Futsal nữ dừng bước ở giải châu Á:
Khép lại để mở ra tươi sáng
VHO - Dù thi đấu đầy quyết tâm và nỗ lực, song đội tuyển futsal nữ Việt Nam vẫn phải dừng bước tại tứ kết Giải vô địch futsal nữ châu Á 2025 sau trận thua 0-2 trước Nhật Bản, khép lại giấc mơ World Cup.

Kết quả này vừa cho thấy tín hiệu vui, vừa đặt ra câu hỏi lớn: Làm thế nào để futsal nữ Việt Nam thực sự vươn tầm, không chỉ ở nhóm nam mà còn ở cả hệ thống phát triển toàn diện?
Bài học không thể bỏ qua
Tại vòng bảng, đội tuyển futsal nữ Việt Nam thi đấu ấn tượng tại bảng B với hai chiến thắng trước Hồng Kông - Trung Quốc (5-3) và Philippines (3-0), cùng trận hòa 0-0 trước đương kim vô địch Iran. Kết quả này giúp đội đứng đầu bảng và giành quyền vào tứ kết.
Tại vòng tứ kết, Việt Nam đối đầu với đội bóng mạnh và giàu truyền thống ở châu Á là Nhật Bản. Mặc dù thi đấu kiên cường, các cô gái Việt Nam đã để thua với tỉ số 0-2, qua đó dừng bước tại giải và lỡ cơ hội giành vé dự Futsal World Cup nữ 2025.
Nhìn lại kết quả trong thời gian qua, có thể thấy đội tuyển futsal nữ Việt Nam đã có bước tiến đáng ghi nhận về mặt thành tích. Tại Giải vô địch Đông Nam Á 2024, các cô gái futsal Việt Nam đã giành chức vô địch sau chiến thắng 2-1 trước Thái Lan trong trận chung kết.
Đây là lần đầu tiên đội tuyển nữ Việt Nam đăng quang tại giải đấu này, đánh dấu bước tiến quan trọng trong khu vực. Theo bảng xếp hạng FIFA cập nhật gần nhất, đội tuyển futsal nữ Việt Nam đứng thứ 11 thế giới, thứ 4 châu Á và thứ 2 Đông Nam Á.
Mặc dù chưa thể giành vé dự World Cup, nhưng đội tuyển futsal nữ Việt Nam đã thể hiện sự tiến bộ rõ rệt cả về chuyên môn và tinh thần thi đấu. Đội trưởng Trịnh Nguyễn Thanh Hằng chia sẻ rằng, việc tham dự World Cup sẽ là cú hích lớn giúp lan tỏa phong trào futsal nữ trong nước, đồng thời thu hút sự quan tâm và đầu tư cho bộ môn này.
Kết quả này cũng là sự khích lệ đáng kể đối với phong trào futsal nữ còn non trẻ ở Việt Nam. Hiện tại, đội tuyển đang tiếp tục tập luyện và chuẩn bị cho các giải đấu sắp tới, với mục tiêu nâng cao thành tích và hướng tới việc giành vé tham dự các kỳ World Cup trong tương lai.
Nhìn lại hành trình của đội tuyển futsal nữ Việt Nam tại giải đấu châu Á vừa qua, không thể phủ nhận sự tiến bộ rõ nét về thể lực, tư duy chiến thuật và bản lĩnh thi đấu. Việc lọt vào tứ kết đã là một cột mốc lịch sử cho futsal nữ - nơi vốn chưa từng có hệ thống thi đấu quốc nội bài bản như nam giới.
Trận thua trước Nhật Bản (đội bóng từng vào chung kết châu lục) phần nào cho thấy khoảng cách vẫn còn tồn tại giữa Việt Nam và nhóm đầu khu vực. Tuy nhiên, điều đó không làm lu mờ những nỗ lực vượt giới hạn và sự tiến bộ vượt bậc của các tuyển thủ nữ.
Nhưng đây cũng là lời cảnh tỉnh về hệ thống đào tạo, về mức độ đầu tư và định hướng phát triển lâu dài cho futsal nữ nói riêng và futsal Việt Nam nói chung.
Đầu tư cho futsal nữ - đầu tư cho tương lai
Ở cấp độ đội tuyển nam, Việt Nam từng ghi dấu ấn khi lọt vào vòng 1/8 Futsal World Cup 2021, nhưng ở cấp độ hệ thống, nền futsal vẫn còn những điểm nghẽn lớn.
Trong khu vực châu Á, Thái Lan và Nhật Bản không chỉ nổi trội về kỹ thuật cá nhân hay thể lực, mà còn vượt trội về cấu trúc phát triển với giải VĐQG chuyên nghiệp, hệ thống đào tạo trẻ bài bản, liên kết mạnh với các trường học và cộng đồng.
Việt Nam thì ngược lại, đang gặp khó khăn với mô hình giải futsal VĐQG hiện tại, giải đấu quy tụ ít CLB, chẳng hạn như mùa giải năm 2024, chỉ có 4 CLB tham gia tranh tài là Thái Sơn Nam TP.HCM, TP.HCM, Phong Phú Hà Nam và Hà Nội.
Tuy chỉ có 4 đội tham dự giải nhưng để có được giải đấu dành cho nữ này, VFF cũng phải rất nỗ lực trong bối cảnh kinh phí còn eo hẹp. Cái khó nữa là hiện tại phong trào futsal học đường chưa phát triển, futsal phong trào manh mún và hầu như chưa có hệ thống thi đấu trẻ chính quy.
Đây là điều khiến futsal Việt Nam thiếu tính kế thừa, phát triển thiếu chiều sâu và dễ mất đà khi thế hệ trụ cột bước qua đỉnh cao.
Giải đấu vừa qua cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận và có những bước thay đổi, nếu không muốn futsal nữ Việt Nam tiếp tục lỡ hẹn với các kỳ World Cup sắp tới. Tuy nhiên cái khó bó cái khôn, bài toán kinh phí luôn là câu hỏi nan giải. Về mặt chuyên môn chúng ta cần có một giải futsal VĐQG mở rộng về quy mô và nâng cao chất lượng.
Song song đó là việc xây dựng hệ thống futsal trẻ, điều mà các nước mạnh trong khu vực đã làm từ lâu. Cần tổ chức các giải U13, U15, U17 futsal thường niên cấp quốc gia, khu vực và trường học.
Ngành giáo dục và VFF cần có chiến lược cụ thể để đưa futsal vào chương trình thể thao học đường, tạo nền móng từ sớm cho thế hệ kế cận. Các CLB cần được đầu tư và thúc đẩy công tác đào tạo cũng như công tác đào tạo chuyên môn để tạo nền tảng vững chắc cho các VĐV.
Đây là thời điểm tốt để các nhà tài trợ, địa phương và ngành Thể thao phối hợp xây dựng mô hình phát triển futsal nữ. Thành công không thể đến nếu chỉ trông chờ vào sự nỗ lực của các tuyển thủ và HLV, mà cần một chiến lược từ hệ thống giải đấu, đào tạo, đầu tư, đến truyền thông và chính sách dài hạn.
Thất bại của tuyển futsal nữ ở tứ kết không phải là dấu chấm hết, mà đó là bước chuyển mở ra một tương lai mới, nếu chúng ta biết nhìn nhận đúng và hành động kịp thời.
Futsal Việt Nam đã có những khoảnh khắc thăng hoa, nhưng để có nền tảng vững chắc và cạnh tranh sòng phẳng ở châu lục, điều cần thiết nhất lúc này là một cuộc cải tổ sâu rộng, đồng bộ và có tầm nhìn dài hạn.
Đã đến lúc futsal Việt Nam thôi “đi theo cơ hội”, mà phải “đi theo chiến lược”. Đã đến lúc giấc mơ World Cup không chỉ là của một đội tuyển, mà là của cả một nền futsal có chiều sâu, bản sắc và sức sống bền bỉ.