“Lực hút” khó cưỡng từ đua ghe Ngo
VHO - Mùa giải đua ghe Ngo Sóc Trăng - khu vực ĐBSCL lần thứ VI mới đây tại TP Sóc Trăng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với người dân địa phương và khu vực. Những màn tranh tài sôi động trên dòng sông Maspéro thơ mộng là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng, để lại sự vấn vương trong lòng những du khách gần xa.
Giải đua ghe Ngo là hoạt động chính trong chuỗi 11 sự kiện của Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ VI và Tuần VHTTDL Sóc Trăng lần thứ I năm 2024. Giải đua ghe Ngo của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và được Tổ chức Guinness Việt Nam công nhận Kỷ lục là môn thể thao “nơi có số lượng ghe Ngo và vận động viên nhiều nhất Việt Nam từ năm 2005 đến nay”.
Đồng bào Khmer tổ chức giải đua ghe Ngo như một phong tục tốt đẹp, một ngày hội văn hoá - thể thao lớn để tranh đua tài nghệ, sức mạnh với nhau, là một nét đặc trưng văn hóa của vùng sông nước miền Tây. Đua ghe Ngo ngày nay trở thành ngày hội chung của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, làm cho mối quan hệ cộng đồng các tộc người ở ĐBSCL ngày càng gắn kết. Đua ghe Ngo cũng đã trở thành lễ hội lớn và là sản phẩm du lịch của tỉnh Sóc Trăng. Tại địa điểm đua, ban tổ chức địa phương đã xây dựng hai khán đài (A, B) sức chứa lên đến vài nghìn người và rất dễ quan sát cuộc đua. Mỗi năm tới mùa lễ hội, người dân địa phương trong tỉnh và khu vực ĐBSCL lại hăm hở chờ đợi được chứng kiến đội đua của mình để cổ vũ, động viên và sẽ rất tự hào nếu đội ghe mình đoạt giải cao.
Vậy nên trong 2 ngày diễn ra giải, khán đài đua ghe Ngo trên sông Maspéro đã thu hút đông đảo người dân đến xem và cổ vũ cho các đội đua. Dù những cuộc đua bắt đầu từ lúc 12 giờ trưa nhưng trước đó, dòng người hai bên bờ sông đã tập trung từ rất sớm, mỗi người đều muốn chọn cho mình một chỗ ngồi đẹp. Có những nhóm người mang theo trống hay bất cứ vật dụng gì có thể phát ra âm thanh để cổ vũ thêm náo nhiệt. Thậm chí có rất đông “fan cuồng” sẵn sàng ngâm mình dưới nước vài tiếng đồng hồ để được “tiếp sức” gần hơn cho các ghe đua. Giữa trưa trời nóng, nắng gay gắt nhưng không thể ngăn được tình yêu mà người dân dành cho môn thể thao truyền thống của họ.
Mỗi khi những chiếc ghe Ngo rẽ dòng nước, băng băng về đích thì những âm thanh từ hai bên bờ sông càng to, dòng người lại đứng dậy reo hò cổ vũ. Mỗi khi hoàn thành phần thi, các đội lại di chuyển cập sát bờ sông để cảm ơn khán giả. Khi được vinh danh trên bục nhận cúp cũng là lúc bắt đầu điệu múa quen thuộc của người Khmer từ những chàng trai, cô gái giành chiến thắng. Khi đã kết thúc phần đua, người thắng, kẻ thua không còn quan trọng. Cùng với các cổ động viên, họ ăn mừng trên dòng nhạc và điệu múa truyền thống, tất cả đã tạo nên bầu không khí sôi động nhưng cũng rất tự nhiên.
Mùa giải đua ghe Ngo Sóc Trăng năm nay có 60 đội ghe Ngo (53 đội nam và 7 đội nữ) tham dự, trong đó tỉnh Sóc Trăng có 48 đội, các tỉnh, thành Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang có 12 đội. Ban tổ chức cho biết, giải có trên 7.000 VĐV (chưa tính lãnh đội, đội ngũ hậu cần) và đã thu hút trên 200.000 lượt người đến xem và cổ vũ trong 2 ngày. Đây là những con số “khủng” và cao nhất từ trước đến nay của giải. Với con số này, thậm chí ngay cả “môn thể thao vua” tại Việt Nam là bóng đá cũng phải ganh tỵ. Với sự thành công và phát triển không ngừng, các mùa giải tiếp theo, con số này sẽ còn tăng cao hơn.