Hành trình đưa Võ cổ truyền Việt Nam ra thế giới (Bài 1): Đến Bình Định mà coi...

VHO- Võ cổ truyền Việt Nam là tinh hoa võ thuật của 54 dân tộc Việt Nam, được hình thành, phát triển gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông ta, thể hiện tinh thần thượng võ, ý chí anh dũng, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Qua bốn ngàn năm lịch sử, Võ cổ truyền không chỉ là môn thể thao để nhân dân ta rèn luyện kỹ năng tự vệ, nâng cao sức khỏe mà còn khơi dậy và hun đúc lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết và truyền thống văn hóa tốt đẹp của các thế hệ người Việt Nam.

Hành trình đưa Võ cổ truyền Việt Nam ra thế giới (Bài 1): Đến Bình Định mà coi... - Anh 1

 Nghệ nhân nhân dân, đại võ sư Lê Văn Cảnh tận tình, dạy võ miễn phí cho các môn sinh

Hiện phong trào Võ cổ truyền tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên cả nước, nhưng để lan tỏa mạnh mẽ ra thế giới, lại cần rất nhiều giải pháp cũng như công sức của những người còn miệt mài, trăn trở với tinh hoa võ thuật của dân tộc.

Võ cổ truyền Bình Định là một trong hai môn phái (cùng với Võ lâm Tân Khánh Bà Trà) của Võ cổ truyền Việt Nam được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trải qua hàng trăm năm, ở “Miền đất võ” Bình Định đang có gần 180 võ đường, câu lạc bộ võ cổ truyền. Hiện tỉnh Bình Định đang phối hợp xây dựng hồ sơ khoa học “Võ cổ truyền Bình Định” đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Tới “Miền đất võ” để thêm hiểu, thêm tự hào về tinh thần thượng võ, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc và tinh hoa của võ Việt được hun đúc qua ngàn đời…

 Nghe kể chuyện bảo tồn tinh hoa võ Việt

Là một trong 6 võ đường tiêu biểu của tỉnh Bình Định cũng như một trong những nghệ nhân nhân dân tâm huyết, truyền dạy võ cổ truyền, Đại võ sư Lê Văn Cảnh (79 tuổi) cùng võ đường do mình sáng lập Lê Xuân Cảnh ở phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, luôn đi đầu trong phát triển phong trào tập luyện cho thế hệ trẻ cũng như gìn giữ, bảo tồn cho tinh hoa võ cổ truyền dân tộc vươn xa.

Vào những buổi chiều tối tại võ đường Lê Xuân Cảnh, luôn nhộn nhịp và vang lên tiếng hô to của các môn sinh tập luyện với các bài quyền và thế roi, là nét đặc trưng của võ cổ truyền Bình Định. Bàn về chuyện dạy võ miễn phí, không thu tiền, lão võ sư Lê Văn Cảnh bộc bạch: “Tôi không chỉ dạy võ thuật, mà còn dạy võ để phục vụ cho các phong trào lễ hội của địa phương. Học võ cổ truyền là học cả đời, không phải học trong thời gian ngắn, mà trải qua nhiều năm. Nếu học lâu dài mà thu học phí, thì các môn sinh lấy tiền đâu ra để theo học. Võ đường dạy quanh năm luôn có môn sinh, khi nào có phong trào lễ hội là có đủ lực lượng môn sinh tham gia. Từ đó lưu giữ được tinh hoa của võ Việt”.

Còn với đại võ sư quốc tế 86 tuổi Trương Văn Vịnh, người xuất thân từ một trong những dòng họ võ nức tiếng ở Bình Định. Trong hơn 60 năm thực hành và trao truyền di sản võ cổ truyền, ông đã đưa võ Việt vang xa ở nhiều nước trên thế giới, góp phần làm đậm đà bản sắc và giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể võ cổ truyền Việt Nam. Đặc biệt, võ đường Phi Long Vịnh được biết đến là một trong số ít gia đình “Tứ đại đồng đường” của một phái võ, là nơi đã truyền lửa, góp phần làm phát triển mạnh mẽ, lan tỏa phong trào tập luyện võ cổ truyền trong giới trẻ.

Về Kỳ Sơn, trò chuyện với chúng tôi, đại võ sư quốc tế Phi Long Vịnh - cháu đời thứ IX của Trương Văn Hiến (thầy giáo Hiến, sư phụ của ba anh em nhà Tây Sơn gồm Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ), chia sẻ về quá trình học võ cổ truyền: “Tôi học võ từ năm 8 tuổi, được cha ruột truyền dạy những bí kíp võ nghệ của dòng họ Trương nổi tiếng để lại, trong đó có bài quyền “Ngọc Trản thần công”. Sau đó, tôi học võ thêm từ bác Trương Hoàng và Trương Xuân Ba”. Thời trẻ, đại võ sư quốc tế Phi Long Vịnh đã thượng đài môn Boxing ở nhiều nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc… và đam mê truyền dạy võ cổ truyền, vì thế năm 25 tuổi, ông lập ra võ đường Phi Long Vịnh tại thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước.

Hành trình đưa Võ cổ truyền Việt Nam ra thế giới (Bài 1): Đến Bình Định mà coi... - Anh 2

 Tuyệt kỹ thế roi dựng tại Võ đường Lê Xuân Cảnh

Sức sống ở các làng võ cổ xưa

Về thôn Hòa Mỹ (từ tổng Thuận Truyền tách ra), xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, chúng tôi tìm về võ đường Hồ Sừng do đại võ sư Hồ Văn Sừng sáng lập để hiểu sâu về câu chuyện sức sống ở làng võ cổ xưa.

Nói về làng võ Thuận Truyền không thể không nhắc đến huyền thoại Hồ Nhu. Ông Hồ Nhu gắn liền với các giai thoại đặc sắc của võ cổ truyền Bình Định. Đến nay trải qua 5 đời, võ đường họ Hồ vẫn nối tiếp nhau để bảo tồn, phát huy võ cổ truyền Bình Định. Đây là lò võ tại gia nằm trong một con hẻm sâu ở thôn Hòa Mỹ. Ngôi nhà, võ đường này cũng chính là nơi xưa kia, cố lão võ sư Hồ Nhu sinh sống và tập võ. Võ đường Hồ gia hay làng võ Thuận Truyền này được nhắc đến nhiều bởi môn roi, nhiều bài thiệu và thế võ mỗi môn binh khí đều đi vào sách vở, mọi võ lý của môn roi người theo nghiệp võ nghệ cũng đều biết. Các bài roi: Thất bộ, Thái Sơn, Bát quái, Tứ môn, Ngũ môn, Trực chỉ, Tấn nhất, Tiên ông… rồi ngay cả Lạc côn - bài roi mà ông nội của võ sư Hồ Sừng ngày xưa học từ thầy Hồ Khiêm, vốn được xem là bảo vật của dòng họ, giờ cũng là tài sản chung của võ cổ truyền Bình Định.

Suốt bao năm qua, không chỉ ở huyện Tây Sơn, mà nhiều địa phương khác, nghe danh võ đường Hồ Sừng nhiều môn sinh dù ở xa cũng lặn lội tìm đến bái sư. Là người luyện võ, đại võ sư Hồ Sừng bày tỏ: “Tôi không muốn các môn sinh, con cháu của mình nặng chất võ biền, bởi thế nên chú trọng việc học văn hóa, lễ nghĩa, cách ứng xử của học trò”. Khi nhận học viên, lão võ sư luôn chú ý xem tướng, xem tâm, nếu ai đó hung hăng thì có cách kết hợp với gia đình để uốn nắn. Lão võ sư Hồ Sừng còn chia sẻ, luôn căn dặn học trò là phải giữ tinh thần thượng võ, trước là phòng thân, rèn luyện sức khỏe, sau là làm việc có ích cho người, cho đời chứ không phải ỷ mình có chút ngón roi, đường quyền mà càn quấy.

Chùa Long Phước (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) không chỉ biết đến là một ngôi chùa cổ kính mà còn được ví là nơi có bề dày truyền thống bảo tồn và phát huy những bài võ bí truyền, độc đáo của võ cổ truyền Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung. Việc tổ chức dạy võ thuật cổ truyền ở chùa Long Phước được bắt đầu cách đây 30 năm, do đại võ sư quốc tế Hòa thượng Thích Hạnh Hòa (trụ trì chùa Long Phước) cùng đệ tử Thích Vạn Thanh (sau này hoàn tục là võ sư Nguyễn Đông Hải) khởi xướng. Với bản sắc riêng biệt khác hẳn với các võ đường, CLB võ thuật Chùa Long Phước chú trọng dạy cho các đệ tử đạo lý của nhà Phật bên cạnh việc dạy võ công. Môn sinh đến học võ tại chùa đều là những người có tâm hướng thiện, học võ chính là để tu tâm, rèn luyện sức khỏe, tuyệt đối không xem đó là vũ khí để giao đấu đánh người, tuyệt đối không thi đấu đối kháng. Học võ là để đề cao tinh thần thượng võ, lòng tự tôn của dân tộc.

Và đó cũng là nét đẹp để Võ cổ truyền Việt Nam tỏa sáng lấp lánh, vươn ra thế giới trong tương lai.

THU SÂM - PHAN HIẾU

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc