Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32: Sẵn sàng tranh chấp huy chương

VHO- Theo kế hoạch ngày 19.4, Lễ xuất quân Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) Hà Nội.

Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32: Sẵn sàng tranh chấp huy chương - Anh 1

 Các võ sĩ Kun Bokator Việt Nam sẽ cố gắng thi đấu và quảng bá nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam tới bạn bè quốc tế

 Đây là kỳ Đại hội mà thể thao Việt Nam cử thành phần đoàn đông đảo, với trên 1.000 người bao gồm các huấn luyện viên, chuyên gia, vận động viên, cán bộ, bác sĩ, chuyên gia vật lý trị liệu...

Đấu trường để tranh chấp huy chương

Theo ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, SEA Games giờ không phải là nơi để thể thao Việt Nam cọ xát, làm quen hay rút kinh nghiệm mà là đấu trường để chúng ta tranh chấp huy chương. Đây cũng là đấu trường phù hợp nhất với Thể thao Việt Nam trong giai đoạn hiện nay nên việc các đội tuyển rà soát để chọn lực lượng xuất sắc nhất đi thi đấu là việc bình thường. Trong thành phần đoàn sẽ có 2 môn đi theo kinh phí xã hội hóa là môn eSports và Breaking. Dự kiến số lượng thành viên Đoàn thể thao Việt Nam sẽ là trên 1.000 người.

SEA Games 32 cũng là kỳ Đại hội mà nhiều môn thể thao mới sẽ được đưa vào chương trình thi đấu như môn Kun Bokator. Thực tế tại các kỳ Đại hội trước cho thấy, các môn thể thao mới không làm khó được Thể thao Việt Nam. Điển hình như tại SEA Games 30 đất Philippines, Võ gậy là môn có nguồn gốc từ nước chủ nhà nhưng các võ sĩ Việt Nam đã xuất sắc đoạt tới 4 huy chương vàng. Vì thế chúng ta hoàn toàn có khả năng đoạt thành tích cao ở một số môn thể thao mới.

Với môn Kun Bokator, theo TS Lưu Trọng Tuấn, phụ trách bộ môn Võ cổ truyền Tổng cục TDTT, đây là môn võ có nhiều nét tương đồng với Võ cổ truyền của Việt Nam. Vì thế điểm thuận lợi là các VĐV Võ cổ truyền Việt Nam không gặp nhiều khó khăn khi chuyển sang tập luyện, thi đấu ở môn thể thao mới lần đầu được đưa vào Đại hội này. Vì đây là môn mới, nên các VĐV Việt Nam còn bỡ ngỡ đối với luật thi đấu và một số đòn đánh đặc trưng của môn này được tính điểm cao (5 điểm) như đòn bay gối đánh vào đầu hay bay cao đánh cùi chỏ vào đầu, mặt. Khó khăn nữa là với Việt Nam đây là môn mới nhưng với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Lào, Myanmar, lại là môn thể thao quen thuộc.

Đội tuyển Kun Bokator Việt Nam vừa tham dự Giải vô địch Đông Nam Á, tổ chức tại Campuchia từ 1-3.4. dù các võ sĩ Kun Bokator Việt Nam đã thi đấu xuất sắc giành 3 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ xếp thứ nhì toàn đoàn ở nội dung đối kháng, nhưng theo ông Tuấn chúng ta vẫn chưa thể đánh giá đúng thực lực của các đối thủ vì ở nhiều nội dung, các vận động viên của họ cử tham dự giải chưa phải là quân chủ lực. Trong khi chúng ta buộc phải cử lực lượng chính để làm quen với thể thức và các điều kiện thi đấu. “Đây là lần đầu tiên đội tuyển Kun Bokator với xuất thân là các VĐV Võ cổ truyền Việt Nam, được đại diện tham dự Đại hội thể thao khu vực. Đó là niềm vinh dự, tự hào nên toàn đội sẽ góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam đến bạn bè trong khu vực”, ông Lưu Trọng Tuấn cho biết.

Gấp rút cho chặng đua

Trong những ngày này, các Trung tâm HLTTQG cũng đang hối hả cho công đoạn cuối. Theo Phó Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội Nguyễn Anh Minh, hiện Trung tâm đang quản lý gần 30 đội tuyển chuẩn bị cho SEA Games 32. Bắt đầu từ ngày 5.4, tròn 1 tháng đếm ngược đến ngày khai mạc, Trung tâm đã tiến hành cấm trại, nội bất xuất, ngoại bất nhập với các VĐV. “Việc cấm trại nhằm giúp cho các VĐV tập trung cao độ trong tập luyện, hạn chế rủi ro. Đồng thời cũng giúp cho các VĐV nâng cao ý thức trong tập luyện và thi đấu. Hiện tại ngoài đội Judo đang tập huấn tại Mông Cổ, một số đội tuyển đang thi đấu các giải tiền SEA Games, các đội tuyển còn lại đang tập trung cao độ tại Trung tâm, phấn đấu cho mục tiêu đoạt thành tích cao nhất”, ông Nguyễn Anh Minh cho biết. Tại các kỳ Đại hội quốc tế, Trung tâm HLTTQG Hà Nội thường đóng góp khoảng 2/3 số huy chương vàng cho Đoàn thể thao Việt Nam và SEA Games này cũng sẽ không là ngoại lệ.

Theo PGS.TS Hiệu trưởng trường Đại học TDTT Bắc Ninh Nguyễn Văn Phúc, hiện đội tuyển Cầu lông nam và nữ; đội tuyển lặn; 7 và 10 môn phối hợp, cự ly ngắn của đội tuyển Điền kinh đang tập luyện tích cực. Do Hà Nội thời tiết vẫn còn lạnh nên đội Lặn đã được di chuyển vào TP.HCM, nơi có khí hậu tương đồng với Campuchia tập luyện. Để chuẩn bị cho SEA Games, nhà trường đã phối hợp để cung cấp những bữa ăn ngon, bổ sung dinh dưỡng phù hợp cho từng môn thi đấu. “Ngoài việc tăng cường dinh dưỡng theo chế độ quy định của các tuyển thủ chuẩn bị cho SEA Games 32, nhà trường cũng tăng cường quản lý giờ giấc để đảm bảo cho các VĐV có chế độ tập luyện, nghỉ ngơi phù hợp, chuẩn bị có thể lực tốt nhất cho các cuộc tranh tài tại SEA Games 32”, ông Nguyễn Văn Phúc cho biết.

Theo ông Phạm Hoàng Tùng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng, hiện các VĐV thuộc đội tuyển Bơi như Quý Phước, Kim Sơn vẫn đang tập huấn tại Hungary và sẽ trở về Việt Nam trong tuần này, tiếp tục cùng đội tập huấn tại TP.HCM trước khi lên đường tham dự SEA Games. Đội Cờ Khmer vừa hoàn thành chuyến tập huấn tại Campuchia và thi đấu giải trong nước, tổ chức ở Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện đang tiếp tục tập huấn chuẩn bị cho SEA Games. Đội đua thuyền truyền thống với 8 VĐV chuyển từ môn Canoeing sang đang tập huấn tại Hải Phòng.

“Ngay từ đầu năm, ban huấn luyện các đội tuyển thuộc sự quản lý của Trung tâm đã lên kế hoạch chi tiết, đầy đủ chuẩn bị cho SEA Games 32. Không chỉ được tập huấn, thi đấu cọ xát trước thềm Đại hội, các đội tuyển còn được chăm sóc về dinh dưỡng, thực phẩm chức năng nhằm đảm bảo thể lực khi thi đấu. Trung tâm cũng chú trọng việc tạo môi trường xanh, sạch, đẹp và đặc biệt tăng cường việc xây dựng môi trường văn hóa để các VĐV nâng cao ý thức, có cách cư xử chuẩn mực, quảng bá cho hình ảnh đất nước, con người Việt Nam khi thi đấu quốc tế, mà sắp tới là SEA Games 32. Tại SEA Games 31, 6 đội tuyển của Trung tâm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với việc giành được tới 7 chiếc HCV. Tại SEA Games 32, dù không thi đấu trên sân nhà nhưng Trung tâm vẫn đặt mục tiêu vượt qua số huy chương đã đoạt được tại kỳ trước”, ông Hoàng Tùng chia sẻ. 

 Căn cứ vào thông báo của Hội đồng Thể thao Đông Nam Á, Việt Nam sẽ tham dự 552/581 nội dung của 31 môn. Hầu hết các môn Việt Nam tham dự đều là những môn mũi nhọn và có khả năng giành huy chương. Việc chuẩn bị cho SEA Games 32 cũng được xác định là nhiệm vụ liên thông chuẩn bị cho Asian Games 19 và Olympic 2024.

Đây cũng sẽ là kỳ SEA Games mà Thể thao Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn khi nhiều môn thế mạnh không có trong chương trình thi đấu như Bắn cung, Bắn súng, Thể hình, Đua thuyền (Rowing và Canoeing), Kurash. Bên cạnh đó, nhiều môn Thể thao Olympic và Asian Games bị cắt giảm nội dung như Vật, Boxing, Wushu, Taekwondo, Thể dục dụng cụ (bỏ toàn bộ nội dung nữ); Khiêu vũ thể thao (bỏ toàn bộ 12 nội dung truyền thống, đưa 2 nội dung mới Breaking). Điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến thành tích chung của toàn Đoàn.

 

 THU SÂM

Ý kiến bạn đọc