Nỗ lực diệu kỳ

VHO- “Trong trận đấu mở màn tại bảng E, vòng chung kết World Cup nữ 2023, đội tuyển Mỹ đã áp đảo đội tuyển nữ Việt Nam về mọi mặt, trừ bảng tỷ số”. Đó là những gì tờ New York Times phải thừa nhận và không thể lý giải nổi khi chứng kiến sự quật cường của “Những nữ chiến binh sao vàng”.

Nỗ lực diệu kỳ - Anh 1

 Kim Thanh và đồng đội đã có một trận đấu tuyệt vời Ảnh: VFF

“Trăm nghe không bằng một thấy”

Cổ nhân có câu “Trăm nghe không bằng một thấy”. Phàm mọi sự vật, sự việc trên đời đều phải tận mắt chứng kiến mới hiểu rõ được bản chất vấn đề. Trước khi tuyển nữ Việt Nam bước vào cuộc chạm trán với đội tuyển Mỹ, giới chuyên môn lẫn truyền thông đề cập rất nhiều đến chênh lệch trình độ giữa hai đội, nhưng thực tế chỉ đến khi bóng lăn mới cảm nhận hết khó khăn thầy trò Mai Đức Chung phải đương đầu. Với vị thế nhà đương kim vô địch, đội bóng mạnh nhất hành tinh, các cầu thủ Mỹ vượt trội hoàn toàn các cô gái nhỏ bé của chúng ta về hình thể, sức mạnh, sức bền hay tốc độ và kỹ chiến thuật.

Sự vượt trội ấy được thể hiện rõ rệt qua thế trận và những số liệu thống kê. Tuyển nữ Mỹ cầm bóng tới 67%, nôm na 2/3 thời lượng bóng lăn nằm trong chân các nhà ĐKVĐ thế giới. Tỷ số tạt bóng là 37-3. Tỷ số dứt điểm là 28-0. Đồng nghĩa tuyển nữ Việt Nam không có lấy một mảy may cơ hội uy hiếp khung thành đối phương. Thầy trò Mai Đức Chung cũng không giữ sạch mành lưới được quá lâu. Đồng hồ điểm phút 14, mành lưới thủ môn Kim Thanh đã rung lên sau tình huống dàn xếp tấn công đẳng cấp cao. Một đường lên bóng trung lộ vỗ mặt, trung phong Alex Morgan làm tường bằng pha giật gót điệu nghệ và ngôi sao trẻ Sophia Smith băng lên như một cơn lốc để dứt điểm chéo góc uy lực. Rất nhiều lần khác trong trận đấu này, tuyển Mỹ phối hợp ở đẳng cấp chót vót ấy.

Đến hết hiệp 1, tuyển nữ Việt Nam bị dẫn 2-0. Quay ngược thời gian trở về 4 năm trước một chút, tại World Cup 2019, trong trận đấu có cách biệt lớn nhất lịch sử giải đấu, Thái Lan cũng “chỉ” bị Mỹ dẫn 3-0 sau hiệp đấu đầu tiên. Sang hiệp 2, đại diện của xứ Chùa vàng mới nhận thêm 10 bàn thua nữa để kết thúc trận đấu với tỷ số chung cuộc 13-0. Vậy nhưng, bằng một cách kỳ diệu nào đó, khi trọng tài nổi hồi còi mãn cuộc, sau hơn 100 phút tính cả bù giờ, “Những nữ chiến binh sao vàng” chỉ nhận thêm 1 bàn thua. Tỷ số là 3-0.

Màn trình diễn quật cường

Trước đối thủ mạnh nhất có thể, HLV Mai Đức Chung chọn lối chơi phòng ngự qua sơ đồ 5-4-1. Các cô gái áo đỏ bị đẩy sâu về phần sân nhà khi tuyển Mỹ lựa chọn lối chơi kiểm soát bóng và thao túng không gian qua sơ đồ 4-3-3. Tuy nhiên, như trung phong số một của đội tuyển Mỹ, Alex Morgan thừa nhận: “Đội tuyển nữ Việt Nam ở trận đấu này là một thử thách thực sự đối với chúng tôi. Họ nỗ lực áp sát để gây ra nhiều khó khăn cho chúng tôi trong các pha triển khai tấn công. Tôi thấy đội tuyển nữ Việt Nam có tinh thần thi đấu tốt, họ là một tập thể có tính gắn kết rất cao”.

Trong khi đó, HLV Vlatko Andonovski ca ngợi đối thủ: “Chúng tôi đã nghĩ Việt Nam chơi phòng ngự. Tôi không ngạc nhiên. Nhưng ngay cả khi lường trước như vậy thì các cầu thủ Mỹ vẫn gặp nhiều khó khăn, trước một Việt Nam được tổ chức rất tốt trong phòng ngự. Thật khó để đưa ra cái tên nào trong đội hình ĐT nữ Việt Nam mà tôi ấn tượng nhất. Tôi cho rằng Việt Nam đã thi đấu với một tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao độ”.

Ấn tượng về tinh thần thi đấu và sự quật cường của các tuyển thủ nữ Việt Nam được ghi nhận không chỉ bởi những người trong cuộc. Truyền thông quốc tế, đặc biệt là báo chí Mỹ cũng dành nhiều mỹ từ ngợi khen cho thầy trò Mai Đức Chung. Đầu tiên là pha cản phá phạt trên của thủ thành Trần Thị Kim Thanh. Đối diện với Kim Thanh trong quả đá 11m là Alex Morgan, huyền thoại được ví như “Messi của bóng đá nữ”. Cây bút Ben Shpigel trầm trồ trên tờ New York Times: “Thật bất công nếu cho rằng thủ môn của đội tuyển Việt Nam đoán đúng hướng sút. Cô ấy biết hướng Morgan sút trước cả Morgan”. Ký giả Juliet Macur tiếp lời: “Ben, bạn nói đúng. Không hiểu Trần Thị Kim Thanh nghĩ gì khi chạm mặt với Morgan trên chấm phạt đền. Đương đầu với một trong những cầu thủ nữ vĩ đại nhất lịch sử chẳng hề dễ dàng”. Chưa dừng lại, Ben Shpigel tiếp tục: “Hãy lắng nghe tôi kể: Phải chăng cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu này là thủ thành Trần Thị Kim Thanh của tuyển nữ Việt Nam? Cô ấy cản phá một quả phạt đền, đẩy được 5 pha dứt điểm khác và với chiều cao khiêm tốn 5 foot 5 (1m65), cô ấy thường xuyên đấm bóng trong các pha phạt góc và tình huống cố định. Tuyển Mỹ có thể ghi 10 bàn, nhưng vì Kim Thanh chỉ có 2 cầu thủ ghi bàn”.

Sự xuất sắc của Kim Thanh là điều miễn bàn cãi. Những pha cứu thua của cô đã tiếp thêm sự tự tin cho các đồng đội, không chỉ cho trận đấu với đội tuyển Mỹ mà cả trên hành trình còn đầy chông gai sắp tới. Tất nhiên, không thể không ngợi khen tinh thần chiến đấu quật cường của các đồng đội của Kim Thanh. Andrew Das, một ký giả khác của New York Times đã viết: “Hãy thử hình dung bạn là cầu thủ đội tuyển Việt Nam. Bạn đã vắt kiệt sức trong suốt một giờ đồng hồ và bây giờ, khi sự mệt mỏi đang ập đến, bạn thấy bên ngoài sân, Rapinoe và Lavelle đang khởi động để sắp sửa vào sân”.

Không chỉ người hâm mộ Việt Nam, ngay cả những cây bút nước ngoài dường như cũng không hiểu nổi tại sao “Những nữ chiến binh sao vàng” lại không vỡ trận. Tinh thần thi đấu quật cường ở các cô gái nhỏ bé ấy thật khó để lý giải. Hình ảnh mang tính biểu trưng là khoảnh khắc các cô gái của chúng ta nằm sân. Họ gục xuống sau tình huống càn lướt hoặc tranh chấp tay đôi. Càng về cuối trận, tần suất các tuyển thủ nữ Việt Nam nằm sân càng nhiều. Nhưng, các cô gái áo đỏ không hề ăn vạ hay câu giờ. Họ kiệt sức vì thua thiệt thể hình, thể lực và đã gồng mình đeo bám đối phương suốt trận đấu. Và rồi họ đứng dậy, lại lao vào tả xung hữu đột với đối phương như thể chưa từng gục xuống. Hình ảnh ấy đẹp gấp vạn mỹ từ trên thế gian.

 NGỌC TRUNG

Ý kiến bạn đọc