Người muốn đưa Lân, Sư, Rồng Việt Nam ra thế giới

THU SÂM

VHO - Trở về từ chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2024, TS Phạm Quang Long - Chủ tịch Liên đoàn Lân, Sư, Rồng Việt Nam vẫn chưa hết niềm vui và tự hào khi nét văn hóa của Việt Nam được bạn bè quốc tế đón nhận.

 Người muốn đưa Lân, Sư, Rồng Việt Nam ra thế giới - ảnh 1
Hình ảnh Rồng thời Lý được phục dựng một cách tỉ mỉ

 Để lại ấn tượng sâu đậm với bạn bè quốc tế

Đây là chương trình được tổ chức tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil nhân kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Brazil. “Thật vinh dự khi Liên đoàn Lân, Sư, Rồng Việt Nam và Trường IVS được cử đội tuyển biểu diễn tại chương trình với chủ đề đầy ý nghĩa: Hội tụ tinh hoa ngàn năm - Vươn mình trong kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng nhằm quảng bá và tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Việt Nam đến với bạn bè Brazil và quốc tế; mang đến những góc nhìn mới, đa chiều về các di sản văn hóa nghìn năm của dân tộc Việt Nam; khẳng định bản sắc văn hóa riêng biệt và thể hiện khát vọng hội nhập, phát triển của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa”, TS Phạm Quang Long chia sẻ.

Tại sự kiện, màn trống hội rộn ràng kết hợp với múa võ cổ truyền Vovinam với những thế võ uyển chuyển, mạnh mẽ trên nền trống hào hùng, khí thế để lại dấu ấn khó phai trong lòng công chúng sở tại. Đặc biệt, đội tuyển quốc gia thuộc Liên đoàn lân sư rồng Việt Nam lần đầu giới thiệu đến bạn bè quốc tế tiết mục múa rồng Tứ Linh tái hiện hình ảnh những con rồng thời Lý - một trong những nét tinh hoa văn hóa gắn bó mật thiết với đời sống của người Việt Nam từ xưa tới nay, nhận được những tràng pháo tay vang dội từ bạn bè quốc tế.

Trong thời khắc đó ở một nơi cách xa Tổ quốc hàng ngàn cây số, âm vang tiếng trống dân tộc hòa quyện với hình ảnh Rồng truyền thống Việt Nam cùng màn biểu diễn võ thuật và múa cờ được lớp thế hệ trẻ tương lai của Việt Nam thể hiện khiến ai nấy đều tự hào. “Khi đó trong lòng chúng tôi đều ngân vang lên niềm tự hào: Việt Nam hùng cường là đây, Việt Nam vươn mình mạnh mẽ bởi sức trẻ, nhiệt huyết và tình yêu quê hương, đất nước là đây! Và chúng tôi càng thấm sâu giá trị văn hóa ngàn đời của dân tộc để tự tin tỏa sáng ở xứ bạn. Qua màn biểu diễn này, điều chúng tôi muốn lan tỏa là hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, với nền văn hóa bền vững, trường tồn qua thời gian là nền móng cho lớp lớp thế hệ hướng tới xây dựng một tương lai đầy khát vọng vươn xa cùng bạn bè quốc tế”, Chủ tịch Liên đoàn Lân, Sư, Rồng chia sẻ.

 Người muốn đưa Lân, Sư, Rồng Việt Nam ra thế giới - ảnh 2
Màn biểu diễn đặc sắc của đội tuyển Lân, Sư, Rồng Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh với người dân Brazil

Và tâm huyết của những người muốn lan tỏa văn hóa Việt Nam

Để có một hành trình ấn tượng góp phần lan tỏa văn hóa Việt Nam này, đội tuyển Lân, Sư, Rồng Việt Nam đã có một quá trình chuẩn bị công phu, đầy tỉ mỉ. “Hoạt động biểu diễn Lân, Sư, Rồng ở Việt Nam đang rất phát triển, song thực tế đáng buồn là con Lân lại mang hình dáng ngoại lai. Vì thế, chúng tôi đã phục dựng hình ảnh rồng thời Lý (mũi hình lá đề) và lân (lông mày hình cá chép, được múa dịp Trung thu cùng tiến sĩ giấy, mong con trẻ học hành đỗ đạt)”, tiến sĩ Phạm Quang Long chia sẻ thêm.

Để biểu diễn Lân, Sư, Rồng tại Brazil, ông Phạm Quang Long cũng cho biết, ngoài đội tuyển quốc gia đã được Liên đoàn chọn lựa kỹ lưỡng, các phần hiệu ứng kèm theo như âm nhạc cũng được phối khí sao cho mang đậm chất âm nhạc truyền thống. “Chẳng hạn như với trống biểu diễn, chúng tôi cũng chuẩn bị để trống mang bản sắc của người Việt Nam, trống được làm từ gỗ mít, được cố định bằng đinh làm từ tre già, mặt trống bịt da trâu nên nghe tiếng trống cũng khác tiếng trống thông thường. Ngay từ cách đánh trống tới trang phục biểu diễn chúng tôi cũng nghiên cứu sao cho đậm chất văn hóa Việt Nam, không lẫn, không pha tạp với văn hóa khác. Múa Lân, Sư, Rồng Việt Nam có lịch sử hàng nghìn năm, đã được mô tả trong các bức tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống. Vì thế chúng tôi phải phục dựng sao cho thuần Việt”, TS Phạm Quang Long chia sẻ.

Thông qua các tiết mục biểu diễn, đội tuyển Lân, Sư, Rồng đã góp phần lồng ghép khéo léo những câu chuyện để kể về lịch sử mấy ngàn năm văn hóa Việt. Từ cái nôi trăm trứng của con Lạc, cháu Hồng đến những giai đoạn hiên ngang, mạnh mẽ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước rồi tưng bừng cờ, hoa, trống hội mừng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của cả dân tộc. Cùng với đó là những nét văn hóa bình dị mà tinh tế trong đời sống hằng ngày như nón lá, múa Rối nước, tranh Đông Hồ, cà phê... “Đó chính là cầu nối để bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về Việt Nam, để văn hóa dân tộc Việt Nam luôn bền vững, trường tồn qua thời gian, là nền móng cho lớp lớp thế hệ hướng tới một tương lai đầy khát vọng vươn xa”, TS Phạm Quang Long tâm huyết.

Ông cũng vui mừng chia sẻ sau thành công tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX, dự kiến môn Lân, Sư, Rồng sẽ được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X, tổ chức tại TP.HCM vào năm 2026. “Hy vọng môn này sẽ tiếp tục nhận được sự tới xem, cổ vũ nhiệt tình của nhân dân. Đồng thời qua Đại hội, sẽ góp phần nâng cao nhu cầu hưởng thụ về văn hóa, thể thao cho người dân và môn Lân, Sư, Rồng sẽ thực sự góp phần tạo nên bầu không khí lễ hội của sự kiện thể thao lớn, được tổ chức nhằm hướng tới mục tiêu chăm lo sức khỏe cho người dân Việt Nam”, Chủ tịch Liên đoàn Lân, Sư, Rồng chia sẻ. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc