Khởi sắc từ thị trường chuyển nhượng

NGỌC TRUNG

VHO - Mùa giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2023-2024 vừa khép lại, mùa giải 2024-2025 chưa khởi tranh nhưng những tín hiệu khởi sắc đã đến từ sự sôi động trên thị trường chuyển nhượng. Tuy nhiên, có lẽ cần thêm những tín hiệu tích cực từ công tác phát triển bóng đá trẻ để tạo ra sự căn cơ cho nền bóng đá nước nhà.

Khởi sắc từ thị trường chuyển nhượng - ảnh 1

 CLB Bình Định chứng kiến nhiều biến động

Mùa giải 2024-2025 dự kiến đến ngày 31.8.2024 mới khởi tranh bằng trận tranh Siêu cúp quốc gia giữa CLB Nam Định (vô địch V-League) và CLB Thanh Hóa (vô địch Cúp quốc gia). Trong khi đó, theo thông báo của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), giai đoạn đăng ký và chuyển nhượng thứ nhất bắt đầu từ ngày 15.8 và kéo dài đến hết ngày 15.10.2024 (Giai đoạn hai bắt đầu từ ngày 20.1 đến 12.3.2025). Trong khoảng thời gian nói trên, những đội bóng chuyên nghiệp cần hoàn tất thủ tục xin giấy chứng nhận chuyển nhượng quốc tế (ITC) trên hệ thống chuyển nhượng quốc tế TMS do FIFA quản lý.

Tuy gần 1 tháng nữa mới bắt đầu, nhưng thị trường chuyển nhượng bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2024-2025 đã chứng kiến nhiều biến động lớn. Đa số các CLB đều tấp nập người đến, kẻ đi và những trường hợp ký mới hợp đồng đáng chú ý. Tiêu biểu như Nam Định, “tân vương” V.League giữ chân thành công tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh bằng bản hợp đồng có thời hạn đến năm 2027; “cựu vương” Hà Nội giữ chân tiền đạo Nguyễn Tuấn Hải cũng bằng hợp đồng 3 năm, nhưng kèm theo điều kiện có thể sang Nhật Bản thi đấu.

Trên băng ghế chỉ đạo, diễn biến đáng chú ý nhất là HLV Velizar Popov, vị chiến lược gia đầy cá tính người Bulgaria tiếp tục gắn bó với Thanh Hóa thêm 2 năm. Tương tự, CLB Quy Nhơn Bình Định gia hạn hợp đồng thêm 3 năm với HLV Bùi Đoàn Quang Huy. Mùa giải vừa qua, nếu như HLV Popov tiếp tục để lại dấu ấn chuyên môn bằng chiến tích đưa Thanh Hóa đăng quang Cúp Quốc gia thì HLV Bùi Đoàn Quang Huy gây ấn tượng bằng cách dẫn dắt Quy Nhơn Bình Định đoạt ngôi á quân V.League.

Các bản hợp đồng mới vừa nêu đều phần nào giúp các CLB duy trì sự ổn định về nhân sự lẫn lối chơi. Tuy nhiên, phần hấp dẫn nhất của thị trường chuyển nhượng luôn là các vụ mua bán. Nhiều cầu thủ nói lời chia tay đội bóng cũ, có những cái tên đã tìm được bến đỗ mới nhưng cũng không ít ngôi sao đang phân vân giữa dòng và “nhiều tỉ đồng” được đồn đoán bên lề. Đáng chú ý nhất là trường hợp Nguyễn Quang Hải và Nguyễn Hoàng Đức, hai tài năng nổi bật bậc nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại. Bộ đôi này lần lượt đáo hạn hợp đồng với Công an Hà Nội (CAHN) và Thể Công Viettel sau khi mùa giải 2023- 2024 kết thúc, tuy nhiên chưa vội đưa ra quyết định. Ưu tiên của Quang Hải lẫn Hoàng Đức đều là tiếp tục ở lại trong nước thi đấu và đang chờ đề nghị đủ hấp dẫn.

Trong khi đó, B.Bình Dương là đội bóng nổ “bom tấn nội” trước tiên, cả trên sân lẫn ở băng ghế huấn luyện. Đội bóng đất Thủ đã chiêu mộ thành công hậu vệ biên Hồ Tấn Tài từ CAHN cũng như bổ nhiệm ông Hoàng Anh Tuấn làm HLV trưởng. Ở diễn biến khác, “bom tấn ngoại” đầu tiên được kích nổ là Alan. Chân sút số một của Bình Định, và số hai tại V.League 2023-2024 với 17 pha lập công, đã chuyển đến CAHN bằng bản hợp đồng có thời hạn 2 năm. Ngoài Alan, CAHN cũng lấy lại Raphael Success từ SLNA.

Đội bóng tấp nập người đi, kẻ đến nhất mùa chuyển nhượng V.League hiện tại là Quy Nhơn Bình Định. Đội bóng đất võ đã chia tay 12 cầu thủ và bù đắp bằng 6 tân binh. Tất nhiên để tiếp tục duy trì thành tích như mùa trước, HLV Bùi Đoàn Quang Huy chắc chắn cần thêm những sự bổ sung chất lượng. Hoạt động tích cực không kém là Đà Nẵng, đội bóng vừa giành vé thăng hạng trở lại giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam. Đội bóng sông Hàn nhanh tay chiêu mộ Jaha (Thể Công Viettel), Marlon (Quy Nhơn Bình Định), Yuri Mamute (cựu cầu thủ Hải Phòng), Hồng Sơn (Bắc Ninh), Duy Bảo (Huế) đồng thời chia tay Bảo Tuấn, Hoàng Sơn (Thể Công Viettel), Đặng Thanh Hoàng, Phan Đức Lễ.

Sự sôi động của thị trường chuyển nhượng là tín hiệu đáng mừng cho thấy nhiều CLB sẵn sàng đua tranh cho các vị trí cao trên bảng xếp hạng ở mùa giải mới. Cần nhấn mạnh, giải VĐQG luôn là nền tảng căn bản của mỗi nền bóng đá. Một giải VĐQG mạnh tạo nhiều điều kiện thuận lợi để có ĐTQG mạnh. Sự tranh đua cả trên bảng xếp hạng lẫn thị trường chuyển nhượng giữa các CLB cũng đem đến cho cầu thủ nhiều động lực thi đấu cũng như đảm bảo kinh tế ổn định. Dù vậy, một khía cạnh khác cũng cần được các CLB quan tâm nhiều hơn là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển bóng đá trẻ. Chỉ đầu tư vào bóng đá trẻ mới xây dựng được bản sắc đội bóng, khi xây dựng được bản sắc mới thu hút đông đảo người hâm mộ đến sân. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc