Thể thao Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025:
Khởi đầu rực rỡ, hướng tới đỉnh cao tại SEA Games 33
VHO - Thể thao Việt Nam đã có màn ra quân không thể ấn tượng hơn trong năm 2025 với chức vô địch đầy cảm xúc tại ASEAN Cup – giải đấu lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Chiến thắng thuyết phục ngay trên đất Thái Lan trước đội tuyển nước chủ nhà – đối thủ “truyền kiếp” của bóng đá Việt Nam – đã khơi nguồn cảm hứng mạnh mẽ, như một cú hích cho thể thao nước nhà trên hành trình chinh phục những đỉnh cao mới.
Không chỉ là lần thứ ba vô địch Đông Nam Á, đây còn là lần đầu tiên đội tuyển bóng đá nam quốc gia nâng cao chiếc Cúp vô địch tại một kỳ giải diễn ra trên sân khách. Chiến công ấy không chỉ mang ý nghĩa thể thao, mà còn góp phần khơi dậy niềm tin, niềm tự hào dân tộc trong người hâm mộ cả nước.
Bứt phá thành tích, tăng tốc chuẩn bị cho SEA Games 33
Ngay sau thành tích ấn tượng đầu năm, thể thao thành tích cao Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn mạnh mẽ với hàng loạt chiến công vang dội. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, các đội tuyển đã mang về tổng cộng 337 huy chương quốc tế gồm: 103 HCV, 112 HCB và 122 HCĐ.
Trong đó có 20 HCV, 27 HCB, 19 HCĐ tại các giải đấu cấp thế giới; 40 HCV, 60 HCB, 92 HCĐ ở đấu trường châu Á; 33 HCV, 19 HCB, 10 HCĐ tại các giải Đông Nam Á; 10 HCV, 6 HCB, 1 HCĐ ở các giải quốc tế mở rộng khác.
Nhiều thành tích nổi bật mang dấu ấn lịch sử, như đội tuyển cầu mây nữ lần đầu tiên đăng quang Cúp thế giới, đội tuyển bắn súng giành 3 HCV, 3 HCB, 5 HCĐ tại giải vô địch châu Á, và karate Việt Nam cũng với 3 HCV ấn tượng tại giải vô địch châu Á.

Bên cạnh đó, thể thao quần chúng cũng có bước phát triển vững chắc. Dưới sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL, toàn ngành đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với các phong trào lớn như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nhiều hoạt động thể thao cộng đồng đã diễn ra sôi nổi trong dịp Tết và Tháng hoạt động TDTT kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Thể dục Thể thao Việt Nam (27.3.1946 - 27.3.2025).
Ngành cũng tổ chức hàng loạt sự kiện nhằm phát triển thể thao phong trào: 7 giải thể thao quần chúng cấp quốc gia, 5 lớp tập huấn chuyên môn thu hút hơn 4.100 cán bộ, HLV, VĐV, cộng tác viên cơ sở trên toàn quốc.
Hướng tới các mục tiêu lớn của năm – trong đó đặc biệt là SEA Games 33 tại Thái Lan và Đại hội Thể thao châu Á trẻ tại Bahrain – ngành thể thao đã triển khai kế hoạch chuẩn bị một cách chủ động, khoa học và bài bản.
Tính đến nay, đã có 2.186 lượt VĐV và 400 lượt HLV cùng 6 chuyên gia được triệu tập tập huấn tại các trung tâm huấn luyện quốc gia và Trường ĐH TDTT Bắc Ninh. Riêng lực lượng trẻ gồm 917 VĐV, 176 HLV được đầu tư tập huấn bài bản.
Đáng chú ý, ngành đã bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác huấn luyện 4 môn thể thao trọng điểm: bắn súng, bắn cung, taekwondo và boxing. Việc đưa công nghệ vào huấn luyện mở ra kỳ vọng giúp cải thiện thành tích và nâng cao năng lực chuyên môn của VĐV ở các môn thế mạnh Olympic.
Song song đó, ngành thể thao phối hợp với các địa phương, liên đoàn thể thao quốc gia tổ chức 100 giải thể thao quốc gia và quốc tế, 9 lớp tập huấn chuyên sâu cho HLV, trọng tài – bảo đảm chất lượng chuyên môn và sự chuẩn bị tốt nhất cho các đội tuyển hướng đến SEA Games.
Vững vàng về đích, hướng tới tầm nhìn dài hạn

Với tinh thần “tăng tốc để về đích”, trong 6 tháng cuối năm, thể thao Việt Nam tiếp tục theo đuổi nhiều mục tiêu chiến lược. Trong đó có việc hoàn thiện các đề án phát triển dài hạn: Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm dự Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046; Đề án phát triển điền kinh Việt Nam đến 2045; Đề án phát triển bóng đá Việt Nam đến 2045…
Cùng với đó là các công việc mang tính nền tảng như hướng dẫn các địa phương tổ chức Đại hội TDTT các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Thể thao ASEAN (AMMS8) năm 2025.
Ngành cũng sẽ phối hợp cùng các liên đoàn thể thao, địa phương và đơn vị liên quan tổ chức các sự kiện thể thao trong hệ thống quốc gia, đồng thời chuẩn bị lực lượng và điều kiện cần thiết để tham dự các giải đấu quốc tế quan trọng, bảo đảm hình ảnh và vị thế thể thao Việt Nam trên trường khu vực và châu lục.
Mục tiêu lớn nhất vẫn là thi đấu đạt thành tích cao, phấn đấu lọt vào top 2 SEA Games 33, dù đây được xác định là kỳ Đại hội đầy thách thức khi Thái Lan – chủ nhà – thể hiện rõ quyết tâm giành lại vị thế số một Đông Nam Á.
Tuy vậy, vượt núi cao không làm nao núng ý chí. Với sự chuẩn bị nghiêm túc, quyết tâm mạnh mẽ và tinh thần thi đấu không lùi bước, thể thao Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiện thực hóa khát vọng vàng tại đấu trường khu vực.
Năm 2025 đang chứng kiến sự khởi đầu đầy khởi sắc của thể thao Việt Nam, từ sân chơi khu vực cho đến đấu trường thế giới. Thành tích vang dội tại ASEAN Cup, phong độ ổn định ở nhiều môn thể thao thế mạnh, cùng chiến lược bài bản chuẩn bị cho SEA Games 33 và các đấu trường lớn là những tín hiệu tích cực, cho thấy thể thao nước nhà đang từng bước bứt phá, khẳng định vị thế trong khu vực và vươn tầm châu lục.
Từ sân cỏ, sàn đấu ở Thái Lan đến đấu trường Bahrain, thể thao Việt Nam mang theo khát vọng của một quốc gia trẻ trung, kiên cường, hướng về những đỉnh cao mới hơn trong tương lai.