Tìm giải pháp hiện thực hoá khát vọng đưa thể thao Việt Nam vươn tầm châu lục và thế giới
VHO - Chiều nay 21.12, Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 đã được tổ chức tại Hà Nội. Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các lãnh đạo Cục TDTT
Hội nghị có sự tham dự của đại diện Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; Ban Tuyên giáo Trung ương; Văn phòng Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp; Bộ Công an; Bộ GDĐT; ngành Quân đội; lãnh đạo 45 Sở VHTT, Sở VHTTDL trên cả nước.
Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo Cục Thể dục thể thao, nguyên lãnh đạo ngành Thể dục thể thao, các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, HLV, VĐV. Đây được xem là Hội nghị Diên Hồng của Thể thao Việt Nam được tổ chức theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, nhằm tìm ra giải pháp để nâng cao thành tích của Thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Cùng góp sức, kiến tạo đưa Thể thao Việt Nam đạt thành tích như kỳ vọng
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, vừa qua Bộ Chính trị đã họp, cho ý kiến chỉ đạo về việc tổng kết Nghị quyết 08 của BCH Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2030. Sau khi có kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ VHTTDL khẩn trương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị để hoàn thiện việc xây dựng Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Cục TDTT nghiêm túc tiếp thu để xây dựng hoàn thiện dự thảo Chiến lược.
“Đồng thời Bộ cũng đã yêu cầu Cục TDTT tập trung huy động tất cả các nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ năm 2023, về đích trước thời hạn. Từ đó sẽ đánh giá lại một cách toàn diện về sự phát triển của thể thao cho mọi người cũng như thể thao thành tích cao. Trong đó có việc tìm kiếm giải pháp huy động các nguồn lực, xem xét nhiều góc độ để tập trung thực hiện Chiến lược một cách bài bản, khoa học nhằm góp phần cải thiện thành tích của thể thao thành tích cao trên đấu trường quốc tế”, Bộ trưởng phát biểu.
Các đại biểu, HLV, VĐV, chuyên gia tham dự Hội nghị
Để chuẩn bị cho Hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đã dành 2 buổi làm việc với Cục TDTT và các đơn vị liên quan để rà soát về công tác chuẩn bị. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Hội nghị không phải là cuộc biểu dương lực lượng mà nhằm tìm ra các giải pháp để nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, nhằm hiện thực hoá khát vọng vươn tới đấu trường châu lục và thế giới, đáp ứng được lòng mong mỏi của người hâm mộ.
Bộ trưởng mong muốn các đại biểu sẽ có những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm nhằm định vị được vị trí của thể thao Việt Nam trên bản đồ của thể thao đỉnh cao châu lục. Nhìn từ thực tiễn, Thể thao Việt Nam có thuận lợi, khó khăn gì để vươn tới tầm châu lục và thế giới. Bộ trưởng cũng khẳng định đây là bài toán không đơn giản và mong muốn từ nhận thức, đến hành động, toàn ngành hãy phát huy được hết sức mạnh trong bối cảnh nguồn lực còn khiêm tốn.
Bộ trưởng cũng cho biết, những ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ được tiếp thu một cách đầy đủ nhất và sẽ được chắt lọc để ngành hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Chiến lược trình Chính phủ và các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ trưởng mong muốn Hội nghị sẽ diễn ra thực chất, không phô trương, thiết thực và hiệu quả để thực sự tìm ra các giải pháp thiết thực giúp thể thao Việt Nam vươn tầm châu lục và thế giới. “Chúng ta hãy cùng nhau góp sức để kiến tạo đưa thể thao Việt Nam đạt thành tích như kỳ vọng”, Bộ trưởng nói.
