“Quả ngọt” trong công tác xã hội hoá TDTT tại Bình Dương
VHO - Bình Dương thời gian gần đây nổi lên như một thành phố mới với nhịp phát triển các hoạt đông công nghiệp vô cùng sôi động, cùng với đó các hoạt động thể dục thể thao (TDTT) phục vụ đời sống xã hội cũng thu được những kết quả rất tích cực, trong những thành tựu ấy phải kể đến kết quả từ phong trào xã hội hóa TDTT tại Bình Dương.
Sau thành công tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014 với 8 HCV, 12 HCB và 22 HCĐ xếp vị trí 21/65 tỉnh, thành, ngành tham dự, lãnh đạo UBND tỉnh và Ngành TDTT Bình Dương sớm xác định để phát huy thành tích này trong những năm tiếp theo, đặc biệt là Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII, ngoài việc dùng ngân sách của tỉnh đầu tư cho các hoạt động TDTT thì cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa TDTT tại tỉnh nhà. Từ đó, phát triển sâu rộng thể thao quần chúng làm nền tảng để phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh.
Tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 vừa qua, đoàn thể thao Bình Dương tham dự với 64 HLV, săn sóc viên, kỹ thuật viên và 374 VĐV, tham gia thi đấu 27/43 môn thể thao tại Đại hội. Kết quả đạt được 107 huy chương gồm 29 HCV, 22 HCB, 56 HCĐ, vượt xa chỉ tiêu đề ra, Bình Dương xếp hạng 8/65 đơn vị tỉnh, thành, ngành trên cả nước tham gia Đại hội, là 1 trong 10 đơn vị có thành tích tốt nhất cả nước, được Bộ VHTTDL tặng Cờ xuất sắc.
Lễ khai mạc Đại hội TDTT tỉnh Bình Dương lần VI năm 2022
Từ chủ trương đó, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã tích cực vận động các công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, đơn vị sự nghiệp cùng tham gia. Cùng với sự chung tay của doanh nghiệp nhà nước và các công ty, doanh nghiệp, tư nhân,... Bình Dương đã huy động được các nguồn lực xã hội đáp ứng nhu cầu đa dạng, ngày càng tăng của nhân dân; hệ thống các cơ sở ngoài công lập bước đầu phát triển, đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu của xã hội; xuất hiện nhiều hình thức xã hội hóa với các phương thức hoạt động khác nhau ở cả khu vực công lập và ngoài công lập. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT hoạt đông tương đối hiệu quả, Bình Dương đã hình thành 11 tổ chức Hội, Liên đoàn thể thao cấp tỉnh hoạt động rất tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp TDTT tại địa phương trong thời gian qua.
Lãnh đạo UBND tỉnh và Ngành thể thao Bình Dương đã mạnh dạn khuyến khích các doanh nghiệp cùng chung tay gánh vác, đầu tư các môn thể thao khác nhau nhằm tạo đòn bẩy phát triển. Sau Becamex IDC đầu tư bóng đá, quần vợt; đến lượt Công ty Vật liệu xây dựng M&C đầu tư vào bóng chuyền; Tổng Công ty Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương Biwase đầu tư vào xe đạp Thể thao thành tích cao (nữ), Bóng bàn, Cầu lông; Công ty Nhựa Đạt Hòa đầu tư vào xe đạp nam,… Cùng với đó, các công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, người dân, một số đơn vị sự nghiệp khác cũng tích cực tham gia vào công cuộc xã hội hóa các hoạt động TDTT. Hàng loạt hồ bơi, nhà thi đấu cầu lông, bóng bàn và đặc biệt là sân bóng đá mini cỏ nhân tạo ra đời trên khắp các địa phương trong tỉnh đã giải quyết đáng kể nhu cầu tập luyện và thi đấu thể thao của người dân và thanh thiếu niên, công nhân lao động trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động tập luyện và thi đấu từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh ngày càng được hoàn thiện. Công trình thể thao của tỉnh đã có những đầu tư cơ bản. Cơ sở vật chất cấp huyện, thị xã, thành phố và xã phường, thị trấn trong tỉnh đều được đầu tư xây dựng tương đối với các công trình như sân bóng đá, nhà thi đấu, hồ bơi, các công trình thể thao từng môn.
Ở cấp huyện, thị xã, thành phố, có 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã hình thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao; Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thanh, trong đó có thành phố Tân Uyên, huyện Phú Giáo, thành phố Dĩ An, huyện Dầu Tiếng, huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên được đầu tư xây dựng các hạng mục công trình cơ bản.
Các thiết chế thể thao cấp xã tiếp tục được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho mỗi Trung tâm Văn hóa Thể thao và Học tập cộng đồng cấp xã từ 5-7 tỷ đồng/Trung tâm, cơ bản đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể thao, hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Hiện có 66/91 xã, phường có Trung tâm Văn hóa Thể thao và Học tập cộng đồng, trong đó có 28 Trung tâm được đầu tư xây dựng mới đạt chuẩn về diện tích, công năng, phù hợp với quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Công tác xã hội hoá TDTT trên địa bàn tỉnh luôn được đẩy mạnh và đạt kết quả đáng khích lệ. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình xã hội hóa, huy động được các nguồn lực xã hội đáp ứng nhu cầu đa dạng, ngày càng tăng của nhân dân. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT cấp tỉnh hoạt động tương đối hiệu quả, điển hình như: Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Xe đạp - mô tô Thể thao, Liên đoàn Vovinam, Liên đoàn Taekwondo, Hội Golf, Hội Thể dục dưỡng sinh, Liên đoàn Thể thao dưới nước,... hoạt động tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển sự nghiệp TDTT tại địa phương trong thời gian qua.
Giải vô địch Karate tỉnh Bình Dương năm 2023
Ở cấp huyện, thị nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư xây dựng sân chơi thể thao mới như hồ bơi, sân bóng đá, các phòng tập thể dục thẩm mỹ, thể hình,… với kinh phí đầu tư từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Ở cơ sở, một số nhà văn hóa có khuôn viên rộng đã chủ động huy động xã hội hóa đầu tư một số thiết bị tập luyện TDTT như: sân cầu lông, sân bóng đá,… phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân. Trong đó TP Dĩ An là một trong nhưng đơn vị điển hình. Cụ thể, TP Dĩ An đã thành lập 113 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, TDTT đang hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa, thể thao nơi đây được quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng mới như Trung tâm văn hóa, Nhà truyền thống, Công viên văn hóa suối Lồ Ồ, Trung tâm văn hóa - thể thao các phường Dĩ An, Tân Bình, An Bình, Bình Thắng và đang triển khai dự án Khu di tích Suối Mạch Máng - Sinh thái Hố Lang và cụm văn hóa - thể thao phường Đông Hòa. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 117 thiết chế văn hóa, thể thao tư nhân đầu tư đã cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, giải trí và rèn luyện sức khỏe của người dân. Nhiều trang thiết bị tập luyện TDTT ngoài trời được lắp đặt đã góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi, rèn luyện sức khoẻ của người dân.
Thông qua việc chỉ đạo xã hội hóa TDTT, huy động các doanh nghiệp, các đơn vị kinh tế, các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng cơ sở vật chất. Kết quả ban đầu cho thấy, nhiều sân bãi tập luyện, hồ bơi đã được đầu tư xây dựng tại các khu dân cư, trong khuôn viên các công sở, trường học, đặc biệt là sân bóng đá mini cỏ nhân tạo đã được hình thành khá phổ biến từ thành thị đến nông thôn, với gần 700 sân (216 cơ sở, điểm tập), góp phần vào việc nâng cao sức khỏe cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Toàn tỉnh có 1.062 cơ sở, câu lạc bộ TDTT (võ thuật, bida, bóng đá mini, thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ, khiêu vũ thể thao, bơi lội, yoga,...), góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện thể thao của nhân dân.
Ngoài ra, các doanh nghiệp như: Tổng Công ty Becamex IDC, Cty Cao su Dầu Tiếng, Cao su Phước Hòa, Cấp thoát nước và Môi trường, Vật liệu và Xây dựng Bình Dương, Công ty TNHH MTV xe lửa Dĩ An cũng đầu tư nguồn lực lớn để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao như Trung tâm Văn hóa thể thao, Nhà thi đấu đa năng, hồ bơi, Nhà Văn hóa, phòng truyền thống, sân bóng đá, bóng chuyền, … một số doanh nghiệp ở các Khu công nghiệp cũng quan tâm và chủ động đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao nội bộ như hội trường đa năng có sân khấu để biểu diễn văn nghệ, sân chơi một số môn thể thao phổ thông (bóng đá, bóng chuyền) để làm nơi cho công nhân sinh hoạt vui chơi, giải trí.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào TDTT quần chúng, nhiều nhân tố có năng khiếu được phát hiện và bồi dưỡng bổ sung vào các đội tuyển của tỉnh. Nhờ đó, trong 10 năm qua, thể thao thành tích cao của Bình Dương từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thể thao quốc gia. Điều đó được minh chứng rõ qua các kỳ Đại hội thể thao toàn quốc; các giải Vô địch quốc gia.
Bài, ảnh: VĂN CAO