Rộng đường về cho cầu thủ gốc Việt
VHO - Tại LPBank V.League 1 - 2024/2025, số lượng cầu thủ nước ngoài gốc Việt Nam được đăng ký và sử dụng sẽ tăng từ 1 lên 2 cầu thủ/đội bóng và ngay lập tức thị trường chuyển nhượng chứng kiến những thương vụ chiêu mộ cầu thủ Việt kiều đáng chú ý.
Cầu thủ gốc Việt đầu tiên ra sân tại A-League
Ngày 21.4.2024, tại vòng đấu áp chót giải vô địch quốc gia Australia (A-League), Perth Glory để thua Western United với tỷ số 3-4. Ngoài bữa tiệc bàn thắng mãn nhãn, giới quan sát dành nhiều sự chú ý một tài năng trẻ gốc Á bên phía Perth Glory. Tuy là trận đấu đầu tiên tại đội một và chỉ vào sân từ băng ghế dự bị trong khoảng 10 phút cuối trận, cầu thủ chạy biên có vóc dáng thấp đậm này vẫn ghi dấu ấn bằng lối chơi xông xáo và khả năng rê dắt bóng cực kỳ lắt léo. Theo thống kê, tài năng trẻ này tham gia 5 pha tranh chấp tay đôi đã thắng cả 5 và trong những phút ít ỏi anh chàng này hiện diện trên sân, có tới 2 bàn thắng được ghi.
“Khoa Ngo? Tôi không chắc cậu ta là người gốc Việt hay không, nhưng nếu đúng, cậu ta là cầu thủ gốc Việt đầu tiên xuất hiện tại A-League”, một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm của bóng đá Australia bình luận trên mạng xã hội. Qua tìm hiểu, Khoa Ngo chính xác là người gốc Việt. Cầu thủ này sinh năm 2006, mới chỉ 18 tuổi, trưởng thành từ chính học viện đào tạo cầu thủ trẻ của Perth Glory (PGFC Academy). Nhờ phong độ ấn tượng ở đội một PGFC Academy và đội U20, Khoa Ngo đã được gọi vào đội hình chính và hai lần được tung vào sân từ ghế dự bị để thử sức ở 2 vòng đấu cuối A-League 2023/2024. Đến cuối tháng 6 vừa qua, trong tiến trình chuẩn bị cho mùa giải mới 2024/2025, Khoa Ngo được Perth Glory ký hợp đồng mới có thời hạn 2 năm, theo diện học bổng. Đây là kiểu hợp đồng để đôn lên đội hình chính những cầu thủ trưởng thành đủ khả năng từ học viện và đã đến tuổi thi đấu chuyên nghiệp.
Đợt này, ngoài Khoa Ngo chỉ còn một cái tên khác của PGFC Academy được Perth Glory ký hợp đồng. Ông Stan Lazaridis, Giám đốc Bóng đá Perth Glory đánh giá: “Khoa là mẫu cầu thủ khiến người hâm mộ không thể ngồi yên trên ghế. Cậu ấy là cỗ máy tạo phấn khích, là chàng trai đáng mến, dũng cảm và mạnh mẽ, không bao giờ ngại đương đầu với đối thủ. Khoa có thể chơi tốt ở hai biên hoặc đá tiền đạo. Hy vọng cậu ấy sẽ có một mùa giải thành công trước mắt”. 18 tuổi, ký hợp đồng chuyên nghiệp cùng đội bóng A-League, tương lai của Khoa Ngo sẽ còn rất rộng mở.
Tài năng bóng đá gốc Việt còn rất nhiều
Bên cạnh Khoa Ngo, một cầu thủ gốc Việt khác cũng thu hút nhiều sự quan tâm của giới truyền thông trong thời gian qua là Nguyễn Quốc Khải. Tài năng trẻ sinh năm 2009 này đang khoác áo đội U15 RB Salzburg, đội bóng cũ của chân sút lừng lẫy Erling Haaland. Ngoài Khải và Khoa, không biết còn bao nhiêu tài năng bóng đá gốc Việt đang lẩn khuất đâu đó trên khắp thế giới.
Theo báo chí đưa tin, có không ít tài năng trẻ Việt kiều đang góp mặt tại các đội bóng lớn, có thể kể đến Jariyah Shah, cầu thủ thuộc biên chế U15 Manchester United; Đoàn Khắc Hải Lâm của U13 Bayern Munich; Brandon Ly ở U18 Burnley; Brett Phan là cái tên từng được triệu tập lên đội tuyển U16 Mỹ. Ngược về quá khứ, Lee Nguyễn là một trong hai cầu thủ gốc Việt nổi tiếng nhất thế giới, khi từng tung hoành tại giải Nhà nghề Mỹ (MLS) và có thời gian khoác áo Randers tại Đan Mạch. Cầu thủ gốc Việt còn lại rất nổi tiếng là Yohan Cabaye, cựu tuyển thủ Pháp. Cabaye có bà nội là người gốc Hải Phòng, Việt Nam. Một cái tên khác bí ẩn hơn là Hung Dang, từng khoác áo đội tuyển U16 Anh.
