Kim Sang-sik và bài toán nguồn lực hạn chế
VHO - Ngày 3.5, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và HLV Kim Sang-sik đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất đối với các nội dung liên quan đến vị trí huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam, trong bản hợp đồng có thời hạn 2 năm (từ 1.5.2024 đến 31.3.2026).
Lễ ký kết hợp đồng và công bố tân thuyền trưởng ĐTQG sẽ được tổ chức vào hôm nay 6.5.
Sinh năm 1976, ông Kim Sang-sik là cầu thủ tiêu biểu của bóng đá Hàn Quốc giai đoạn đầu thập niên 2000. Ông từng thi đấu 59 trận cho ĐTQG, góp mặt tại các đấu trường lớn như Asian Cup 2000 và 2007 hay World Cup 2006. Trong màu áo các CLB, Kim Sang-sik là tượng đài tại K-League (giải VĐQG Hàn Quốc), với 4 lần đăng quang ngôi vô địch và có 378 lần ra sân trong các màu áo Seongnam Ilhwa Cheonma, Gwangju Sangmu và Jeonbuk Hyundai Motors.
Vị trí sở trường của Kim Sang-sik là tiền vệ phòng ngự. Lối chơi của ông mang đậm nét chiến binh, luôn thi đấu quyết liệt và kiên cường trên sân cỏ. Truyền thông Hàn Quốc còn ví von Kim Sang-sik bằng biệt danh Viper (rắn lục), bởi cách thi đấu bám riết để truy cản khiến cho đối phương kiệt quệ. Điều thú vị, tuy đáng sợ trong mắt đối phương nhưng tân HLV trưởng ĐT Việt Nam lại rất “đáng yêu” trong mắt đồng đội. Ông là mẫu người vui chơi hết mình, biết cách dẫn dắt đàn em và rất hài hước.
Năm 2013, Kim Sang-sik giải nghệ và chuyển sang nghiệp cầm quân. Ông làm trợ lý HLV tại CLB Jeonbuk Hyundai Motors từ năm 2013 đến 2020 và được bổ nhiệm HLV trưởng vào năm 2021. Ngay trong năm đầu tiên làm thuyền trưởng, nhà cầm quân sinh năm 1976 này đã dẫn dắt Jeonbuk Hyundai Motors vô địch K-League và giành danh hiệu HLV xuất sắc nhất mùa giải. Ông còn là một trong ba người hiếm hoi từng đăng quang K-League trên cả cương vị cầu thủ lẫn HLV trưởng.
Nhận nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, ông Kim Sang-sik cũng bày tỏ hy vọng với những nét tương đồng về văn hóa và mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc, ông sẽ nhận được sự cổ vũ của người hâm mộ Việt Nam, sự ủng hộ của truyền thông báo chí, qua đó tạo thêm động lực để ông vững tâm đảm nhiệm trọng trách của một HLV trưởng và gặt hái được những thành công trong cương vị mới, qua đó đóng góp cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Đây là chi tiết quan trọng và đáng ghi nhận sau những điều đáng tiếc xảy ra dưới triều đại của HLV Philippe Troussier. Năng lực và kinh nghiệm của ông Troussier là không thể phủ nhận, song cách xử sự của nhà cầm quân người Pháp lại tỏ ra thiếu khéo léo, dẫn đến sự bức xúc của dư luận và ảnh hưởng đến tinh thần thi đấu của toàn đội. Ngoài ra, tầm nhìn của HLV Troussier về việc phát triển bóng đá không sai. Cầu thủ ngày càng phải phát triển về kỹ năng xử lý bóng lẫn tư duy chuyền bóng, di chuyển. Song, cách triển khai đấu pháp không đem lại hiệu quả. Không chỉ vậy, người hâm mộ không thấy “chiến thuật của người Việt Nam” trong đó.
“Chiến thuật của người Việt Nam” được thấy rõ trong những năm tháng thành công cùng HLV Park Hang-seo. Kết quả tốt là yếu tố kích thích chính, nhưng cách các tuyển thủ thi đấu kiên cường, bất khuất khiến người hâm mộ tự hào và bừng bừng khí thế. Theo tìm hiểu, HLV Kim Sang-sik là mẫu chiến lược gia chú trọng tính chặt chẽ của đội hình. Sơ đồ ưa thích của nhà cầm quân này là 4-2-3-1, khi cầm bóng tấn công chuyển sang biến thể 4-3-3 hoặc 4-5-1 và chuyển sang chế độ phòng ngự khi không có bóng bằng sơ đồ 3-4-3 hoặc 3-5-2, hai sơ đồ quen thuộc của thầy Park.
Tất nhiên, đừng nhầm tưởng HLV Kim Sang-sik là phiên bản khuôn mẫu của HLV Park Hang-seo. Ông Kim là một cá tính khác, độ tuổi khác và tư duy sẽ khác. Đơn cử HLV Kim Sang-sik thuộc thế hệ HLV mới của bóng đá Hàn Quốc, được đào tạo bằng giáo trình khoa học, hiện đại hơn. Thế nên cách tổ chức, sắp xếp, lên giáo án hay điều hành đội bóng sẽ rất khác kiểu HLV thế hệ cũ như ông Park. Sự tương đồng lớn nhất ở đây là quan điểm đề cao tính chặt chẽ. Điều này cũng tương đối dễ hiểu vì ông Kim vốn là tiền vệ phòng ngự. Khi chuyển sang làm HLV, “tư duy đánh chặn” vẫn theo ông trong cách tổ chức đội hình. Dẫn chứng tiêu biểu về một tiền vệ phòng ngự khi chuyển sang làm HLV cũng đề cao tính chặt chẽ là HLV Diego Simeone, người đã biến Atletico Madrid trở thành thế lực tại Tây Ban Nha và châu Âu, bất chấp nguồn lực con người và tài chính hạn chế hơn rất nhiều so với các CLB hàng đầu.
Xoay xở với nguồn lực hạn chế cũng là bài toán HLV Kim Sang-sik phải giải được khi dẫn dắt các cấp đội tuyển Việt Nam. Ông Kim hiện chưa có trong tay “thế hệ vàng” như ông Park từng có. Các nước châu Á, bao gồm Đông Nam Á cũng đang đầu tư vào bóng đá rất mạnh mẽ để có được nền bóng đá và ĐTQG mạnh. Sự tiến bộ thần tốc của Indonesia là minh chứng. Người Việt Nam có câu “cái khó ló cái khôn”, khẳng định khả năng to lớn của trí tuệ con người trong việc khắc phục những hoàn cảnh khó khăn. Đây là thời điểm như thế đối với đội tuyển Việt Nam và cơ hội được trao cho HLV Kim Sang-sik.