Khi đam mê giúp vượt qua mọi trở ngại
VHO- Vào những ngày này hằng năm, các nữ cua-rơ Việt Nam còn rong ruổi trên khắp các cung đường đầy nắng gió tại giải Xe đạp nữ quốc tế Bình Dương, thế nhưng năm nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sân chơi này không diễn ra như thường lệ và đã lùi lịch sang cuối tháng 3.
Xe đạp đầy gian truân và khắc nghiệt nhưng cũng không thể ngăn niềm đam mê, quyết tâm theo nghề của các nữ cua-rơ Ảnh: KIM MINH
Có thể nói, giải nữ quốc tế Bình Dương diễn ra đúng vào dịp 8.3 hằng năm chính là ngày hội xe đạp của các nữ cua-rơ Việt Nam. Đó là sân chơi để các chị em thể hiện tài năng và cũng là dịp để ban tổ chức giải, người hâm mộ xe đạp gửi những lời tri ân cho những hy sinh, nỗ lực và đam mê của những “bóng hồng” trên đường đua.
Nỗi khổ khó nói
Xe đạp (gồm đua đường trường và địa hình) là một trong những môn thể thao gian khổ và nguy hiểm nhất. Để theo đuổi và sống được với nghề, đòi hỏi các cua-rơ phải thật sự đam mê, dám đương đầu với nguy hiểm, chấp nhận những thiệt thòi, gian nan và những đau đớn về thể xác. Do đó, việc “đo đường” trong đua xe đạp là chuyện hết sức bình thường, thậm chí nhiều người dân trong nghề còn nói vui rằng, “phải nằm đường nhiều thì tay lái mới cứng được”. Trong lịch sử các giải đua xe đạp Việt Nam, đã không ít lần người hâm mộ chứng kiến những cú “đo đường” nặng của các nữ cua-rơ, trong đó có những người sau này không thể tiếp tục với nghề. Có lẽ khi nhắc đến Nguyễn Thị Thà, nhiều người sẽ còn tiếc nuối cho sự nghiệp của cua-rơ này. Tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014 ở Hòa Bình, Thà gặp tai nạn trên đường đua. Cú ngã mạnh khiến cô bất tỉnh tại chỗ, gãy 4 xương sườn, dập thận và sau đó phải giã từ sự nghiệp ở tuổi 19. Tai nạn và chấn thương của Thà thực sự là nỗi ám ảnh với những người đồng nghiệp của cô khi đó.
Câu chuyện của Thà là minh chứng rõ nét nhất để nói về sự nguy hiểm của môn đua xe đạp. Nhưng đâu chỉ có nỗi đau thể xác, để sống được với cái nghề lắm gian truân này, các nữ cua-rơ phải hy sinh nhiều thứ khác. Phái yếu vốn rất ghét những vết sẹo nhưng với các nữ cua-rơ, đó là điều hết sức bình thường. Nói vui như cựu tuyển thủ Võ Thị Phương Phi, “tài sản” lớn nhất của cô sau hơn 10 năm theo nghiệp xe đạp chính là những vết sẹo thâm đen ở tay và chân.
Với dân trong nghề, cách phân biệt giữa một cua-rơ “xịn” và một cua-rơ bình thường là cứ nhìn số lượng các vết sẹo trên tay, chân và khuôn mặt của họ. Một khi đã trót yêu “con ngựa sắt” các nữ cua-rơ phải chấp nhập hy sinh nhan sắc và tuổi thanh xuân. Với đặc thù phải thi đấu trong điều kiện thời tiết khác nhau như mưa, nắng, gió, sương mù… nên hầu hết các nữ cua-rơ có làn da cháy nắng, chưa kể những vết sẹo trên tay, chân, mặt khi tiếp xúc với nắng sẽ thâm đen, người tập lâu năm bắp chân sẽ to làm mất đi vẻ nữ tính… VĐV xe đạp vốn tập huấn và thi đấu nhiều nên không có thời gian để yêu đương và bên cạnh người thân. Trước khi trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên giành HCV tại SEA Games 2019, nữ cua-rơ Đinh Thị Như Quỳnh phải chấp nhận xa chồng và con nhỏ nhiều tháng trời để tập huấn và thi đấu. Cựu tuyển thủ Nguyễn Thùy Dung hay Nguyễn Phan Thùy Trang, trước khi lấy chồng đều là những cua-rơ hàng đầu của Việt Nam nhưng khi lập gia đình rồi, họ phải hy sinh sự nghiệp để làm hậu phương cho chồng, làm tròn thiên chức của người vợ, người mẹ.
Không chịu lùi bước
Theo HLV đội xe đạp nữ Biwase Bình Dương, Bành Chấn Quyền, một số ít HLV thành công trong huấn luyện xe đạp nữ, để theo và sống được với nghề, các nữ cua-rơ phải có tố chất đặc biệt, phải rất đam mê, biết nỗ lực trong tập luyện và thi đấu. Thực tế thì các VĐV xe đạp đa phần là những người xuất thân từ gia cảnh khó khăn, cuộc sống cơ cực từ nhỏ đã giúp họ có ý chí và nghị lực lớn để theo đuổi môn thể thao này, đặc biệt trước những khó khăn, sự khắc nghiệt thì các nữ cua-rơ phải thực sự “lỳ” cùng một niềm đam mê cháy bỏng.
Và khi nói đến độ “lỳ” thì cựu VĐV Quan Ngọc Thục Khánh nói số 2, dân trong nghề không ai dám nhận số 1. Trong sự nghiệp của mình, Thục Khánh từng 3 lần bị tai nạn nặng vào các năm 1997, 2002 và 2004, cả 3 lần cô đều bị gãy xương nhưng không hề bỏ cuộc, quyết một lòng theo đuổi nghề. Cũng nhờ “lỳ” và đam mê mà Nguyễn Thị Thật mới trở thành nữ cua-rơ số 1 Việt Nam hiện nay. Cô gái người Tịnh Biên (An Giang) xuất thân trong một gia đình nghèo, nhờ xe đạp mà Thật đã thay đổi cuộc đời. Mê xe đạp từ nhỏ, Thật đã nỗ lực vượt qua khó khăn để theo đuổi nghề. Lúc mới thi đấu, Thật cũng hay “đo đường” và gặp những thất bại nhưng sau mỗi lần vấp ngã, cô lại đứng dậy mạnh mẽ. Năm 2016, Thật may mắn được sang tập huấn tại Thụy Sĩ, 3 năm sau cô vinh dự được khoác áo đội đua chuyên nghiệp của Bỉ. Mỗi lần xuất ngoại như thế với Thật là những cơ hội trải nghiệm quý báu. Nhờ nỗ lực vượt khó, từ rào cản về ngôn nữ lẫn điều kiện khí hậu, sinh hoạt, “cô gái vàng” của xe đạp Việt Nam không ngừng tiến bộ và có những bước phát triển lớn trong sự nghiệp.
Câu chuyện của hai thế hệ xe đạp nữ Việt Nam, Quan Ngọc Thục Khánh và Nguyền Thị Thật là ví dụ điển hình về những tấm gương vượt khó để theo đuổi đam mê. Nhưng vẫn còn đâu đó, với rất nhiều câu chuyện vượt lên chính mình của các nữ cua-rơ trong hành trình dấn thân theo đuổi nghiệp xe đạp. Và cũng nhờ thế mà xe đạp Việt Nam mới có những “cô gái thép”, những người hy sinh thầm lặng để làm phát triển hơn bộ môn xe đạp nước nhà trong thời gian qua. Đó cũng là lý do mà các nhà làm quản lý, người hâm mộ thể thao Việt Nam nên dành sự quan tâm nhiều hơn đến bộ môn lắm gian nan nhưng đầy bạc bẽo như xe đạp, thấu hiểu và cảm thông hơn đến những cô gái trót yêu “lưng ngựa sắt”.
Dịp Quốc tế Phụ nữ năm nay, các “bóng hồng” đã không có cơ hội “khoe sắc” trên khắp các cung đường miền Trung và Tây Nguyên tại giải Bình Dương nhưng cũng nhờ thế mà họ có thể đón ngày 8.3 thật sự trọn vẹn bên cạnh người thân. Nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8.3, chúc các nữ cua-rơ nói riêng và tất cả các nữ VĐV Việt Nam nói chung nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho thể thao nước nhà.
NGỌC LÝ