Lễ hội đua thuyền truyền thống ở miền biển Quảng Ngãi
VHO- Những ngày này, người dân xã biển Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) và du khách lại háo hức kèn, trống đi xem hội đua thuyền truyền thống. Đây trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này.
Lễ hội đua thuyền truyền thống diễn ra tại Lăng vạn Vũng Tàu, xã Bình Châu
Từ ngày 21 – 23.6, Lễ hội đua thuyền truyền thống xã Bình Châu lần thứ XV năm 2023 diễn ra tại Lăng vạn Vũng Tàu, thuộc thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu. Với sự tham gia của 4 thuyền đua lấy tên Long, Ly, Quy, Phụng đại diện cho 4 xóm thuộc hai thôn Châu Thuận Biển và Châu Thuận Tây. Thể thức thi đấu tính điểm để chọn đội nhất, nhì, ba qua mỗi ngày thi đấu, cự li đường đua 1.600m (4 vòng, 8 dạo).
Ông Phùng Bá Vương – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, Lễ hội đua thuyền truyền thống của xã Bình Châu là nét văn hóa truyền thống dân gian, mang đậm bản sắc của cư dân biển đảo. Thông qua lễ hội, đã gắn kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm và tình yêu quê hương, tình yêu biển, tín ngưỡng tâm linh của ngư dân – những người gắn chặt cuộc đời mình với biển khơi mênh mông mong nguồn tôm cá dồi dào, bội thu và bình yên trên những đầu sóng. Qua đó, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của ngư dân, tạo khí thế sôi nổi trong thi đua đánh bắt hải sản và bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo của ngư dân địa phương. Đồng thời, vận động nhân dân nâng cao sức khỏe, tăng cường giao lưu, đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân trong toàn xã, tạo không khí vui tươi, hứng khởi cho bà con và du khách.
Lễ hội đua thuyền diễn ra trong không khí tưng bừng, náo nhiệt, vang dội bởi tiếng reo hò cổ vũ của người xem, dùng kèn, trống hò hét và mũ nón cổ vũ các thuyền đua tiếp sức cho các vận động viên trên thuyền. Sự thành công của một đội đua được quyết định bởi sự đồng lòng, đoàn kết, hợp sức của các vận động viên trên thuyền.
Trao giải cho các đoàn
Kết quả, giải Nhất thuộc về thuyền phụng, Nhì thuyền Quy, Ba thuyền Lân, khuyến khích thuyền Rồng. Lễ hội kết thúc thành công tốt đẹp, để lại ấn tượng trong lòng nhân dân trong toàn xã, cũng như du khách đến với Lễ hội.
NHƯ ĐỒNG