Phát triển thể thao chuyên nghiệp, hướng đến sân chơi đỉnh cao

VHO- Trong nhiều năm qua, tỉnh Khánh Hòa chú trọng công tác tuyển dụng, tuyển chọn và đào tạo tài năng thể thao ở các bộ môn thành tích cao như bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, các môn điền kinh, karatedo, taekwondo, thể dục thể hình, khiêu vũ thể thao,… theo định hướng chuyên nghiệp, hướng đến sân chơi quốc gia và quốc tế.

Phát triển thể thao chuyên nghiệp, hướng đến sân chơi đỉnh cao - Anh 1

 Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tại Lễ ký kết tài trợ và xuất quân của Khánh Hòa FC

 Quan tâm đầu tư phát triển thể thao

Khánh Hòa được quy hoạch là một trong số các địa phương có trung tâm thể thao trọng điểm theo “Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật thể dục thể thao quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được phê duyệt và theo quyết định 1752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, những năm gần đây, thể thao thành tích cao của Khánh Hòa được chú trọng đầu tư và phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, thể thao thành tích cao đã có sự đầu tư và phát triển tăng về số môn (tăng từ 9 lên 13 bộ môn), trong đó có 5 bộ môn thể thao trọng điểm loại 1: Bóng bàn, karatedo, taekwondo, điền kinh, cử tạ; 6 bộ môn thể thao trọng điểm loại 2: Bóng đá, bóng chuyền, thể dục thể hình, khiêu vũ thể thao, vovinam, võ cổ truyền; hai bộ môn thuộc nhóm môn khuyến khích phát triển: Kick boxing, muay.

Qua công tác tuyển chọn hằng năm, đến nay, các đội tuyển thể thao thành tích cao đã tuyển được 54 huấn luyện viên, đào tạo và huấn luyện 566 vận động viên. Tổ chức đào tạo cho 22 đội tuyển, gồm bóng đá các lứa: U11, U13, U15, U17, U19, U21; bóng đá bãi biển; bóng chuyền trong nhà; bóng chuyền bãi biển; taekwondo; karatedo; kick boxing; võ cổ truyền; vovinam; muay; bóng bàn; điền kinh; cử tạ khiêu vũ thể thao; thể dục thể hình…

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo, tập luyện của các đội tuyển thể thao thành tích cao được đầu tư theo kế hoạch, đáp ứng tốt nhất nhu cầu tập luyện. Hiện tỉnh Khánh Hòa có 2 khu huấn luyện, 1 nhà tập đa năng, 1 sân tennis, 1 nhà điều hành và hồ bơi, 1 đường piste 6 làn, 2 sân cỏ bóng đá, 2 khu nội trú với công suất 250 giường và các trang thiết bị hỗ trợ tập luyện, một số công trình chức năng phụ trợ khác.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa thể thao, tỉnh Khánh Hòa đã thu hút được 10 dự án phát triển thể thao với hơn 150 cụm sân bãi tập luyện và thi đấu, tập trung chủ yếu ở một số môn: Cầu lông, bóng bàn, bóng đá cỏ nhân tạo, gofl, bơi, quần vợt... với tổng giá trị đầu tư trên 500 tỉ đồng.

Phát triển thể thao chuyên nghiệp, hướng đến sân chơi đỉnh cao - Anh 2

Đội bóng đá Khánh Hòa FC làm lễ ra quân tại V.League 2023

Hướng tới các giải đấu chuyên nghiệp, đỉnh cao

Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa cho biết: Thông qua Quy chế tuyển chọn, quản lý và sử dụng vận động viên rất chặt chẽ, Trung tâm huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh Khánh Hòa (Sở VHTT Khánh Hòa) xây dựng, tham mưu kế hoạch tuyển chọn vận động viên, loại bỏ những vận động viên không đáp ứng được năng lực chuyên môn trong tập luyện và thi đấu ra khỏi trung tâm, tinh gọn lực lượng vận động viên có chất lượng chuyên môn cao, đáp ứng nhu cầu đào tạo, huấn luyện của các đội tuyển.

Việc huấn luyện, tập huấn các đội tuyển thường xuyên được tổ chức thi đấu tại Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao, đồng thời cử đi tập huấn tại một số tỉnh, thành, ngành có phong trào thể thao phát triển mạnh như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quân đội, Công an nhân dân... Một số vận động viên được tập trung đội tuyển quốc gia, tham gia tập huấn và thi đấu dài ngày ở các nước có nền thể thao phát triển mạnh như: Vận động viên đội tuyển taekwondo, điền kinh, bóng chuyền...

Qua đào tạo, toàn tỉnh hiện có gần 300 trọng tài, huấn luyện viên thể thao cấp tỉnh (các bộ môn), 50 trọng tài thể thao cấp quốc gia, quốc tế (các bộ môn). Hằng năm, Sở VHTT cử từ 5 - 10 huấn luyện viên, trọng tài xuất sắc tham gia các lớp đào tạo, tập huấn huấn luyện viên, trọng tài cấp quốc gia, góp phần xây dựng lực lượng trọng tài, huấn luyện viên cho phong trào thể dục thể thao của tỉnh. Bên cạnh đó, hằng năm một số hội thao cấp tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo huấn luyện viên, trọng tài cơ sở.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh có trên 230 vận động viên, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ đào tạo vận động viên để tham dự các giải vô địch quốc gia, quốc tế. Trung bình mỗi năm tham dự hơn 70 giải thể thao (quốc gia, quốc tế) đạt trên 250 bộ huy chương các loại (50 vàng, 70 bạc, 130 đồng), có trên 50 vận động viên đạt cấp I, 30 vận động viên đạt cấp kiện tướng quốc gia. Trong đó, đáng chú ý có đội bóng chuyền nằm trong tốp nhóm xếp hạng dẫn đầu từ 1-3 toàn quốc, đội việt dã liên tục nhiều năm liền vô địch quốc gia; đội tuyển điền kinh, karatedo, taekwondo, bóng chuyền, bóng bàn… luôn đóng góp nhiều huấn luyện viên, vận động viên xuất sắc cho đội tuyển quốc gia. Trong đó, đội tuyển điền kinh đóng góp vận động viên đoạt 3 huy chương vàng và đội tuyển bóng bàn đóng góp huấn luyện viên huấn luyện đội tuyển đoạt huy chương vàng tại SEA Games năm 2019; đội thể dục thể hình đóng góp vận động viên đoạt 2 huy chương vàng thế giới (năm 2016 và năm 2019)…

“Đặc biệt, đội bóng đá Khánh Hòa trải qua những năm tháng thăng trầm “chìm nổi”, với biệt danh “đội bóng ngổ ngáo”, hay “vua trụ hạng”, nay đã thăng hạng cao nhất để vươn lên sân chơi V.League 2023. Hy vọng lần trở lại này, đội sẽ thi đấu tốt và đem lại niềm vui cho người hâm mộ”, ông Nguyễn Tuấn Thanh chia sẻ.

Nói về những khó khăn hiện tại, ông Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, hiện nay, một số hạng mục, trang thiết bị đầu tư cho công tác huấn luyện, đào tạo vận động viên ở một số bộ môn vẫn còn thiếu, như: Nhà tập và trang thiết bị chuyên nghiệp dành cho đội cử tạ, hố chạy vượt chướng ngại vật của bộ môn điền kinh, giáp điện tử của bộ môn taekwondo... Một số hạng mục tại các địa điểm tập luyện chưa được hoàn thiện, cụ thể: Phòng tập thể lực (thiếu diện tích và thiếu trang thiết bị tập luyện), sân tập điền kinh (thiếu hố nước vượt chướng ngại vật)... hoặc một số hạng mục tuy có đầu tư nhưng không đáp ứng được yêu cầu trong công tác huấn luyện (hồ bơi 25m), dẫn đến không khai thác sử dụng được, không phát huy được hiệu quả đầu tư, gây ra tình trạng xuống cấp, lãng phí… Hy vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, thể thao Khánh Hòa khắc phục khó khăn, đạt được nhiều thành tích hơn nữa. 

THANH HÒA

Ý kiến bạn đọc