Thất bại để trưởng thành
VHO - Đội tuyển Việt Nam đã không thể hoàn thành mục tiêu vượt qua vòng bảng VCK Asian Cup 2023, sau khi thua tối thiểu trước đội tuyển Indonesia tại lượt trận thứ hai bảng D. Đó là một kết quả buồn, gây nhiều tiếc nuối cho người hâm mộ, bởi trước đó “Những chiến binh sao vàng” đã thi đấu rất tốt trước đội bóng số 1 châu Á Nhật Bản.
Thất bại tại Asian Cup 2023 là bài học đắt giá cho tuyển Việt Nam trước khi chúng ta tái đấu Indonesia tại Vòng loại thứ hai World Cup 2026 Ảnh: TUẤN HỮU
Hành trình tại giải đấu số 1 châu lục đã kết thúc, nhưng bài học trước Indonesia vẫn còn nguyên giá trị. Đó là điều cần thiết cho toàn đội, đặc biệt là các cầu thủ trẻ để họ trưởng thành, qua đó có những thay đổi hướng đến 2 trận đấu với chính đối thủ này tại Vòng loại thứ hai World Cup 2026 vào tháng 3 tới.
Học cách chấp nhận thất bại
Trước tiên, người hâm mộ cần chấp nhận rằng tuyển Việt Nam là đội đầu tiên bị loại tại vòng bảng VCK Asian Cup 2023 dù vẫn còn 1 trận chưa đấu. Trận thua 0-1 trước Indonesia khiến tuyển Việt Nam chắc chắn xếp cuối bảng D dù đội có thắng Iraq bao nhiêu bàn vào ngày 24.1. Do chỉ số đối đầu trực tiếp được tính đầu tiên khi 2 đội bằng điểm, nên tuyển Việt Nam (0 điểm sau 2 trận) có thắng Iraq (6 điểm, chắc chắn nhất bảng) đậm bao nhiêu đi chăng nữa thì chúng ta vẫn bị loại vì đã thua cả Nhật Bản (3 điểm) và Indonesia (3 điểm). Như vậy, tuyển Việt Nam đã chấm dứt thành tích bất bại sau gần 8 năm trước Indonesia. Đây là trận thua thứ hai của HLV Troussier trước Indonesia từ khi lên dẫn dắt các đội tuyển bóng đá Việt Nam (lần đầu thua 2-3 ở SEA Games 32). Đó là một kết quả đáng buồn với HLV người Pháp và tuyển Việt Nam.
Nhưng người hâm mộ nên chấp nhận kết quả này, bởi Indonesia thi đấu tốt hơn trong trận cầu hôm 19.1. Đội bóng “xứ vạn đảo” với lứa cầu thủ U23 tài năng từng thi đấu tại AFF Cup 2021, Vòng loại World Cup 2022 lọt vào chung kết SEA Games 32 cùng dàn cầu thủ nhập tịch chất lượng, có chuyên môn, thể lực, thể hình tốt đã trình diễn bộ mặt khác hẳn so với những lần gặp nhau trong quá khứ. HLV Shin Tae Yong vẫn chỉ đạo học trò chơi lối chơi quen thuộc như những lần đối đầu với tuyển Việt Nam trước đây, đó là lối đá áp sát, không ngại va chạm và sẵn sàng phạm lỗi để phá lối chơi kỹ thuật của đối thủ. Tuyển Indonesia không thay đổi lối đá, nhưng họ đã cho thấy sự tiến bộ rõ rệt trong cách vận hành lối chơi cũ. Các học trò HLV Shin Tae Yong rất hiệu quả ở những pha tranh chấp, chơi bóng bổng tốt và thể lực vượt trội tuyển Việt Nam. Ở chiều ngược lại, dù cầm bóng nhiều hơn (58% so với 42%) nhưng tuyển Việt Nam gặp khó trong việc tiếp cận khung thành. Tuyển Việt Nam có số lần dứt điểm (11 so với 17) và sút trúng cầu môn (3 so với 5) đều thấp hơn đối thủ. Chúng ta thiếu ý tưởng tấn công, thiếu một thủ lĩnh và cá nhân có thể tạo đột biến. Minh chứng rõ nhất là các hậu vệ và tiền vệ chỉ phất bóng bổng vào vòng cấm đội bạn ở nửa cuối hiệp 2 và không tạo nhiều khó khăn cho hàng thủ to cao của đối phương.
Không phủ nhận tuyển Việt Nam đang có nhiều thay đổi dưới thời HLV Troussier nhưng có lẽ chúng ta cũng đang đánh mất đi tính ổn định, hiệu quả cùng sự đáng tin cậy của hàng thủ - những yếu tố từng làm nên thành công cho đội thời gian qua. Người hâm mộ hãy chấp nhận điều đó, hơn ai hết bản thân HLV Troussier và các cầu thủ là những người phải hiểu rõ nhất về điều này. Chỉ có vậy tuyển Việt Nam, đặc biệt là các cầu thủ trẻ mới tốt hơn, trưởng thành hơn.
Bài học cần thiết
Nhìn lại bàn thua duy nhất trong trận, kinh nghiệm là điều mà Thanh Bình và các đồng đội còn thiếu. Đây là một lỗi sơ đẳng, việc kéo áo trong khu vực cấm địa là điều tối kỵ đối với các hậu vệ, thế nhưng Thanh Bình vẫn lựa chọn nó. Đó là pha bóng không mấy nguy hiểm, cầu thủ Indonesia ít có khả năng tạo bất ngờ trong khi bên cạnh Thanh Bình còn có Xuân Mạnh nhưng trung vệ Việt Nam lại mắc sai lầm. Đó là bài học xương máu cho Thanh Bình cũng như các hậu vệ khác.
Tuyển Việt Nam nhận bàn thua từ một lỗi cá nhân nhưng chúng ta thất bại tổng thể vì thiếu ý tưởng, lối chơi không rõ ràng và không hiệu quả. Thực tế có một thực trạng đang diễn ra, đó là tuyển Việt Nam trong quá trình được làm mới (nhân sự, lối chơi, chiến thuật…) thì Indonesia lại tiến bộ rất nhanh. Chúng ta không dựa trên những kết quả trong quá khứ lẫn thứ hạng trên bảng xếp hạng thế giới (94 so với 146) để đánh giá, thực tế nhất vẫn là sự thể hiện trên sân. Tuyển Indonesia có thể không được tiếng nói lịch sử ủng hộ cũng như thứ hạng không tốt nhưng cái cách họ chuẩn bị, cách tiếp cận và vận hành lối chơi trong suốt trận đều tốt hơn chúng ta. Những Asnawi, Sulaeman, Jordi Amat, Pratama, Ernado Ari… từng thất bại trước các đội tuyển bóng đá Việt Nam tại AFF Cup 2021, Vòng loại World Cup 2022 và SEA Games 31 ở tuổi đôi mươi giờ đã trưởng thành, trở thành trụ cột của ĐTQG. Họ được dự báo sẽ còn tiến bộ nữa và cùng với dàn cầu thủ nhập tịch sẽ tạo nên một đội tuyển Indonesia đáng sợ hơn trong thời gian tới.
Những gì mà các cầu thủ Indonesia từng trải qua trước đây để bây giờ có được vị trí tại ĐTQG như ngày hôm nay, chính là bài học cần thiết cho các cầu thủ trẻ Việt Nam. Tại bán kết SEA Games 32 ở cấp độ U22, thầy trò HLV Troussier đã thất bại 2-3 trước Indonesia. Đó là trận đấu mà những Tuấn Tài, Minh Trọng, Thái Sơn, Văn Tùng, Văn Khang và Văn Trường cùng góp mặt. Thật trùng hợp là những cầu thủ này đều được ra sân trong trận đấu hôm 19.1. Đúng là họ (cùng các cầu thủ khác) tiếp tục thua, nhưng điều quan trọng là có rút ra cho mình bài học? Câu trả lời sẽ có trong những cuộc tái đấu vào tháng 3 tới với chính Indonesia tại Vòng loại thứ hai World Cup 2026 (sân chơi quan trọng nhất của tuyển Việt Nam trong năm nay) và cũng có thể là tại Asian Cup (tiền thân là AFF Cup) vào cuối năm nay.
VĨNH HY