Tỏa sáng tinh thần SEA Games 31( Bài 4): Tận dụng cơ hội để bứt phá
VHO- Thông thường sau khi đăng cai một sự kiện thể thao lớn, nhiều cơ hội sẽ mở ra với nước chủ nhà và SEA Games 31 không là ngoại lệ. Vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ tận dụng cơ hội đó như thế nào để bứt phá, nhất là trên lĩnh vực thể thao.
Thành công của SEA Games 31 sẽ là cú hích cho thể thao Việt Nam phát triển Ảnh: TRẦN HUẤN
Trong cuộc trao đổi với Văn Hóa, các chuyên gia cho rằng, sau cú hích mang tên SEA Games 31, thể thao Việt Nam cần được đầu tư tương xứng và có chiến lược dài hơi cho sự phát triển vững chắc.
Cần được đầu tư tương xứng
Đánh giá về những “cánh cửa” mở ra sau SEA Games 31, bình luận viên kỳ cựu, người đã có nhiều năm gắn bó với thể thao Ngô Quang Tùng nhận định: “Rõ ràng SEA Games 31 đã cho thấy tầm quan trọng của thể thao với đời sống tinh thần, rèn luyện thể chất của người dân. Sự kiện này lại một lần nữa tái khẳng định vị thế của ngành thể thao trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội của đất nước. Vấn đề là ở chỗ, vị thế của ngành thể thao có được nâng lên sau SEA Games 31 hay không? Vị thế của ngành thể thao nằm ở đâu trong chiến lược chung phát triển kinh tế - xã hội của đất nước? Hay là chỉ khi thể thao có sự kiện lớn, thành công chúng ta mới quan tâm nhiều hơn? Tôi cho rằng vấn đề đặt ra sau thành công của SEA Games 31 là làm thế nào để chúng ta huy động được nhiều hơn nữa các nguồn lực đáp ứng được yêu cầu đầu tư cho thể thao”.
Cũng theo bình luận viên Ngô Quang Tùng, sự đầu tư cho thể thao hiện nay còn khiêm tốn. Đơn cử là cơ sở vật chất dành cho việc tập luyện và thi đấu còn thiếu thốn, lạc hậu. Vì thế thể thao cần được đầu tư tương xứng, phù hợp với yêu cầu phát triển. Thêm vào đó, sự thành công của SEA Games 31 cũng đã mở ra cơ hội để kích thích sự phát triển về kinh tế - xã hội. Vấn đề là chúng ta sẽ tận dụng cơ hội đó như thế nào? “Tôi cho rằng trước mắt, ngay trong phạm vi của Bộ, ngành thể thao cần có sự kết hợp chặt chẽ hơn nữa với lĩnh vực văn hóa và du lịch để phát triển toàn diện và vững chắc. Từ đó khẳng định vị trí của ngành trong tổng thể chung phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, bình luận viên Ngô Quang Tùng nhấn mạnh.
Còn theo TS Huỳnh Trí Thiện, ngành Quản lý thể thao, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), SEA Games lần thứ 31 không chỉ mang lại thành công về mặt thành tích cho đoàn thể thao Việt Nam mà còn thể hiện được tinh thần đam mê và nhiệt huyết cổ vũ cho các môn thể thao của người dân địa phương. Đây là điều mà chưa có một kỳ SEA Games nào có thể làm được khi người dân phủ kín khán đài ở tất cả các môn và cổ vũ nhiệt tình cho các quốc gia, không riêng gì chủ nhà Việt Nam. TS Huỳnh Trí Thiện phân tích: “Nghiên cứu về tác động kinh tế - xã hội của SEA Games đối với địa phương, nếu được thực hiện, sẽ giúp cho chúng ta có một cái nhìn khoa học hơn. Tuy nhiên, với lượng khán giả đông đảo đến các nhà thi đấu/sân vận động trong suốt 17 ngày cũng là một tác động đáng kể đến sự phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương đăng cai. Một điều đáng lưu ý nữa là làm thế nào để biến niềm tự hào của người dân đối với thành công của đoàn thể thao Việt Nam trở thành phong trào tập luyện thể thao của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đó là nhiệm vụ cũng như thử thách cho các nhà quản lý thể thao ở địa phương nói riêng và ngành thể thao Việt Nam nói chung”.
Phóng viên quốc tế tác nghiệp tại SEA Games 31
Cần được đầu tư bằng một chiến lược dài hạn
TS Huỳnh Trí Thiện cũng cho rằng, đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai SEA Games, cũng là lần thứ hai đứng thứ nhất toàn đoàn. Thành tích của thể thao Việt Nam đã khiến các nước trong khu vực, thậm chí là Thái Lan - quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN về các môn Olympic - cũng phải thua “tâm phục khẩu phục”. Chúng ta đã đạt thành tích vượt trội về chất lượng huy chương, tính theo các môn nhóm Olympic hay các nội dung có trong chương trình Olympic 2024.
“Còn khá sớm để nói là chúng ta có nhiều tiềm năng, để có thể giành được HCV ASIAD hay Olympic qua thành công ở những môn chính thống tại SEA Games lần này. Hiện tại chúng ta thắng các nước khu vực ASEAN, nhưng khi “bơi” ra biển lớn ở cấp độ châu lục hay thế giới thì vẫn còn nhiều điều phải làm và cũng chưa thể đảm bảo cho thể thao Việt Nam có được huy chương. Tuy nhiên, những thành công vừa qua đã chứng tỏ sự đầu tư của Nhà nước cũng như chiến lược tập trung phát triển thể thao mũi nhọn và Olympic của ngành Thể thao đã đi đúng hướng và cho những “quả ngọt” đầu tiên. ASIAD đã bị hoãn khi Trung Quốc vẫn chưa thể xác định được thời điểm tổ chức do đó Olympic 2024 có thể xem là một “mục tiêu vàng” cho thể thao Việt Nam trong tương lai gần. 2 năm là thời gian hợp lý để ngành thể thao có thể lên chiến lược đúng và phù hợp trong chiến dịch săn huy chương Olympic sau tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Rio de Janerio 2016. Thành công ở SEA Games đối với những môn thể thao Olympic lần này sẽ là những thông tin hữu ích để các nhà chuyên môn có thể chọn lọc được những nhân tố phù hợp và tiệm cận với thành tích Olympic để có chiến lược đầu tư chuyên biệt trong thời gian 2 năm tới đây. Đây là lúc khoa học thể thao phải được nghiêm túc áp dụng để có được chiến lược đầu tư đúng đắn.
“Khi tổ chức SEA Games 22, Việt Nam còn nhiều điều bỡ ngỡ. Nhưng đến SEA Games 31 chúng ta đã tự tin trong công tác tổ chức, thành công về thành tích - đặc biệt ở những môn Olympic - và mang đến sự thán phục cho bạn bè khu vực với sự nhiệt thành của cổ động viên. Vậy thì một lộ trình khoa học và sự chuẩn bị kỹ để vận động đăng cai ASIAD trong tương lai sẽ là một cú hích cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như cơ hội để ngành thể thao Việt Nam có sự đầu tư bằng một chiến lược dài hạn, hướng đến thành tích bền vững ở đấu trường châu lục và Olympic”, TS Huỳnh Trí Thiện phân tích.
SEA Games 31 không chỉ là sự kiện thể thao mà là dịp để chúng ta quảng bá về văn hóa và hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài. Về vấn đề thúc đẩy sự phát triển của du lịch, tôi chỉ lấy ví dụ 10.000 VĐV, HLV và trọng tài, có thể xem họ như những sứ giả, đại sứ về du lịch. Qua SEA Games 31, họ sẽ thấy được hình ảnh một đất nước Việt Nam an toàn, thân thiện, hiếu khách. Từ đó họ sẽ tuyên truyền, tạo sức lan tỏa. Đấy là còn chưa kể đến gần 700 nhà báo quốc tế đi theo sự kiện này. Họ là những cây bút, cây viết, họ sẽ nói cho chúng ta, giới thiệu về quê hương Việt Nam, điểm đến an toàn và những địa danh mà họ đã đến, từ đó sẽ kích thích sự phát triển của du lịch. (Bộ trưởng Bộ VHTTDL NGUYỄN VĂN HÙNG) |
Rõ ràng sau SEA Games 31 lại một lần nữa chúng ta thấy được tầm ảnh hưởng, sức mạnh mềm của thể thao. Thể thao góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế tại các quốc gia đăng cai các sự kiện lớn của thể thao đã cho thấy điều đó. Indonesia đã dùng việc tổ chức SEA Games để kích thích sự phát triển của Palembang. Olympic London 2012 đã góp phần làm thay đổi diện mạo, kích thích sự phát triển của khu vực kém phát triển thuộc phía đông London (Anh). Từ kinh nghiệm của các nước và thực tiễn tại Việt Nam cho thấy SEA Games 31 không là ngoại lệ trong việc tạo động lực, kích thích sự phát triển của kinh tế - xã hội. (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT NGUYỄN HỒNG MINH) |
Bài 5: Cần đầu tư bài bản, khoa học và hệ thống
THU SÂM