“Chắc chắn còn rất nhiều cầu thủ gốc Việt đang thi đấu trên khắp thế giới”, chuyên gia lão làng Steve Darby, nhà cầm quân nhiều năm gắn bó cùng bóng đá châu Á quả quyết. “Khá dễ dàng để xác định gốc gác qua tên tuổi, nếu cầu thủ ấy có bố là người gốc Việt. Truyền thống của người phương Tây là đứa con sinh ra không được lấy họ mẹ. Thế nên những thừa hưởng dòng máu Việt từ mẹ hoặc bà rất khó để nhận dạng (chẳng hạn như trường hợp Yohan Cabaye). Nhưng khó không phải là không thể. Internet đã mở ra nhiều con đường để kết nối, trong đó có con đường để những người xa xứ tìm về nguồn cội”. Từng dẫn dắt đội tuyển nữ giành tấm huy chương vàng SEA Games đầu tiên vào năm 2001 cũng như là chàng rể Việt Nam, ông Darby cảm nhận rất rõ văn hóa “lá rụng về cội của người Việt”.
Chỉ có lợi, không có hại
Thật khó để trả lời đích xác có bao nhiêu cầu thủ gốc Việt đang thi đấu trên khắp thế giới. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài có thể phần nào hình dung sự dồi dào của nguồn nhân lực này. Cụ thể, theo số liệu từ năm 2021, tức cách nay đã 3 năm, có khoảng hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, đang sinh sống, học tập, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là các nước phát triển. Kinh tế có mối liên hệ mật thiết với thể thao, đặc biệt là bóng đá. Các nền kinh tế phát triển thường có nền bóng đá phát triển. Đặc biệt tại khu vực châu Á, với nền tảng thể chất không thể sánh với người châu Phi, châu Mỹ hay châu Âu. Bằng chứng là thành công Nhật Bản hay Hàn Quốc đã và đang gặt hái, hoặc nỗ lực trỗi dậy của Saudi Arabia hay Qatar.
Một trong những chiến lược được các quốc gia này áp dụng nhằm rút ngắn thời gian phát triển là chính sách nhập tịch. Từ cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000, đội tuyển Nhật Bản đã có những cái tên đến từ Brazil như Wagner Lopes hay Alex. Hoặc minh chứng sống động nhất trong thời gian gần đây là sự thăng tiến vượt bậc của đội tuyển Indonesia. Sau khi thắng kiện để nhập tịch thành công thủ thành Maarten Paes hôm 19.8 vừa qua, HLV Shin Tae Yong của đội bóng này có thể xếp được cả đội hình gồm toàn cầu thủ nhập tịch. Nhờ sự hiện diện của những cầu thủ nhập tịch, bóng đá Indonesia đã lọt vào tới bán kết giải U23 châu Á cũng như giành vé dự giai đoạn 3, vòng loại World Cup 2026 và tiếp tục củng cố mục tiêu dự World Cup trong tương lai.
Bóng đá Việt Nam cũng đang có bước chuyển để khơi thông hành lang cho cầu thủ Việt kiều. Đơn cử quyết định nâng số lượng cầu thủ gốc Việt đăng ký trong danh sách các CLB tham dự V.League 2024/2025, từ 1 lên 2. Ngay sau đó, thị trường chuyển nhượng V.League lập tức chứng kiến những thương vụ chiêu mộ cầu thủ Việt kiều đáng chú ý. Đáng kể như hai trung vệ Việt kiều Mỹ có chiều cao gần 1m90 là Kyle Colonna và Zan Nguyễn lần lượt gia nhập Hà Nội FC và CLB TP.HCM; Jason Quang Vinh, hậu vệ biên từng thi đấu tại Ligue 2 đầu quân cho CAHN. Trước nữa, V.League cũng đã đón không ít cầu thủ Việt kiều trở về, và những cái tên như Đặng Văn Lâm, Filip Nguyễn hoặc Adriano Schmidt đều để lại dấu ấn rõ nét.
Theo chuyên gia Darby, việc nới rộng hành lang cho cầu thủ Việt kiều trở về chỉ có lợi chứ không có hại. Bởi lẽ những cầu thủ đến từ nền kinh tế và bóng đá phát triển không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn mà còn cung cấp thái độ thi đấu và tập luyện chuyên nghiệp vốn được vun đắp từ nhỏ. Họ sẽ là những tấm gương để cầu thủ trẻ noi theo. Ngoài ra, yếu tố gần gũi về huyết thống cũng đóng vai trò quan trọng. Đối với người Việt, hai chữ “đồng bào” thiêng liêng quá đỗi để luôn sẵn sàng mở lòng đón tiếp. Và như đã đề cập, còn rất nhiều tài năng bóng đá Việt đang lẩn khuất đâu đó trên khắp thế giới. Trong huyết quản của họ vẫn có phần dòng máu Việt, trong tâm thức họ vẫn có dải đất chữ S nằm hiền hòa bên bờ Biển Đông. Không phải ai cũng có khả năng vươn tới đỉnh cao nhưng có thể vẫn đủ tiềm năng để đóng góp bóng đá Việt Nam. Vậy nên khi quê hương mời gọi, chắc chắn họ sẽ tìm về.