Đừng kỳ vọng thái quá vào cầu thủ Việt kiều

KHẢI HƯNG

VHO - Thời gian qua, những gương mặt cầu thủ Việt kiều được giới thiệu rầm rộ trên các phương tiện truyền thông. Nhiều ý kiến đánh giá đây là hướng đi tiềm năng để nâng cao chất lượng đội hình các cấp đội tuyển quốc gia (ĐTQG). Tuy nhiên, thực tế chứng minh việc đặt quá nhiều kỳ vọng vào nguồn lực này không phải là hướng đi đúng đắn cho bóng đá Việt Nam.

Đừng kỳ vọng thái quá vào cầu thủ Việt kiều - ảnh 1
Ludovic Casset (số 2) trong màu áo CLB Đà Nẵng

Từ những năm 2000, bóng đá Việt Nam đã có những nỗ lực mời chào cầu thủ Việt kiều với hy vọng tìm kiếm những nhân tố chất lượng để bổ sung cho đội tuyển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng cầu thủ gốc Việt để lại dấu ấn ở ĐTQG còn hạn chế.

Một số ít theo dõi sát sao bóng đá trong nước có thể nhớ, nhưng tuyệt đại đa số đã quên cái tên Ludovic Casset, còn được gọi là Mã Trí. Năm 2004, trước thềm Tiger Cup (nay là ASEAN Cup), Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) mời cầu thủ Việt kiều này về thử việc ở ĐTQG.

Ludovic Casset có bản lý lịch đáng nể, khi từng giành chức vô địch U15 Pháp và thi đấu tại Auxerre, một tên tuổi lớn của làng bóng đá Pháp.

Ngày đáp sân bay về Việt Nam, Ludovic Casset được đón tiếp chẳng khác nào ngôi sao hạng A. Một nhân viên Bộ Ngoại giao đón cầu thủ Việt kiều này ở khu vực quá cảnh, bên ngoài là hàng chục phóng viên chờ sẵn để ghi hình và phỏng vấn. Nhưng bong bóng nhanh chóng vỡ tan, chỉ 1 tháng “thử việc”, Ludovic Casset bị gạch tên vì không đáp ứng được kỳ vọng.

Lần giở lại hồ sơ mới thấy, anh chàng Ludovic Casset lúc đó chỉ đang thi đấu tại đội nghiệp dư của Auxerre. Năng lực của cầu thủ Việt kiều này càng thể hiện rõ hơn qua việc chẳng thể cạnh tranh nổi vị trí tại CLB Đà Nẵng.

Cố HLV Lê Thụy Hải từng đánh giá: “Cậu ấy không phải là một cầu thủ giỏi. Hơn nữa, Đà Nẵng cũng có nhiều nội binh chơi tốt ở vị trí tiền vệ phòng ngự như hai tuyển thủ quốc gia Hồng Minh và Phước Vĩnh. Ngoài ra, Huỳnh Đức cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ khi được xếp chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm. Tuy nhiên, Ludovic vẫn có thể được tung vào sân, điều đó còn phụ thuộc vào đối thủ như thế nào và lực lượng của Đà Nẵng ra sao”.

Trở thành du khách bất đắc dĩ tại thành phố bên sông Hàn, Ludovic Casset đâm đơn kiện CLB Đà Nẵng vì vi phạm luật lao động. Rốt cuộc, Đà Nẵng chấp nhận mất thêm 1 tháng lương.

Hành trình “đãi cát tìm vàng” cầu thủ Việt kiều của bóng đá Việt Nam không chỉ một lần dang dở như thế. Anh em Emil và Patrick Lê Giang, Johnny Nguyễn, Michel Lê, Kevin Nguyễn lần lượt hồi hương và đều “vỡ mộng” từ cấp ĐTQG đến V.League.

Ngay cả cái tên đình đám Lee Nguyễn, dù đẳng cấp đã được khẳng định vẫn không thể thích nghi hoàn toàn với môi trường bóng đá Việt Nam, dẫn đến việc anh sớm rời V.League để tìm kiếm cơ hội khác.

Sau này, khi trở lại Mỹ, anh mới thực sự tìm được phong độ đỉnh cao trong màu áo New England Revolution và sau đó là Inter Miami.

Bên cạnh đó, những cầu thủ như Đặng Văn Lâm, Mạc Hồng Quân, Michal Nguyễn hay Martin Lò đều có những giai đoạn được đặt nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, trừ trường hợp của Văn Lâm - thủ môn đã chứng tỏ được giá trị và chiếm giữ vị trí quan trọng trong đội tuyển quốc gia, những cái tên còn lại đều chưa đạt đến đẳng cấp mong đợi.

Mạc Hồng Quân từng là một tài năng đáng chú ý, nhưng chưa bao giờ vươn lên trở thành một ngôi sao thực sự của bóng đá Việt Nam. Những cầu thủ khác như Michal Nguyễn hay Martin Lò cũng chỉ dừng lại ở mức độ trung bình tại V.League mà không thể có bước đột phá.

Những lần dang dở này đặt ra câu hỏi về sự phù hợp của cầu thủ Việt kiều với bóng đá Việt Nam. Liệu họ có thực sự mang lại giá trị gia tăng đáng kể cho đội tuyển, hay chỉ đơn giản mang tính thử nghiệm? Nếu nhìn vào thực tế bóng đá thế giới hiện nay, số lượng cầu thủ gốc Việt đạt trình độ cao là rất ít.

Một số cầu thủ có gốc Việt đang thi đấu, nhưng không nhiều người đủ đẳng cấp để nâng tầm đội tuyển quốc gia. Jason Quang Vinh Pendant, cầu thủ từng chơi cho Sochaux và New York Red Bulls, hiện khoác áo CAHN là cái tên đáng kể nhất.

Tuy nhiên, rõ ràng hậu vệ cánh trái đang thi đấu tại V.League này không ở đẳng cấp quá vượt trội so với cầu thủ Việt Nam. Ngoài ra, người hâm mộ từng đặt kỳ vọng vào Alexander Đặng - tiền đạo chơi bóng tại Na Uy, nhưng anh chưa bao giờ thực sự chứng tỏ được mình ở các giải đấu lớn.

Nhìn vào thực tế này, có thể thấy việc kỳ vọng quá nhiều vào cầu thủ Việt kiều có thể là một bước đi thiếu thực tế. Không phải cứ là cầu thủ gốc Việt thì sẽ phù hợp với bóng đá Việt Nam, và cũng không phải ai trong số họ cũng đủ giỏi để tạo nên khác biệt.

Ngoài vấn đề chuyên môn, cầu thủ Việt kiều còn gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với môi trường bóng đá Việt Nam. Điều kiện tập luyện, phong cách chơi bóng và cả những yếu tố ngoài chuyên môn như ngôn ngữ, văn hóa, lối sống đều có thể trở thành rào cản.

Nhiều cầu thủ Việt kiều khi trở về Việt Nam gặp khó khăn trong việc giao tiếp với đồng đội và ban huấn luyện. Bóng đá Việt Nam có những đặc thù riêng, từ cách huấn luyện đến chiến thuật, và không phải cầu thủ nào cũng có thể nhanh chóng hòa nhập.

Thực tế đã có nhiều trường hợp cầu thủ gốc Việt không chịu được áp lực, dẫn đến việc sớm rời đội bóng mà không để lại dấu ấn đáng kể.

Tóm lại, việc nhập tịch cầu thủ Việt kiều có thể mang lại lợi ích trong một số trường hợp, nhưng không nên xem đó là chiến lược dài hạn. Thực tế đã chứng minh rằng số lượng cầu thủ gốc Việt thành công ở đội tuyển quốc gia là rất ít và hiện tại cũng không có quá nhiều cầu thủ xuất sắc mang dòng máu Việt đang thi đấu trên thế giới.

Bóng đá Việt Nam cần có hướng đi bền vững hơn thay vì đặt niềm tin vào một giải pháp chưa thực sự mang lại hiệu quả cao.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc