Tìm giải pháp tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trong trường học

VHO - Bộ GD&ĐT vừa tổ chức Hội thảo tham vấn tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trong trường học năm 2023 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu là Sở GD&ĐT trên cả nước nhằm tìm ra các giải pháp để giảm thiểu những tai nạn thương tâm từ đuối nuóc.

Tìm giải pháp tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trong trường học - Anh 1

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: V.D

Theo thống kê của Bộ LĐ,TB&XH, giai đoạn 2015 – 2020, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có gần 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Mặc dù đã giảm, nhưng đuối nước vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Để hạn chế, giảm thiểu tối đa những tai nạn đuối nước thương tâm đã xảy ra, 100% tỉnh, thành phố đều triển khai Quyết định 1248 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Một số địa phương đã có sự đầu tư rất cơ bản cả về vật chất, cơ chế chính sách, công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng chống đuối nước, trong đó có việc tổ chức dạy bơi, học bơi và giáo dục kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, học sinh.

Từ đó số lượng học sinh biết bơi tại địa phương tăng dần theo từng năm. Cán bộ, giáo viên giáo dục thể chất được bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức dạy bơi và kiến thức, kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước. Các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em, đặc biệt là giám sát trẻ em dưới 5 tuổi được tăng cường. Trẻ em từ 6 đến dưới 15 tuổi được học bơi và nâng cao kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Đặc biệt, chính sự hỗ trợ từ các Đề án, dự án của Nhà nước và các chương trình được tài trợ bởi tổ chức quốc tế mang lại nguồn lực kinh nghiệm thực tế và thuận lợi lớn cho một số địa phương, cơ sở giáo dục. Từ đó, có sức lan toả mô hình, kinh nghiệm cho các địa phương khác.  

Tuy nhiên, việc tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trong trường học thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, số lượng bể bơi trong trường học ở nhiều nơi còn ít. Cơ chế vận hành bể bơi, tổ chức dạy bơi, khai thác hoạt động, cơ chế thu phí từ người học bơi còn lúng túng, chưa biết cách xử lí ở rất nhiều nơi. Tại các vùng sâu, vùng xa, việc xây dựng và duy trì bể bơi khó khăn do thiếu cơ sở vật chất và năng lực thực hiện. Công tác truyền thông giáo dục kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, học sinh trong và ngoài trường học chưa đạt hiệu quả cao. Một số trường học cơ bản đủ điều kiện tổ chức dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước, nhưng không triển khai tích cực.

Ngoài ra, thực trạng hiện nay nhiều trường học, cơ sở giáo dục trên cả nước đều thiếu đội ngũ giáo viên thể dục được tập huấn về bơi an toàn, kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Đội ngũ cán bộ y tế trường học chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước. Công tác xã hội hóa phổ cập bơi học sinh gặp nhiều trở ngại do diện tích trường học, kinh phí xây dựng, vận hành bể bơi; chưa có nhiều doanh nghiệp cá nhân tham gia (kinh phí lớn, lâu thu hồi vốn).

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Nguyễn Hồng Minh cho rằng đây là vấn đề cấp thiết trong tình hình xã hội hiện nay. Để giảm thiểu những tai nạn thương tâm, các trường học, cơ sở giáo dục, địa phương cần trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết về bơi cho các em. Bộ GD&ĐT cần quyết liệt hơn trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là môn Bơi. Giáo viên cần được tập huấn kỹ về chuyên môn để tổ chức tốt việc dạy bơi an toàn trong trường phổ thông. Về cơ bản, Cục Thể dục thể thao hoàn toàn nhất trí với các kế hoạch, chủ trương triển khai về việc triển khai nhiệm vụ phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, học sinh năm 2023.

Ông Minh cũng nêu lên một thực tế, nếu coi việc dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước là nội dung giáo dục thể chất thì rất khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất (bể bơi), kinh phí và ngay cả trong nhận thức của gia đình, xã hội vẫn chưa coi trọng môn giáo dục thể chất. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, nên coi việc dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em là việc dạy kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn thì sẽ huy động được nhiều nguồn lực của gia đình, xã hội và sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn. Từ đó xác định rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, chính quyền địa phương và của gia đình, đồng thời đề ra những giải pháp phù hợp trong việc tổ chức thực hiện để đạt được hiệu quả cao nhất trong giai đoạn hiện nay.

VÂN GIANG

Ý kiến bạn đọc