Mất điểm bởi bạo lực
VHO- Bạo lực sân cỏ, đó hẳn là cụm từ mà người ta nói đến nhiều nhất ở V.League 2021 trong thời gian qua. Thay vì chuyên môn dưới sân hay sự cuồng nhiệt trên các khán đài, “bạo lực sân cỏ” đang thực sự “dậy sóng” và trở thành vấn nạn tại giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam.
Vấn nạn bạo lực sân cỏ đang khiến V.League mất điểm trong mắt người hâm mộ Ảnh: VPF
Có lẽ V.League 2021 đang trở nên mất điểm trong mắt người hâm mộ sau những pha bóng nhuốm màu bạo lực gần đây. Những án phạt nặng và kiên quyết đã được đưa ra, nhưng đó có lẽ vẫn chưa phải là giải pháp để xử lý tận gốc vấn nạn này.
Bạo lực nối tiếp bạo lực
V.League 2021 trở lại sau đợt dịch Covid-19 đã mang lại niềm vui cho người hâm mộ và sự hân hoan cho các đội bóng cũng như Ban tổ chức giải. Bóng đá được nối lại, V.League 2021 thi đấu đúng lộ trình không chỉ góp phần đưa mùa giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam về đích an toàn mà còn giúp ĐTQG có thêm thời gian chuẩn bị cho Vòng loại World Cup 2022. Nhưng thay vì sự kỳ vọng về những vòng đấu hấp dẫn, tràn ngập bàn thắng, thì vấn nạn bạo lực sân cỏ ngày càng leo thang và nó đang làm hình ảnh của V.League dần mất điểm trong mắt người hâm mộ.
Những ngày qua, người ta nói đến rất nhiều về pha vào bóng thô bạo của Ngô Hoàng Thịnh khiến Đỗ Hùng Dũng gãy chân và phải tiến hành phẫu thuật. Pha bóng diễn ra tại vòng 5 trên sân Thống Nhất đã trôi qua được gần 10 ngày nhưng bây giờ khi nhìn lại hình ảnh đó, khán giả, giới chuyên môn và những người trong cuộc còn phải rợn người. Pha “triệt hạ” của Hoàng Thịnh làm gãy chân Hùng Dũng cũng làm người ta nhớ lại những pha vào bóng thô bạo khiến đối thủ bị chấn thương rùng rợn, phải nghỉ thi đấu một thời gian dài ở V.League trước đây. Năm 2014, hậu vệ Trần Đình Đồng bay người đạp gãy chân Nguyễn Anh Hùng của An Giang. Năm 2015, Quế Ngọc Hải khi còn chơi cho SLNA thực hiện pha vào bóng bằng 2 chân khiến Trần Anh Khoa (Đà Nẵng) đứt dây chằng gối. Trung vệ của SLNA bị treo giò hết mùa giải trong khi Anh Khoa phải sang Singapore phẫu thuật nhưng sau đó phải giải nghệ. Cũng trong năm đó, ở chung kết Cúp Quốc gia, ngoại binh Abass của Bình Dương đã bị hậu vệ Thanh Hào của Hà Nội FC phạm lỗi khiến tiền đạo này gãy chân, phải nhập viện cấp cứu. Ở vòng 3 V.League 2020, hậu vệ Phạm Hoàng Lâm với cú tắc bóng nguy hiểm khiến Nguyễn Hải Huy (Than Quảng Ninh) phải nghỉ hơn 7 tháng.
Sau chấn thương kinh hoàng của Hùng Dũng cũng như các nạn nhận từ các pha vào bóng thô bạo trên, người hâm mộ “suýt chút nữa “phải chứng kiến điều tương tự. Ở vòng 6 V.League 2021 mới đây, tiền đạo nhập tịch Hoàng Vũ Samson của CLB Thanh Hóa có pha phạm lỗi nghiêm trọng với thủ môn Nguyễn Tuấn Mạnh (Đà Nẵng). Trong pha va chạm này, Samson đã giơ cao chân, đạp mạnh vào người đối thủ khi Tuấn Mạnh lao ra phá bóng khiến thủ môn tuyển Việt Nam nằm sân đau đớn nhưng rất may là anh không dính chấn thương nặng. Cũng tại vòng 6, cầu thủ Phan Thế Hưng (CLB Nam Định) vào bóng bằng gầm giày với Nguyễn Công Thành, khiến đầu gối cầu thủ CLB Sài Gòn sưng to, chảy máu và có phần biến dạng.
Phải phạt đến bao giờ?
Sau tình huống phạm lỗi nguy hiểm khiến Hùng Dũng gãy chân, Hoàng Thịnh đã bị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) treo giò đến hết năm, phạt tiền 40 triệu đồng và chịu toàn bộ phí chữa trị cho Hùng Dũng. Đây có thể xem là án phạt nặng nhất dành cho một cá nhân trong lịch sử giải đấu, chưa kể việc Hoàng Thịnh còn chịu án kỷ luật nội bộ từ CLB chủ quản. Cùng với án phạt với Hoàng Thịnh, VFF cũng ban hành văn bản gửi đến Ban tổ chức V.League, Ban trọng tài và các CLB tham dự giải, yêu cầu tăng cường các biện pháp ngăn chặn các hành vi bạo lực, phạm lỗi nghiêm trọng, để đảm bảo chất lượng chuyên môn và hình ảnh giải đấu. VFF còn đặc biệt nhấn mạnh sẽ có những án phạt nặng, nhằm răn đe các cầu thủ.
Văn bản này được ban hành sau vòng 5 nhưng khi vòng 6 diễn ra, người ta vẫn tiếp tục thấy vấn nạn bạo lực sân cỏ, mà cụ thể ở đây là 2 pha vào bóng nguy hiểm của Samson và Thế Hưng. Điều đáng nói là pha phạm lỗi của Samson và Thế Hưng đều có thể khiến đối phương gặp chấn thương nặng nhưng lại đều không bị trọng tài rút thẻ đỏ. Samson chỉ lãnh thẻ vàng, thậm chí Thế Hưng thoát thẻ, trọng tài còn phạt thẻ vàng Công Thành. Sau khi xem xét lại băng hình, báo cáo của giám sát trận đấu, Ban kỷ luật VFF đã quyết định tăng án phạt, cấm thi đấu 3 trận, phạt 15 triệu với Samson (CLB Thanh Hóa cũng quyết định chuyển Samson xuống đội hình dự bị đến hết mùa giải), còn Thế Hưng bị cấm thi đấu 3 trận và phạt 15 triệu.
Theo chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải, công tác trọng tài chưa ổn hoàn toàn có thể dẫn đến những hành động bạo lực sân cỏ. Điển hình là trong trường hợp Hùng Dũng, trọng tài dường như định phạt thẻ vàng Hoàng Thịnh, nhưng đến khi phát hiện cầu thủ của CLB Hà Nội gãy chân mới đổi bằng thẻ đỏ. Trong khi đó, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương cho rằng các CLB cần phải tăng cường giáo dục ý thức cầu thủ trong quá trình đào tạo, huấn luyện và thi đấu, để từng cầu thủ phải biết tôn trọng đôi chân, cũng là cả sự nghiệp của đồng nghiệp.
“VFF luôn quán triệt tinh thần và đề nghị các CLB nâng cao giáo dục cầu thủ, đề cao tính Fair-play, kiên quyết ngăn chặn lối chơi bạo lực. Các trọng tài phải kiên quyết, nghiêm khắc xử lý các hành vi phi thể thao, bạo lực trên sân, tránh bỏ sót lỗi, đồng thời qua đó cũng góp phần tạo thói quen thi đấu một cách chuyên nghiệp và đúng luật đối với các cầu thủ”, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết.
Những pha bóng bạo lực ở vòng 5 và 6 V.League 2021 đều phải nhận những án phạt thích đáng, nhưng không lẽ cứ để tình trạng này mãi xảy ra như vậy và những án phạt được đưa ra đến bao giờ mới hết? Giải pháp gốc rễ cho vấn nạn bạo lực chính là nâng cao chất lượng về mọi mặt của các giải đấu chuyên nghiệp. Nhưng có lẽ điều đó không dễ thực hiện được dù bóng đá Việt Nam vẫn đang hướng tới trong suốt thời gian qua.
VĨNH HY