“Hãy học hỏi Việt Nam”

VHO- Đó là nhận định của tờ Malaymail (Malaysia) khi nói về sự tiến bộ của thể thao Việt Nam, đặc biệt là việc Việt Nam đề xuất 36 môn thi đấu trong đó đa phần là các môn Olympic tại SEA Games 31.

“Hãy học hỏi Việt Nam” - Anh 1

 Việc Việt Nam đưa vào chương trình thi đấu nhiều môn Olympic được các nước đánh giá cao Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Quyết tâm tổ chức một kỳ SEA Games công bằng và fair-play của Việt Nam đã được bạn bè khu vực đánh giá cao.

Bỏ thói quen “ao làng”

SEA Games - Đại hội thể thao lớn nhất ĐNÁ, dù là sự kiện được người hâm mộ khu vực đón chờ nhưng lại bị đánh giá thấp bởi tại hầu hết các kỳ Đại hội, nước chủ nhà đều đưa vào những môn thể thao mạnh của mình và gạt bỏ những môn, nội dung thế mạnh của các nước khác cho mục tiêu thâu tóm huy chương. Gần đây nhất, tại SEA Games 30, Philippines đưa hàng loạt môn lạ vào cuộc chơi khiến các nước khác “khóc thét” khi không có lực lượng VĐV cũng như chưa từng tập luyện qua môn này. Đây hầu hết đều là các môn mà nước chủ nhà có thế mạnh như trượt ván, vượt chướng ngại vật, thuyền buồm, soft tennis, 3 môn phối hợp, sambo, lướt ván, 5 môn phối hợp hiện đại, bóng chày, bóng bầu dục, bóng mềm… Theo điều lệ thi đấu của SEA Games, 1 môn sẽ được đưa vào chương trình thi đấu nếu như có 4 nước đồng ý và 3 nước tham dự. Vì thế ở nội dung bóng nước của nữ, do chỉ có 3 nước tham dự nên dù đội chủ nhà Philippines toàn thua 2 trận, nhận 82 bàn thủng lưới vẫn giành HCĐ.

Đưa vào nhiều môn thế mạnh độc nhất, vô nhị đã giúp cho Philippines từ vị trí thứ 6 của kỳ SEA Games trước với việc giành vỏn vẹn 24 HCV đã leo một mạch lên vị trí dẫn đầu tại SEA Games 30 bằng việc thâu tóm tới 149 HCV. Trước đó tại SEA Games 2013, nước chủ nhà Myanmar cũng đưa vào tới 15 môn đặc thù của khu vực trong tổng số 34 môn thi đấu. Tại kỳ Đại hội này, người hâm mộ phải làm quen với những môn thể thao xa lạ như chinlone. Và đây cũng là môn được Myanmar tiếp tục đề xuất đưa vào SEA Games 31, tổ chức tại Việt Nam. SEA Games 2013 cũng là kỳ Đại hội mà 2 môn Olympic hấp dẫn là Tennis và Thể dục đã bị loại khỏi chương trình thi đấu, trong khi đó nước chủ nhà lại đưa vào môn gây nhiều tranh cãi là môn floorball (bóng sàn). Một chiêu trò nữa mà các nước chủ nhà cũng hay sử dụng là tăng thêm nội dung thi đấu mà nước chủ nhà mạnh và giảm các nội dung thế mạnh của các nước khác để thâu tóm huy chương. Myanmar hiện thực hoá cho khát vọng giành thêm HCV bằng cách cho 11 nội dung cờ truyền thống vào bộ môn cờ vua. Đó là lý do để Myanmar trèo từ vị trí thứ 7 ở kỳ SEA Games trước tổ chức tại Indonesia lên vị trí thứ 2 sau kỳ SEA Games tổ chức trên sân nhà. Malaysia khi là chủ nhà cũng cắt giảm nội dung toàn năng ở môn thể dục dụng cụ.

Tạo nên kỳ SEA Games fair-play và công bằng

Tại các cuộc họp chuẩn bị cho việc đăng cai tổ chức SEA Games 31, Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện đã nhiều lần chỉ đạo việc đưa vào các nội dung, các môn thi đấu phải trên cơ sở là các môn Olympic và số môn thi đấu tại các kỳ Đại hội gần đây. Việc cơ cấu các môn phải đảm bảo nguyên tắc công bằng để các nước có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng bằng thực lực. Chính vì vậy 36 môn mà Việt Nam đề xuất đa phần là các môn Olympic, phù hợp với xu thế phát triển của thể thao thế giới và thêm vào đó là các môn thi đấu phổ biến tại Asian Games và SEA Games.

36 môn thi Việt Nam đề xuất là điền kinh, thể thao dưới nước, thể dục, rowing, canoeing/kayak, bóng đá, bắn súng, bắn cung, cử tạ, judo, taekwondo, karate, wushu, vật, boxing, kickboxing, đấu kiếm, cầu lông, cầu mây, quần vợt, bóng chuyền, bóng rổ, bóng ném, xe đạp, bóng bàn, billiards & snooker, golf, bi sắt, kurash, vovinam, cờ, pencak silat, muay, thể hình, lặn, khiêu vũ thể thao. Việc nước chủ nhà của SEA Games 31 cắt giảm hàng loạt môn lạ và ít nước có thế mạnh của SEA Games 30 như vượt chương ngại vật, thuyền buồm, lướt ván, bóng chày, bóng bầu dục, bóng mềm… đã khiến Philippines kêu trời vì ước tính sẽ mất khoảng 58 HCV so với kỳ đại hội năm 2019. Chính vì thế tại Hội nghị của Liên đoàn Thể thao ĐNÁ được tổ chức trong hai ngày 21-22.7, Philippines tiếp tục đề xuất đưa thêm các môn như lướt ván, vượt chướng ngại vật, 3 môn phối hợp, teqball…

Trong số 36 môn do Việt Nam lựa chọn để đảm bảo công bằng cho các nước, nhiều môn thế mạnh của Malaysia nhưng lại không phải thế mạnh của hầu hết các quốc gia khác như bóng lưới, hockey trong nhà, bóng gỗ, thuyền buồm, bóng quần, lướt ván hay rugby 7 cũng không có trong chương trình thi đấu. Dù kêu trời vì mất đi các môn thế mạnh nhưng chính tờ Malaymail lại đặt ra câu hỏi: “Vậy, tại sao lại phải ồn ào khi Việt Nam đưa vào hầu hết môn thể thao Olympic? Đây đều là những huy chương mà chúng ta nên hướng tới. Có điều gì tệ khi Việt Nam tổ chức nhiều môn Olympic?”.

Bài viết cũng chỉ ra rằng thay vì kêu than, các hiệp hội thể thao của Malaysia hãy chuẩn bị cho vận động viên vươn tới những mục tiêu cao hơn là giành huy chương châu Á hoặc Olympic. Và hãy chuẩn bị cho SEA Games 31 ngay từ bây giờ: “Hãy học hỏi Việt Nam, nền thể thao cho thấy sự tiến bộ ổn định trong những kỳ SEA Games gần đây, đặc biệt là sự thành công của các môn Olympic. Tại kỳ đại hội 2019 trên đất Philippines, Việt Nam đứng thứ 2 với 98 HCV, 85 HCV và 108 HCĐ. Việt Nam không chỉ thể hiện sự tiến bộ ở SEA Games mà còn tạo được dấu ấn ở cấp độ Olympic”, Malaymail kết luận. 

 VÂN GIANG

Ý kiến bạn đọc