Những phản ứng trái chiều trên sân Pleiku

KHẢI HƯNG

VHO - Tình huống không công nhận bàn thắng của Trần Minh Vương trong trận HAGL gặp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đã thổi bùng tranh cãi trên sân Pleiku (Gia Lai).

 Phản ứng dữ dội từ ban huấn luyện HAGL và dư luận buộc các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, đặt ra nhiều câu hỏi về VAR và văn hóa ứng xử trong bóng đá chuyên nghiệp.

Những phản ứng trái chiều trên sân Pleiku - ảnh 1
Tình huống tranh chấp gây tranh cãi trong trận HAGL và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh

 Từ tình huống tranh cãi đến sự cố trong phòng trọng tài

Phút 21 của trận đấu, Trần Minh Vương đã đưa bóng vào lưới Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sau pha xử lý kỹ thuật vượt qua thủ môn Thanh Tùng. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, vì trọng tài không công nhận bàn thắng sau khi tham khảo VAR.

Lý do được đưa ra là Dụng Quang Nho đã có hành vi tác động vào chân trụ của Huỳnh Tấn Tài trong tình huống tranh chấp bóng, qua đó tạo ưu thế dẫn đến bàn thắng.

Theo luật bóng đá quốc tế, mọi hành vi tác động vào cầu thủ đối phương làm ảnh hưởng đến khả năng chơi bóng đều được xem là phạm lỗi.

Cựu trọng tài Dương Văn Hiền nhận định rằng, tình huống này đủ cơ sở để trọng tài từ chối bàn thắng và VAR đã được sử dụng đúng quy trình. Quyết định được cho là tuân thủ đúng Điều 12 trong Luật Bóng đá về các lỗi vi phạm.

Ngay sau trận đấu kết thúc với tỷ số 0-1 nghiêng về đội khách, lãnh đạo CLB HAGL đã không giấu được sự bức xúc. HLV trưởng Lê Quang Trãi cho biết ông không đồng tình với quyết định của trọng tài, khẳng định pha phạm lỗi là “không rõ ràng” và sẽ khiếu nại lên Ban tổ chức giải đấu.

Ông cũng cho rằng trọng tài đã tước đi một bàn thắng hợp lệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cục diện trận đấu và tâm lý các cầu thủ.

Trên fanpage chính thức, HAGL liên tục cập nhật các bài viết liên quan đến sự việc, cho rằng đội bóng đã bị xử ép và yêu cầu công lý từ giới trọng tài. Điều này lập tức tạo ra làn sóng phản ứng trong cộng đồng người hâm mộ.

Không ít cổ động viên đứng về phía đội bóng phố núi, cho rằng VAR đang bị sử dụng một cách “máy móc” và gây bất lợi cho các đội bóng nhỏ. Ngược lại, nhiều ý kiến khác cho rằng trọng tài đã làm đúng nhiệm vụ, và HAGL nên chấp nhận thực tế thay vì phản ứng quá đà.

Cao trào của sự việc diễn ra sau tiếng còi mãn cuộc. Theo tổ trọng tài, Giám đốc kỹ thuật Vũ Tiến Thành và Trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh của HAGL đã vào thẳng phòng trọng tài để chất vấn về quyết định gây tranh cãi.

Một số nguồn tin cho biết ông Vũ Tiến Thành đã có những phát ngôn thiếu kiềm chế và không phù hợp, gây nên không khí căng thẳng tại khu vực hậu trường.

Tuy nhiên, phía CLB HAGL bác bỏ cáo buộc này. Ông Nguyễn Tấn Anh khẳng định rằng hành động vào phòng trọng tài chỉ nhằm mục đích trao đổi thông tin, không hề có lời lẽ xúc phạm hay gây áp lực. “Chúng tôi chỉ muốn làm rõ quyết định, không hề có ý gây rối hay thiếu tôn trọng ai cả”, ông Nguyễn Tấn Anh nói.

Cần hơn sự chuyên nghiệp

Trưởng ban Trọng tài VFF Đặng Thanh Hạ cho biết, mọi tình huống liên quan đến trận đấu đã được tổ trọng tài, giám sát trọng tài và giám sát trận đấu ghi nhận đầy đủ.

“Theo báo cáo, tình huống dẫn đến bàn thắng bị từ chối là hoàn toàn đúng luật. Cầu thủ Dụng Quang Nho đã đá vào chân trụ của đối phương và đó là một pha phạm lỗi rõ ràng”, ông nhấn mạnh.

Ông Hạ cũng cho biết, những hành động xâm nhập phòng trọng tài sẽ được Ban Kỷ luật xem xét kỹ lưỡng. Theo Điều 40 Quy định Kỷ luật của VFF, hành vi xúc phạm, đe dọa hoặc xâm phạm khu vực làm việc của trọng tài có thể bị phạt từ 10 - 25 triệu đồng và đình chỉ làm nhiệm vụ từ 3 - 6 trận.

Trưởng ban Kỷ luật VFF ông Vũ Xuân Thành xác nhận sẽ tiến hành họp trong đầu tuần tới để đưa ra quyết định cuối cùng.

Dù trận đấu đã khép lại, nhưng dư âm từ tình huống gây tranh cãi vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trên các diễn đàn và mạng xã hội, người hâm mộ vẫn tranh luận gay gắt, chia sẻ clip quay chậm, so sánh với các tình huống tương tự trong và ngoài nước.

Nhiều chuyên gia nhận định, tình huống lần này là “bài kiểm tra” thực sự cho cách thức vận hành VAR tại V.League, trong bối cảnh hệ thống này vẫn đang ở giai đoạn hoàn thiện và đội ngũ trọng tài còn nhiều áp lực từ phía các CLB cũng như dư luận.

Sự việc trên sân Pleiku một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về văn hóa ứng xử trong thể thao chuyên nghiệp. Dù VAR đã góp phần nâng cao tính công bằng, nhưng cách hành xử của các đội bóng, đặc biệt là những người có vai trò lãnh đạo, cũng cần được kiểm soát nghiêm túc.

Để nâng cao hình ảnh và chất lượng bóng đá Việt Nam, điều cần thiết là các đội bóng, trọng tài và ban tổ chức cùng tuân thủ quy trình, tôn trọng lẫn nhau và đặt tinh thần thể thao lên hàng đầu.

Việc sử dụng công nghệ như VAR là tiến bộ, nhưng chỉ có hiệu quả nếu được đồng hành bởi sự chuyên nghiệp và ứng xử văn minh từ tất cả các bên.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc