Hoạt động thể thao học đường: Nên giảm lý thuyết, tăng thực hành
VHO- Trong thực tế đã xuất hiện nhiều mô hình hay và cách làm hiệu quả, các địa phương cần chú trọng nhân rộng, đưa chương trình đến trường học các cấp. Đồng thời quy trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong ký kết để làm tốt hơn, cùng tháo gỡ vướng mắc để chủ động hơn trong thực hiện.
Ngoài giờ học các em cần tham gia hoạt động thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phối hợp chỉ đạo, quản lý, tổ chức công tác giáo dục thể chất (GDTC) và hoạt động thể thao trường học (chương trình 917) giai đoạn 2016-2020. Hội nghị do Bộ VHTTDL và Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức ngày 24.11 tại TP Cần Thơ.
100% địa phương triển khai giảng dạy môn GDTC
Báo cáo tổng kết chương trình, bà Nguyễn Thị Chiên, Phó Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng (Tổng cục TDTT, Bộ VHTTDL) cho biết, sau 5 năm thực hiện, bên cạnh hoạt động đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, 100% địa phương trong cả nước đã triển khai giảng dạy môn GDTC (thể dục) trong nhà trường phổ thông các cấp. Trong đó, hầu hết các trường đảm bảo dạy 2 tiết/tuần (trừ chương trình lớp 1 tiểu học). Theo đánh giá của các địa phương, chương trình GDTC các cấp học cơ bản đã phù hợp cho mọi đối tượng học sinh. Tuy nhiên, nội dung, phương pháp, chương trình còn chậm đổi mới… dẫn đến các giờ dạy môn thể dục hiện còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt, nặng về trang bị kiến thức, nhẹ phần thực hành, chưa phát huy hiệu quả tính tự giác, tích cực rèn luyện các kỹ năng vận động, nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất, hoàn thiện nhân cách cho học sinh.
Hai Bộ cũng phối hợp tổ chức và tham gia các hoạt động thể thao quy mô toàn quốc và quốc tế dành cho học sinh. Các trường có hoạt động thể thao ngoại khóa thường xuyên ở cấp tiểu học đạt khoảng 30%, THCS khoảng 25%, THPT chiếm khoảng 23%, các trường cao đẳng và đại học chiếm từ 25-28%. Học sinh tham gia các giải thi đấu thể thao các cấp đạt 20% tổng số học sinh, có 30% số trường tiểu học, 40% trường THCS, 60% trường THPT và 90% số trường đại học, cao đẳng, trung cấp có ít nhất một Câu lạc bộ các môn thể thao. Đối với công tác phòng, chống tai nạn thương tích – đuối nước, Bộ VHTTDL đã phê duyệt Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2020; tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi tăng nhanh từ dưới 30% trong năm 2016 lên khoảng 35% trong năm 2018, góp phần kéo giảm đáng kể nạn tử vong do đuối nước ở thanh thiếu nhi. Phong trào tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và tập luyện môn võ cổ truyền trong các trường phổ thông được triển khai đồng loạt tại 100% trường học các cấp và được hưởng ứng tích cực. Tuy vậy, cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ TDTT trường học hiện còn quá thiếu, nhất là các trường khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Quỹ đất dành cho hoạt động TDTT trong các trường học còn thiếu trầm trọng, chưa đáp ứng được nhu cầu cho hoạt động GDTC và TDTT trường học trong giai đoạn mới. Đây cũng là khó khăn được nhiều địa phương cho biết tại hội nghị.
Tổ chức nhiều hơn các giải thể thao
Chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị, đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh, để triển khai chương trình đạt hiệu quả, hai ngành VHTTDL và GD&ĐT cần phối hợp chặt chẽ trong khai thác các nguồn lực từ cơ sở vật chất cho đến con người, nhất là trong chương trình phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh. Theo đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM, tỉ lệ trẻ đi học bơi nhiều hay ít phụ thuộc vào vai trò của phụ huynh, vấn đề chính là động viên phụ huynh đưa con em đến hồ bơi, bởi tâm lý phụ huynh hiện còn e ngại đưa con em đi học bơi bởi nhiều lý do, còn tâm lý học sinh thì rất thích đến hồ bơi. Do đó, công tác tuyên truyền cần chú trọng đúng vào đối tượng, đa dạng hóa phương thức tuyên truyền phổ cập bơi, kể cả tuyên truyền trên mạng xã hội. Nhiều địa phương cũng đề xuất sớm hoàn thiện pháp lý để đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa cơ sở vật chất TDTT trong trường học, tổ chức thêm một số giải thể thao thường niên để khích lệ phong trào TDTT trong trường học, chuẩn hóa đội ngũ nhân lực… để tránh “bị động” trong triển khai chương trình.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh, trong thực tế đã xuất hiện nhiều mô hình hay và cách làm hiệu quả, các địa phương cần chú trọng nhân rộng, đưa chương trình đến trường học các cấp. Đồng thời quy trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong ký kết để làm tốt hơn, cùng tháo gỡ vướng mắc để chủ động hơn trong thực hiện. Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp đề xuất Chính phủ đầu tư thêm nguồn lực cho công tác GDTC và TDTT trong trường học. Tiếp tục ký kết thực hiện chương trình 917 giai đoạn 2020-2025. Giải pháp trọng tâm năm học 2020-2021 là phối hợp xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học GDTC cho bậc mầm non, phổ thông phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay; ưu tiên phát triển môn bơi, võ cổ truyền, các môn thể thao dân tộc, kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh lưu ý các địa phương cần tận dụng và phát huy những thiết chế thể thao hiện có, thu hút xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất và dụng cụ TDTT trong trường học, tăng cường các giải thi đấu những môn thể thao cổ truyền của dân tộc gắn với các phong trào thể thao quần chúng… tạo thuận lợi cho học sinh các cấp rèn luyện thể chất, nâng cao tầm vóc, phát triển trí lực.
Giải pháp trọng tâm năm học 2020-2021 là phối hợp xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học GDTC cho bậc mầm non, phổ thông phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay; ưu tiên phát triển môn bơi, võ cổ truyền, các môn thể thao dân tộc, kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. (Thứ trưởng Bộ GD&ĐT NGÔ THỊ MINH) |
HOÀNG QUÂN