Mạo danh Liên đoàn Cầu lông Việt Nam để lừa đảo: Cảnh giác, tránh bị kẻ gian lợi dụng

VHO- Ngày 21.11, Văn Hóa nhận được phản ánh từ Liên đoàn Cầu lông Việt Nam về việc trang fanpage của Liên đoàn bị kẻ gian mạo danh, lừa đảo trên mạng xã hội. Cụ thể theo thông tin của bà Tăng Thị Huyền, Chánh Văn phòng Liên đoàn Cầu lông Việt Nam, nhiều phụ huynh đã bị mắc bẫy lừa đảo này và phản ánh vụ việc tới Liên đoàn.

Mạo danh Liên đoàn Cầu lông Việt Nam để lừa đảo: Cảnh giác, tránh bị kẻ gian lợi dụng - Anh 1

 Trang chính thức của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam

Mất hàng trăm triệu đồng

Ngày 20.11, một phụ huynh đã tìm đến Văn phòng của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam, nằm trong trụsởcủa Cục Thểdục thểthao (36 Trần Phú, Hà Nội) để hỏi rõ thông tin về việc Liên đoàn có tuyển sinh và trao học bổng như trên trang fanpage không và phản ánh việc đã chuyển khoản cho nhóm trên fanpage giả mạo.

Tại TP.HCM cũng có trường hợp một phụ huynh vào group đăng ký học cầu lông cho con và được hướng dẫn các bước để chuyển khoản tiền học phí. Phụ huynh này kể lại: “Hôm qua vợ tôi có vào group đăng ký học cầu lông cho con, họ bắt khảo sát ở 3 link và chuyển tiền để xác minh rồi chuyển lại. Vợ tôi chuyển tiền nhưng sai mẫu ghi chú, có cậu hướng dẫn yêu cầu chuyển tiếp lần 2 để xác minh lại. Vợ tôi chuyển tiếp mà vẫn thiếu dấu chấm nên lại bị bắt chuyển tiếp. Số tiền mấy lần lên đến trăm triệu. Lúc tôi về nhà thì nghi lừa đảo nên bảo vợ dừng lại và yêu cầu hướng dẫn thủ tục xử lý, cậu ấy hướng dẫn làm thủ tục trực tiếp tại địa chỉ là số 3 Phan Văn Đạt, quận 1, TP.HCM. Tôi tra cứu thì địa chỉ này là trụ sở của Liên đoàn Cầu lông TP.HCM”. Bà Tăng Thị Huyền cho biết, đây là thông tin bà nhận được từ Liên đoàn Cầu lông TP.HCM vì sau đó vị phụ huynh trên đã đến trụ sở của Liên đoàn tại số 3 Phan Văn Đạt để hỏi thì mới biết là bị lừa.

Bằng những thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm sự tin tưởng của các bậc phụ huynh, các đối tượng lừa đảo còn làm cả giấy chứng nhận cho các học viên đã hoàn thành xuất sắc các hoạt động sơ tuyển và đủ điều kiện vào vòng chính thức để trở thành học viên của Liên đoàn Cầu lông việt Nam. Sau khi dụ được phụ huynh bằng các trang lừa đảo, đối tượng sẽ mời phụ huynh vào các nhóm để tương tác chiếm lòng tin, rồi dẫn dắt để phụ huynh chuyển khoản đóng lệ phí cho con em trở thành thành viên chính thức.

Bà Tăng Thị Huyền thông tin thêm, mấy ngày nay bà thường xuyên nhận được nhiều cuộc điện thoại của một số phụ huynh sau khi bị lừa tiền mới hoảng hốt tìm trang chính thức của Liên đoàn và số điện thoại được đăng ký để gọi hỏi thông tin. Những phụ huynh này kể lại hành trình bị lừa đảo khá giống nhau, đầu tiên họ tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội và vào các trang fanpage lừa đảo. Sau khi vào trang, họ sẽ được mời vào nhóm trên Telegram. Trong nhóm sẽ có rất nhiều thành viên. Sau đó các phụ huynh sẽ được dẫn dụ theo các yêu cầu làm theo từng bước để chuyển tiền. Nếu phụ huynh chuyển tiền nhiều lần số tiền từ 500.000 đồng trở lên thì sẽ được chuyển lại khoảng 10%. Có phụ huynh sau nhiều lần chuyển thì con số đã lên tới 200 triệu đồng, thậm chí có người mất tới 300 triệu đồng.

Mạo danh Liên đoàn Cầu lông Việt Nam để lừa đảo: Cảnh giác, tránh bị kẻ gian lợi dụng - Anh 2

 Các đối tượng giả mạo con dấu, chữ ký của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam

Liên đoàn Cầu lông Việt Nam chưa mở bất cứ khóa hay viện đào tạo tài năng nào về cầu lông

“Tôi cũng đặt vấn đề là tại sao các vị phụ huynh dễ tin và làm theo các bước như thế, thì câu trả lời khá giống nhau là làm theo hướng dẫn và cứ “mê muội” thực hiện. Liên đoàn Cầu lông Việt Nam có nhiệm vụ chính là quản lý các hoạt động cầu lông. Hiện tại chúng tôi chưa mở bất cứ khóa hay viện đào tạo tài năng nào về cầu lông nên mong các vị phụ huynh hãy sáng suốt khi lựa chọn địa chỉ đăng ký cho con em mình. Chúng tôi cũng có sẵn số điện thoại và địa chỉ của Liên đoàn, nếu có bất cứ vấn đề gì, phụ huynh có thể liên hệ với chúng tôi, tránh để bị kẻ gian lợi dụng”, bà Tăng Thị Huyền mong muốn.

Các đối tượng còn làm giả con dấu có dòng chữ Ban Chấp hành Liên đoàn Cầu lông Việt Nam và chữ ký của Tổng Thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam Lê Thanh Hà. Các trang giả mạo lấy tên “Trung tâm đào tạo cầu lông tuổi trẻ VBF” hay “VBF - Cầu lông tuổi trẻ”. Với các giấy chứng nhận có đầy đủ con dấu và chữ ký của Tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam Lê Thanh Hà thật khó để các phụ huynh, nếu không phải người hoạt động trong giới thể thao phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Phía trên của các giấy chứng nhận cũng ghi đầy đủ các cơ quan nhà nước có uy tín của các Liên đoàn, Hiệp hội là Bộ VHTTDL - Cục Thể dục thể thao. Tuy nhiên với những người công tác trong lĩnh vực thể thao thì câu từ của các đối tượng sử dụng khá ngô nghê và không có tổ chức gọi là Ban lãnh đạo Liên đoàn Cầu lông Việt Nam, thường sẽ là Ban chấp hành hay Ban thường vụ Liên đoàn Cầu lông Việt Nam.

“Ngay sau khi biết được thông tin có những trang fanpage giả mạo trang chính thức của Liên đoàn, ngày 11.11.2023, chúng tôi đã đăng thông tin cảnh báo lên trang fanpage chính thức với nội dung: Trong thời gian gần đây, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam nhận được rất nhiều thông tin từ người hâm mộ cầu lông nhắn tin hỏi về việc tuyển sinh các lớp năng khiếu từ các trang giả mạo. Hiện tại Liên đoàn Cầu lông Việt Nam chỉ có duy nhất một trang Facebook Liên đoàn Cầu lông Việt Nam VBF (có dấu tích xanh). Vậy Liên đoàn Cầu lông Việt Nam thông báo đến mọi người được biết để tránh bị lợi dụng. Tuy nhiên sau khi đăng thông báo thì tình trạng này vẫn tiếp diễn. Chúng tôi mong các cơ quan thông tấn báo chí và mọi người hãy chia sẻ thông báo để nhiều người được biết về một số trang fanpage giả này và tránh để kẻ gian lợi dụng”, bà Tăng Thị Huyền bày tỏ.

Tổng Thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam Lê Thanh Hà mong muốn, trước khi vụ việc được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ rất mong các bậc phụ huynh cần tìm hiểu kỹ trước khi đăng ký học cầu lông cho các con, nhất là trước khi chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo. 

THU SÂM

Ý kiến bạn đọc