Hãy thức giấc để thực hiện giấc mơ Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá, những ý kiến phát biểu tại Hội nghị rất tâm huyết, trách nhiệm trong đó có những phê bình thẳng thắn mà ngành thể thao phải biết trân quý, biết dũng cảm lắng nghe, tiếp thu và điều chỉnh. Bộ trưởng cũng cho rằng Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã luôn quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực TDTT và ngân sách chi ra hàng năm cho tập huấn, thi đấu, sửa chữa cơ sở vật chất tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia là không nhỏ. Vấn đề là cách làm của ngành thể thao như nào cho có hiệu quả. Bộ trưởng nhấn mạnh, Hội nghị đã bàn sâu hơn để từ đó toàn ngành có nhận thức đúng hơn; nếu nhận thức còn chưa thấu đáo thì hành động sẽ không hiệu quả. Ngành có ước mơ, có khát vọng thì hãy thức giấc để hành động, biến giấc mơ thành hiện thực. Nhắc lại những trang sử hào hùng của dân tộc, Bộ trưởng cho rằng ngành thể thao cần tiếp tục khơi dậy niềm tin, khát vọng chiến thắng không chỉ trong đội ngũ các HLV, VĐV mà còn trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành để hành động quyết liệt và hiệu quả hơn nữa. Giao nhiệm vụ cho ngành thể thao, Bộ trưởng cho rằng sau khi quy hoạch về thể thao được phê duyệt, ngành cần tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện đúng theo phân cấp, phân quyền, gắn liền với trách nhiệm. Trên cơ sở đó hoàn thiện Chiến lược phát triển TDTT trong giai đoạn tới trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cục TDTT cũng cần tập trung chấn chỉnh về công tác đào tạo huấn luyện, chú ý quy trình đào tạo mang tính hệ thống từ các địa phương, tỉnh, thành tới cấp trung ương; tập trung rà soát lại hệ thống cơ sở vật chất tại các Trung tâm huấn luyện, chỗ nào cần thì sửa chữa, nâng cấp. Ngành cũng cần phải tuyển chọn danh mục các môn thể thao trọng điểm, các VĐV trọng điểm để tập trung đầu tư; cần rà soát lại đội ngũ HLV theo phương châm muốn có trò hay phải có thầy giỏi. Tổ chức đào tạo, nâng cao cho đội ngũ các người thầy và với các chuyên gia, HLV làm nhiều năm mà chưa có thành tích thì phải chấm dứt hợp đồng. Tận dụng các mối quan hệ quốc tế để tìm được những chuyên gia, HLV giỏi và đặc biệt cần ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đào tạo, huấn luyện và quản lý, điều hành của Cục TDTT. “Để phát huy hiệu quả, Cục TDTT cũng phải thay đổi tư duy, đổi mới cách làm, trong bối cảnh hiện nay phải quản trị về thể thao chứ không phải quản lý về thể thao theo cách làm thông thường. Cục TDTT cũng cần phải đúng vai, thuộc bài trong việc thực thi các nhiệm vụ”, Bộ trưởng nhấn mạnh. |
Đổi mới, sáng tạo để nâng cao thành tích
Báo cáo chung về thực trạng thành tích thể thao, nguồn lực VĐV; định hướng phát triển thể thao thành tích cao từ năm 2024-2030 và định hướng lựa chọn các môn thể thao trọng điểm, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt cho biết, Thể thao Việt Nam, sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, thể thao thành tích cao đã có sự tiến bộ rõ nét, khẳng định vị thế trong khu vực Đông Nam Á và bước đầu tiếp cận trình độ thể thao của châu lục và thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển thể thao thành tích cao của nước ta so với các nước trong châu lục và thế giới đang gặp những thách thức lớn cần đổi mới tư duy và cách làm thể thao thành tích cao.
Thực tiễn qua kỳ Olympic 2020, Asian Games 2018 và 2022 gần đây cũng chỉ ra rằng đã tới lúc Thể thao Việt Nam tiếp tục cần có sự nhìn nhận mới về cách thức đầu tư cho thể thao thành tích cao và nếu chúng ta không thay đổi cách đầu tư thì rất khó hướng tới Asian Games (ASIAD) và Olympic trong giai đoạn tới.
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt trình bày báo cáo tại Hội nghị
Xuất phát từ lý do như trên, Bộ VHTTDL giao Cục Thể dục thể thao tổ chức “Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030” nhằm định hướng và đưa ra các giải pháp lớn đóng vai trò "kim chỉ nam" cho việc xây dựng các kế hoạch, định hướng mục tiêu, giải pháp cho thể thao thành tích cao phát triển, vươn tầm châu lục và thế giới tương xứng với vị thế của Việt nam trong thời gian tới là hết sức cần thiết.
Từ thực trạng trên cho thấy thể thao thành tích cao của Việt Nam cần có sự điều chỉnh nhằm đáp ứng với những thay đổi của điều kiện thực tế, giúp cho các VĐV nâng cao năng lực cạnh tranh tại Olympic và ASIAD. Báo cáo do Cục trưởng Đặng Hà Việt cũng nêu rõ 6 nhiệm vụ và các nhóm giải pháp cụ thể để thực hiện như nhóm giải pháp về xây dựng lực lượng thể thao thành tích cao từ việc tuyển chọn, xác định VĐV; xác định phương thức đào tạo VĐV; xác định địa bàn đào tạo VĐV; lực lượng cán bộ, HLV và xác định giải pháp chuyên môn cho từng môn thể thao. Tiếp đến là nhóm giải pháp nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo; giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ, chăm sóc y tế, hồi phục và chế độ dinh dưỡng cho VĐV; nhóm giải pháp xã hội hóa thể thao thành tích cao; nhóm giải pháp bảo đảm nguồn lực tài chính…
GS.TS Lâm Quang Thành nhấn mạnh, muốn phát triển thể thao thành tích cao, chúng ta phải đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Lâm Quang Thành nhấn mạnh, muốn phát triển thể thao thành tích cao, chúng ta phải đổi mới sáng tạo. Đây là cầu nối để khoa học và công nghệ (KHCN) phục vụ trực tiếp việc phát triển thể thao thành tích cao, đặc biệt là lực lượng VĐV đỉnh cao, qua đó tạo bứt phá trong nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện và thành tích thể thao. Trong khi đó GS.TS Lê Quý Phượng cũng đưa ra các nghiên cứu chuyên sâu về các giải pháp phòng tránh chấn thương, chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng và hồi phục cho VĐV thể thao thành tích cao. Hai vị chuyên gia này cũng đưa ra những ví dụ đầy thuyết phục về những khó khăn dẫn đến việc thành tích của Thể thao Việt Nam chưa được như mong muốn và các giải pháp cụ thể để cải thiện thực trạng. Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Thủ tướng: Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa, chuyển văn hóa thành sức mạnh nội sinh, Uỷ ban TDTT (nay là Cục TDTT) cũng nêu lên ví dụ về trường hợp đô cử Trần Lê Quốc Toàn trong thời gian bị chấn thương, ăn cơm do vợ nấu, không có chế độ chăm sóc đặc biệt nên việc Toàn đứng thứ 4 rồi được đôn lên nhận HCĐ Olympic London 2012 đã là nỗ lực rất lớn.
“Vấn đề mấu chốt trong việc cải thiện thành tích của Thể thao Việt Nam theo tôi là nguồn lực và chiến lược đầu tư. Thực tế cho thấy mức đầu tư dành cho thể thao thành tích cao của chúng ta so với một số nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore đã không bằng, chứ chưa nói đến các quốc gia khác trong châu lục. Bài toán thiếu trước hụt sau đã khiến cho chúng ta loay hoay co kéo trong tấm chăn quá chật hẹp. Mục tiêu thì muốn vươn tầm châu lục và thế giới nhưng thực lực lại chỉ đủ đầu tư ở cấp độ khu vực, trong đó có việc chưa quản lý tốt nguồn lực đầu tư được phân bổ. Vì thế nói gì thì nói trước hết chúng ta phải giải quyết được vấn đề nguồn lực và chiến lược đầu tư cho thể thao nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng. Chắc chắn rằng trong bối cảnh hiện nay chúng ta không chỉ trông chờ vào nguồn lực của nhà nước mà phải huy động được các nguồn lực xã hội hóa, cần có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao. Ngoài ra, chúng ta phải quản lý tốt nguồn lực được phân bổ. Một khi nguồn lực đầu tư xứng tầm và được quản lý bài bản thì các giải pháp chuyên môn mới phát huy đầy đủ và khi đó kết quả mới tương xứng được”. (TS Cao Văn Chóng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khoa học TDTT Việt Nam, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương) |
Tại Hội nghị, HLV Trần Văn Sỹ (Điền kinh) và Nguyễn Hoàng Ngân (Karate) đã phát biểu ý kiến nêu lên những khó khăn về cơ chế, chính sách dẫn đến những khó khăn trong đời sống của các HLV. Với đặc trưng nghề nghiệp, các HLV không chỉ làm công việc tương tư như các thầy cô giáo ở trường học mà còn kiêm thêm việc làm cha, làm mẹ chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, tâm sự chia sẻ cùng các VĐV khi họ gặp những vấn đề khó khăn trong tập luyện, thi đấu. Dù đã được quan tâm nhưng chế độ, chính sách của các HLV chưa cao, dẫn đến việc họ phải lo toan vất vả trong cuộc sống.
Bộ trưởng trao Bằng khen cho các tấm HCV Asian Games 19 và trao quà hõ trợ gia đình VĐV Nguyễn Minh Triết
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng đã trao Bằng khen của Uỷ ban Olympic Việt Nam cho các tấm HCV tại Asian Games 19 của Đoàn Thể thao Việt Nam. Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Uỷ ban Olympic Việt Nam cũng trao phần quà hỗ trợ cho gia đình VĐV Nguyễn Minh Triết (Thể dục dụng cụ) bị chấn thương nặng trong lúc tập luyện và đang điều trị tại bệnh viện.
THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN