Thể thao Việt Nam 2024: Niềm tin và hy vọng
VHO - Ngày cuối năm, khi những hạt mưa xuân đang phơi phới bay và nhựa sống của mùa xuân đang tràn trề trong những chồi non, lộc biếc thì cũng là lúc Thể thao Việt Nam tất bật, hối hả chuẩn bị cho những chặng đường mới. Olympic 2024 sẽ là “biển lớn” mà qua đó chúng ta thấy được mình đang ở đâu trên bản đồ thể thao đỉnh cao thế giới.
Thể thao Việt Nam vững tin về một tương lai tươi sáng
Không thể bỏ tiểu học để lên đại học
Đã từng có ý kiến cho rằng, Thể thao Việt Nam đừng quẩn quanh ở đấu trường khu vực mà hãy vươn ra, toả sáng ở đấu trường châu lục, thế giới. Và rằng, giờ chúng ta không nên tự hào với thành tích ở đấu trường khu vực bởi đó chỉ là vùng trũng của thể thao thế giới. Nhưng sự thật là hàng loạt ngôi sao của thể thao thế giới là người Đông Nam Á đều từng toả sáng tại đấu trường SEA Games.
Đơn cử như võ sĩ taekwondo Panipak Wongpattanakit (Thái Lan),bắt đầu được biết đến với chiếc HCB SEA Games 2013. Đến nay cô đã là nhà vô địch Olympic Tokyo 2020, hai lần lên ngôi vô địch giải thế giới, hai lần đoạt HCV tại hai kỳ Asian Games liên tiếp, gần đây nhất là Asian Games 19. VĐV bắn súng đem về hai HCV cho Indonesia tại Asian Games năm 2023 là Muham mad Sejahtera Dwi Putra trước đó cũng giành HCV tại SEA Games 31, 32. Lực sĩ cử tạ Rahmat Erwin Abdullah vừa mang về chiếc HCV cho cử tạ Indonesia tại Asian
Games 19 trước đó cũng vô địch ba kỳ SEA Games liên tiếp. VĐV đoạt chiếc HCV ở cự ly tốc độ 200m tại Hàng Châu (Trung Quốc) vừa rồi là Shanti Pereira (Singapore) cũng trưởng thành từ đấu trường SEA Games với bốn HCV tại ba kỳ Đại hội. “Thần đồng” điền kinh Thái Lan Pu ripol Boonson vừa giành HCB nội dung 100m nam tại Hàng Châu, từng trình diện Đông Nam Á và giành tới ba HCV tại SEA Games 31, tổ chức tại Việt Nam.
Những ví dụ trên để nói lên một điều là khoa học thể thao và chu trình huấn luyện sẽ tuần tự đưa các VĐV tham gia từ các giải bé rồi dần lên các giải lớn. Giống như việc khi trẻ em chưa biết chữ thì sẽ học cấp tiểu học rồi lên cấp 2, cấp 3, đại học. Với các VĐV được lựa chọn tham dự SEA Games của Thể thao Việt Nam, hầu hết đều từng trải qua hệ thống thi đấu các giải thể thao trong nước, từ cấp thấp đến cấp cao hơn như các giải thể thao phong trào, giải dành cho học sinh, sinh viên, các giải trẻ rồi đến các giải vô địch quốc gia. Sau đó mới từ SEA Games bước ra châu lục và thế giới.
Thế nên SEA Games được xem là bước đệm để các VĐV Việt Nam vươn ra biển lớn và là bước không thể bỏ qua. Các cuộc thi đấu tại SEA Games ngoài hạn chế khi một số nước chủ nhà tận dụng đưa vào nhiều môn, nội dung thế mạnh, còn lại tất cả các cuộc thi đấu đều tuân theo luật thi đấu quốc tế tương tự như tại Asian Games và Olympic, nên đây là cơ hội tốt để các VĐV tập dượt.
Trong giai đoạn đầu khi mới hội nhập trở lại với đấu trường SEA Games, khi đó các nhà chiến lược của Thể thao Việt Nam, mà tiêu biểu nhất là cố Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, đã vạch ra chiến lược “đi tắt đón đầu”. Chiến lược đó là Thể thao Việt Nam sẽ lựa chọn những môn phù hợp với thế mạnh, không cần quá nhiều thời gian, có thể đạt được huy chương và những môn thể thao mới để đầu tư. Thành quả đạt được là hàng loạt các môn võ phù hợp với thể trạng của người Việt Nam như pencak silat, karate, wushu hay các môn mới như cầu mây, đấu kiếm… được chúng ta phát triển và góp phần mang về thành tích rực rỡ trên đấu trường khu vực, mà điểm nhấn khó quên là vị trí dẫn đầu toàn đoàn tại SEA Games 22.
Rõ ràng trong giai đoạn đó, chiến lược này đã phát huy tác dụng, nhất là trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn thì những thành tích của Thể thao Việt Nam tại đấu trường lớn nhất khu vực đã đem lại sự khích lệ, tạo sự phấn chấn cho nhân dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi đó, xét về điều kiện kinh tế, nếu chúng ta chỉ tập trung vào việc phát triển các môn Olympic thì thứ nhất về kinh phí là rất khó khăn; thứ hai đây là những môn đòi hỏi phải mất nhiều thời gian và một quy trình tỉ mẩn, khoa học. Thế nên chiến lược “đi tắt đón đầu” trong giai đoạn đó là phù hợp. Không chỉ phát triển các môn thể thao theo hướng này, Thể thao Việt Nam cũng chú trọng đầu tư cho các môn Olympic mà tiêu biểu là Thể thao Hà Nội tập trung đầu tư cho lứa VĐV môn thể dục dụng cụ, để giúp cho chúng ta hái quả ngọt sau này.
Điều chỉnh chiến lược phù hợp với từng giai đoạn
Khi kinh tế đất nước đã có bước phát triển và quá trình hội nhập sâu rộng hơn, Thể thao Việt Nam xác định hiến lược: Lấy đấu trường SEA Games làm bàn đạp, tấn công vào đấu trường châu lục và thế giới. Và từ sức bật của SEA Games 22, Thể thao Việt Nam đã có bước phát triển vững chắc. Sự thành công của các môn Olympic bắt đầu được thể hiện rõ nhất ở kết quả thi đấu tại SEA Games 2015 khi 85% số HCV đoạt được đến từ các môn Olympic. Đây cũng là quãng thời gian, các môn Olympic như bắn súng, bơi, điền kinh, cử tạ tiếp tục được chú trọng đầu tư và thành quả ngọt ngào là chiếc HCV Olympic 2016 của Hoàng Xuân Vinh cùng hàng loạt huy chương ở các đấu trường lớn của thế giới, châu lục.
Thể thao Việt Nam cũng chưa từng và chưa hề ngủ quên trên chiến thắng, nên ngay sau Olympic 2016, hàng loạt vấn đề đã được đặt ra nhằm trả lời câu hỏi: Làm sao đào tạo được những VĐV đẳng cấp thế giới? Tuy nhiên “cái khó bó cái khôn”, trong khi thể thao nhiều nước trong khu vực được đầu tư lớn về kinh phí và các nước có chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho thể thao thì chúng ta còn nhiều rào cản. Và với các nhà chuyên môn, ai cũng hiểu một điều rằng để huấn luyện được VĐV tầm cỡ thế giới phải cần một chu trình, ít nhất là hai kỳ Olympic chứ không thể một sớm, một chiều “nặn” ra được nhà vô địch thế giới. Thế nên cũng có những kết quả ở các đấu trường lớn mà Thể thao Việt Nam chưa đáp ứng được sự kỳ vọng.
Như ngay trong năm vừa qua, Thể thao Việt Nam vừa thắng lớn ở SEA Games 32, để hàng triệu con tim cùng chung nhịp đập của những dư âm chiến thắng, dư âm của hạnh phúc thì lại phải ngậm ngùi tại Asian Games 19. Vì khi đó chúng ta phải chứng kiến một thực tế là Thể thao Việt Nam còn khoảng cách khá xa so với đấu trường châu lục. Với giới chuyên môn thì điều này đã được nhìn nhận. Chính vì thế mà chỉ tiêu đặt ra trước lúc đoàn lên đường chỉ là từ 2-5 HCV và chỉ tiêu đoạt được như tiên lượng là ba chiếc HCV.
Như thế, nếu xét về nhiệm vụ, thể thao Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu, nhưng xét về kỳ vọng thì lại chưa được như mong đợi. Vậy chúng ta đã làm gì?
Ngay sau khi kết thúc Asian Games 19, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã ráo riết chỉ đạo Cục Thể dục thể thao phải tổng kết tìm ra nguyên nhân vì sao kết quả không như kỳ vọng? Và sau đó, một Hội nghị được xem là Hội nghị Diên Hồng của ngành Thể thao đã được tổ chức tại Hà Nội để phân tích thực trạng, bàn các giải pháp phát triển, nâng cao thành tích của thể thao thành tích cao. Từ các ý kiến quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, HLV, VĐV, đại diện các Liên đoàn, Hiệp hội, địa phương, các nhà quản lý đã có thêm cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn để điều chỉnh chu trình huấn luyện cũng như định hướng cho sự phát triển của thể thao thành tích cao.
Một đỉnh cao đang chờ đợi Thể thao Việt Nam chinh phục trong năm nay chính là Olympic Paris 2024. Để dần hiện thực hóa mong ước về một nền thể thao ngày càng rút ngắn khoảng cách so với thế giới, chúng ta còn quá nhiều việc phải làm. Ngay trong những ngày cuối năm bận rộn nhưng các bộ phận chuyên môn của Cục Thể dục thể thao vẫn đang hối hả sắp xếp cho những kế hoạch tập huấn và thi đấu chuẩn bị cho đấu trường lớn. Và hy vọng, từ những sự hy sinh hết mình của đội ngũ HLV, VĐV, chuyên gia… từ sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành và toàn xã hội, Thể thao Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu có huy chương tại kỳ Đại hội lớn nhất thế giới này.
Khó nhưng không có nghĩa là không thể, và tin rằng, sức sống của mùa Xuân đang đợi chờ để Thể thao Việt Nam vươn lên thành những chồi non, lộc biếc, xanh mướt trong tương lai.
THU SÂM; ảnh: QUÝ LƯỢNG