu phải được điều khiển bởi trọng tài chính và trợ lý trọng tài đạt tiêu chuẩn FIFA trở lên, đồng thời mỗi trận phải cách nhau ít nhất 48 giờ. Ngoài ra, báo cáo trận đấu cũng phải được nộp đầy đủ.
Thuật ngữ “trận đấu quốc tế loại A” (FIFA International A Match) được FIFA áp dụng để chuẩn hóa cách tính điểm xếp hạng trên bảng thứ tự thế giới. Các trận quốc tế loại A được phân thành ba cấp độ 1, 2 và 3 tương ứng với mức độ quan trọng từ thấp đến cao. Các trận đấu được xếp hạng là A bao gồm các giải đấu lớn như FIFA World Cup, Confederations Cup, UEFA Euro và AFC Asian Cup, bao gồm cả vòng loại và chung kết.
Việc ASEAN Cup 2024 được FIFA công nhận là các trận quốc tế loại A cấp độ 1 là bước tiến lớn, giúp khẳng định thêm vị thế của giải đấu hàng đầu khu vực trong hệ thống bóng đá quốc tế. Nhìn về quá khứ, ASEAN Cup ra đời năm 1996 với tên gọi ban đầu là Tiger Cup, do Tập đoàn bia Tiger Beer tài trợ. Giải đấu được tổ chức bởi Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển bóng đá trong khu vực, vốn bị xem là “vùng trũng” của bóng đá thế giới. Giải đấu đầu tiên diễn ra tại Singapore, với sự tham dự của 10 đội tuyển quốc gia thành viên AFF. Các trận đấu diễn ra trên 2 sân, Sân vận động Quốc gia Singapore và sân Jurong, chỉ có sức chứa 6.000 khán giả.
Năm 2007, Tiger Cup chính thức đổi tên thành AFF Cup sau khi Tiger Beer kết thúc tài trợ. Sự thay đổi này đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của giải đấu, cả về quy mô lẫn chất lượng tổ chức. Từ năm 2016, AFF Cup được FIFA chính thức công nhận là giải đấu thuộc hệ thống các trận quốc tế loại A. Điều này không chỉ nâng cao uy tín của giải đấu mà còn thúc đẩy sự đầu tư và cạnh tranh giữa các đội bóng.
Năm 2018, giải đấu ghi nhận sự thay đổi lớn trong thể thức tổ chức. Thay vì chỉ có một hoặc hai nước đăng cai, các trận đấu vòng bảng được tổ chức trên sân nhà và sân khách của từng đội, tạo cơ hội lớn để người hâm mộ khắp khu vực theo dõi trực tiếp đội tuyển của mình. AFF Cup 2018 cũng là giải đấu rực rỡ của đội tuyển Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam đã lên ngôi vô địch sau 10 năm chờ đợi, với chiến thắng trước Malaysia trong trận chung kết. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng, mở ra giai đoạn thành công mới cho bóng đá Việt Nam.
Cần sự thay đổi
Đến năm nay, AFF Cup đổi tên thành ASEAN Cup 2024 và được FIFA công nhận là giải đấu quốc tế loại A cấp độ 1, hứa hẹn mang đến những trận cầu hấp dẫn và kịch tính. Với sự phát triển không ngừng của bóng đá Đông Nam Á, các đội tuyển như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia đều đặt quyết tâm cao, trong khi các đội bóng khác như Lào, Campuchia hay Myanmar cũng nỗ lực tạo nên bất ngờ. Đặc biệt, ASEAN Cup 2024 đánh dấu một bước tiến quan trọng khi các trận đấu không chỉ tập trung vào yếu tố cạnh tranh mà còn chú trọng xây dựng hình ảnh bóng đá Đông Nam Á chuyên nghiệp và hấp dẫn hơn trên đấu trường quốc tế.
Dù vậy, cũng cần nhìn vào thực tế rằng các trận đấu tại ASEAN Cup 2024 không nằm trong lịch FIFA Days nên hệ số tính điểm ở giải đấu năm nay vẫn thấp nhất trong hệ thống tính điểm của FIFA. Đây là vấn đề Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á cần cải tổ rốt ráo để đặt ASEAN Cup vào đúng vị thế như FIFA đã ghi nhận. Cụ thể là cần tính toán thời điểm tổ chức giải vô địch bóng đá Đông Nam Á vào đúng lịch FIFA Days, với thời gian hợp lý nhất là vào mùa hè. Từ trước đến nay, ASEAN Cup đều diễn ra vào cuối năm và vắt sang năm sau.
Cần nhấn mạnh, phần lớn các giải vô địch quốc gia trong khu vực, bao gồm V.League của Việt Nam, đều đổi lịch thi đấu mùa giải từ gói gọn trong năm sang khoảng thời gian tương tự các giải đấu châu Âu. Như vậy rất thuận lợi cho ASEAN Cup tổ chức vào mùa Hè. Thực trạng nổi cộm tại giải đấu năm nay là nhiều ĐTQG không triệu tập lực lượng mạnh nhất vì lý do giải VĐQG vẫn diễn ra và CLB có quyền từ chối nhả cầu thủ vì không phải dịp FIFA Days. Bằng chứng là đội tuyển Malaysia thiếu vắng hoàn toàn những ngôi sao của Johor Darul Ta’zim, đội bóng đang thống trị giải trong nước với 10 lần đăng quang Malaysia Super League liên tiếp.
Mặc dù có sự giảm sút về chất lượng, tuy nhiên không vì thế ASEAN Cup mất đi sức hấp dẫn. Như chuyên gia kỳ cựu Steve Darby nhận định: “Tôi không nghĩ giải đấu đã mất đi sự hấp dẫn đối với người hâm mộ. Thẳng thắn mà nói, chỉ có bốn quốc gia thực sự có cơ hội giành chức vô địch (Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia), và người hâm mộ yêu thích cảm giác chiến thắng. Người hâm mộ bóng đá Đông Nam Á không hề ngây thơ. Họ biết mình khó có thể vô địch World Cup hay thậm chí là Asian Cup. Vì vậy, việc giành chiến thắng tại một giải đấu là điều hiếm hoi và đáng tận hưởng, và Giải vô địch Đông Nam Á chính là sân chơi mang lại điều đó”.