Vụ cháy xe đạp của đội tuyển Việt Nam:

Nên mua bảo hiểm cho các trang thiết bị đắt tiền

THU SÂM

VHO - Ngày 5.2, một sự việc chưa từng có trong lịch sử các giải đua xe đạp châu Á đã xảy ra khi xe tải của ban tổ chức vận chuyển xe và toàn bộ trang thiết bị thi đấu của đội tuyển xe đạp Việt Nam dự Giải vô địch xe đạp đường trường châu Á, bị cháy rụi. Sự cố bất khả kháng này khiến chúng ta phải suy ngẫm nhiều.

Nên mua bảo hiểm cho các trang thiết bị đắt tiền - ảnh 1
Xe tải chở xe đạp của tuyển Việt Nam bị bốc cháy khiến toàn bộ xe của đội tuyển bị cháy rụi

 Cục TDTT và ban huấn luyện đã kịp thời xử lý

Trong lịch sử thi đấu của đội tuyển xe đạp Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung, đây là sự cố chưa từng xảy ra. Theo thông lệ, khi các đội tuyển đến sân bay của nước chủ nhà, ban tổ chức sẽ bố trí xe riêng chuyên chở HLV, VĐV và xe riêng chuyên chở dụng cụ thi đấu. Hành trình của đội tuyển Việt Nam tại giải đấu này cũng giống như các giải đấu lớn quốc tế và các đại hội thể thao khác.

Sau khi đến sân bay Bangkok (Thái Lan), đoàn Việt Nam gồm cán bộ, HLV, VĐV lên xe bus của ban tổ chức để về địa điểm thi đấu. Còn dụng cụ thi đấu gồm xe đạp, bánh dự phòng, giày, mũ được ban tổ chức vận chuyển bằng xe tải. Đây cũng là chiếc xe đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của ban tổ chức. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà xe tải bỗng bị bốc cháy trên quãng đường từ sân bay về địa điểm thi đấu. Nhiều người đồn đoán rằng bình xăng xe bị nổ nên đã bốc cháy dữ dội, khiến cho 29 chiếc xe của đội tuyển xe đạp Việt Nam cùng toàn bộ các trang thiết bị khác bị cháy rụi.

Ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng phòng thể thao thành tích cao I cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về sự việc, ông đã chỉ đạo Trưởng đoàn xe đạp Việt Nam là Tổng thư ký Liên đoàn Xe đạp - Moto thể thao Việt Nam, Phụ trách môn Xe đạp, Cục Thể dục thể thao Nguyễn Ngọc Vũ khẩn trương liên hệ và phối hợp với ban tổ chức để khắc phục và xử lý dụng cụ cho các VĐV có thể thi đấu theo đúng lịch trình của ban tổ chức.

Liên đoàn Xe đạp Thái Lan cũng đã chuẩn bị 27 xe đạp cho đội tuyển Việt Nam và Liên đoàn Xe đạp - Moto thể thao Việt Nam cũng sẽ chuyển thêm xe từ Việt Nam sang Thái Lan vào hôm nay để các VĐV thi đấu.

Do là xe chuyên dụng, nên giá trị các xe và trang thiết bị khá lớn, ước tính vụ cháy gây thiệt hại lên tới nhiều tỉ đồng, trong đó có nhiều xe và trang thiết bị lên tới khoảng 300 triệu đồng. Việc bị hỏng toàn bộ xe và trang thiết bị thi đấu sẽ khiến các VĐV không phát huy được phong độ và khó tránh khỏi cảm giác xót xa.

Vì thế Tổng thư ký Liên đoàn Xe đạp - Moto thể thao Việt Nam Nguyễn Ngọc Vũ và ban huấn luyện đội tuyển đã kịp thời sốc lại tinh thần cho các VĐV để họ có thể tĩnh tâm cho các cuộc thi đấu. “Đến nay tinh thần của các VĐV đều ổn. Các VĐV đã xác định được rằng đây là tai nạn không mong muốn và không thể cứ mãi buồn, tiếc được mà cần tập trung vào thi đấu. Điểm chú ý là giải đấu này có đường đua rất đẹp nên các VĐV cũng được an ủi phần nào. Các VĐV sẽ tranh tài tại giải đấu này đến hết ngày 16.2”, Tổng thư ký Nguyễn Ngọc Vũ cho biết.

Sẽ có phương án đền bù

Câu chuyện hy hữu xảy ra với đội tuyển xe đạp tại giải đấu này là việc bất khả kháng với đội Việt Nam, vì mọi việc đều tuân theo quy định của ban tổ chức giải và thông thường trang thiết bị của các đội tuyển sẽ được các công ty vận chuyển và ban tổ chức lo chu đáo. Thế nhưng việc 29 chiếc xe bị thiêu rụi dẫn đến thiệt hại nặng nề về kinh phí và tâm lý thi đấu cũng như thành tích của các VĐV.

Do đây là việc hy hữu nên cả ban tổ chức giải và Liên đoàn Xe đạp châu Á cũng chưa biết tính toán thế nào. Sau cuộc làm việc giữa các bên, hiện ban tổ chức đề nghị đoàn Việt Nam thống kê phương án thiệt hại để tính toán phương án đền bù. Tuy nhiên ban tổ chức có khả năng đền bù được bao nhiêu vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp và các HLV, VĐV vẫn đang phải thấp thỏm chờ đợi.

Từ trước tới giờ khi thi đấu quốc tế, các VĐV thường được nhà nước chi trả các kinh phí về vé máy bay quốc tế khứ hồi, ăn ở, tiêu vặt, tiền bảo hiểm, tiền gửi hàng quá cân, tiền gửi trang thiết bị thi đấu cho các VĐV. Tuy nhiên bảo hiểm mua cho các VĐV đi thi đấu là bảo hiểm theo dạng du lịch, chứ không phải là bảo hiểm thi đấu.

Thực tế do khả năng chấn thương cao, việc bán bảo hiểm thi đấu cho các VĐV dẫn đến nhiều khả năng rủi ro cho các đơn vị bảo hiểm nên hầu như ít có gói bảo hiểm dạng này ở Việt Nam. Ở các nước phát triển, gói bảo hiểm này có thể mua với giá rất đắt lên tới vài triệu USD nên sẽ là câu chuyện xa vời với thể thao Việt Nam. Thông thường các VĐV khi đi thi đấu quốc tế sẽ được mua gói bảo hiểm trị giá hơn 700.000 đồng/1 người và đội tuyển xe đạp lần này cũng vậy.

Thực tế ở nước ta, cũng thường chỉ có gói bảo hiểm cho xe ô tô, xe máy mà ít có gói bảo hiểm cho xe đạp nên các VĐV dù muốn cũng khó sở hữu cho mình gói bảo hiểm cho các “chú ngựa sắt” giá trị. Câu chuyện với đội tuyển xe đạp cũng tương tự như các đội tuyển khác. Hầu như chúng ta đều không mua bảo hiểm trang thiết bị thi đấu cho các VĐV nên khi sự cố xảy ra, nhất là với các trang thiết bị đắt tiền, sẽ là thiệt hại lớn.

Có thể thấy sự việc này đã gióng lên một hồi chuông báo động để các nhà quản lý về thể dục thể thao xem xét, cân nhắc đến các tình huống hy hữu có thể xảy ra khi thi đấu quốc tế và mua thêm các gói bảo hiểm trang, thiết bị. Đó cũng là câu chuyện cần kíp để thể thao Việt Nam phải tính tới, phải lo nghĩ ngay từ bây giờ, cho các cuộc đi đấu, diễn ra liên tiếp trong năm.