Khám phá lịch sử và văn hóa của Quảng Trị qua giải Tiền Phong Marathon ​

THU SÂM; ảnh: BTC

VHO - Theo thông tin tại buổi họp báo về Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 66 năm 2025 (Tiền Phong Marathon), giải sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 28 - 30.3 tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Giải do UBND tỉnh Quảng Trị, Cục Thể dục Thể thao Việt Nam, báo Tiền Phong, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, Sở VHTTDL Quảng Trị phối hợp tổ chức và được tường thuật trực tiếp trên Đài PTTH Quảng Trị, livestream trên hạ tầng mạng xã hội của báo Tiền Phong, giải Tiền Phong Marathon.

Khám phá lịch sử và văn hóa của Quảng Trị qua giải Tiền Phong Marathon  ​ - ảnh 1
Tổng Biên tập Báo Tiền Phong đồng Trưởng BTC giải Phùng Công Sưởng phát biểu tại buổi họp báo

Theo Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - đồng Trưởng BTC giải Phùng Công Sưởng, tương tự như các sự kiện do báo Tiền Phong khởi xướng và tổ chức, Tiền Phong Marathon vượt lên khuôn khổ một giải thể thao thuần túy và không ngừng lớn mạnh qua mỗi năm để trở thành chuỗi sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa - thể thao - du lịch đặc biệt ý nghĩa, góp phần thúc đẩy sự phát triển tại mỗi địa phương mà giải đặt chân đến.

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Trị Lê Minh Tuấn cũng nhấn mạnh, giải đấu năm nay được xem là cơ hội để Quảng Trị giới thiệu các giá trị về lịch sử, văn hóa cùng những tiềm năng du lịch tới các VĐV tham dự và du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời tạo thêm sản phẩm du lịch mới của địa phương, hấp dẫn du khách; góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, rèn luyện thể thao cho người dân Quảng Trị.

Chuỗi sự kiện của Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 66 năm 2025 bắt đầu từ ngày 28.3, với các hoạt động đầy ý nghĩa như dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, Thành cổ Quảng Trị; Lễ thả hoa đăng bên dòng Thạch Hãn tri ân những người con đất Việt đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho độc lập tự do, thống nhất đất nước. 

Khám phá lịch sử và văn hóa của Quảng Trị qua giải Tiền Phong Marathon  ​ - ảnh 2
Giải đấu là dịp để Quảng Trị giới thiệu về các giá trị lịch sử, văn hóa của mảnh đất anh hùng

Lễ Thượng cờ và tôn vinh lá cờ tổ quốc thiêng liêng diễn ra vào sáng 29.3 sẽ là một sự kiện đặc biệt tại một địa điểm ghi đậm dấu ấn trong lịch sử dân tộc: Khu di tích lịch sử đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.

Lễ thượng cờ năm nay sẽ là khúc ca hùng tráng ca ngợi tinh thần yêu nước, thương nòi, ý chí mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, khát vọng vươn lên cống hiến và dựng xây Tổ quốc. 

Ngay sau nghi lễ chào cờ và tôn vinh lá cờ Tổ quốc, Lễ khai mạc giải cũng được tiến hành tại Khu di tích lịch sử đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Cùng với đó là các hoạt động an sinh xã hội, trao tặng nhà tình nghĩa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị theo lời kêu gọi xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ sẽ được tiến hành trong thời gian diễn ra chuỗi sự kiện của giải.

Cung đường Tiền Phong Marathon 2025 sẽ đưa runner băng qua những cảnh quan tự nhiên, công trình nổi tiếng và địa danh lịch sử lẫy lừng của Quảng Trị. Đặc biệt, cung đường chạy 42,2km sẽ được xây dựng, dẫn dắt thành một câu chuyện, một thước phim về sự hình thành, phát triển của đất nước, về công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc.

Khám phá lịch sử và văn hóa của Quảng Trị qua giải Tiền Phong Marathon  ​ - ảnh 3
Buổi họp báo diễn ra vào sáng 12.3 tại Hà Nội

Giải có 131 giải thưởng cá nhân và tập thể, với tổng trị giá lên đến gần 700 triệu đồng tiền mặt. Các VĐV chuyên nghiệp và phong trào sẽ thi đấu tranh giải cá nhân ở các cự ly 21,1km, 42,195km nam, nữ hệ chuyên nghiệp và hệ phong trào; 10km nam chuyên nghiệp, nam trẻ, nam, nữ phong trào; 5km nữ chuyên nghiệp, nữ trẻ và nam, nữ phong trào.

Ra đời vào năm 1958, với đường chạy trong công viên Bách Thảo, qua 65 lần tổ chức, đã có nhiều VĐV trưởng thành từ giải đấu, tiến ra đấu trường khu vực, châu lục và mang vinh quang về cho tổ quốc.

Đó là các gương mặt tiêu biểu như Hoàng Minh Phước, Bùi Lương, Nguyễn Văn Thuyết, Lưu Văn Hùng trước đây hay Phạm Đình Khánh Đoan, Đoàn Nữ Trúc Vân, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Chí Đông, “nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình, tiếp nối là Nguyễn Văn Lai, Nguyễn Thị Oanh, Phạm Thị Hồng Lệ, Hoàng Nguyên Thanh, Hoàng Thị Ngọc Hoa, Lê Thị Tuyết... trong khoảng 10 năm trở lại đây.