Dẹp web phát lậu bóng đá: Cần có những biện pháp mạnh tay

VHO - Các trang web phát lậu các giải đấu bóng đá lớn trong nước và quốc tế đang gây ra nhiều hệ lụy. Ngoài khiến các đài truyền hình, đơn vị nắm giữ bản quyền thiệt hại hàng trăm triệu USD, buộc phải dừng phát sóng do vi phạm bản quyền, những trang xem bóng đá lậu còn liên tục quảng cáo, dẫn dụ người xem tham gia chơi cờ bạc online.

Tràn lan, khó kiểm soát

Theo thống kê trên Google Trends, từng có giai đoạn các từ khóa liên quan đến các trận đấu trong khuôn khổ World Cup cũng như các nền tảng xem bóng đá trực tuyến nằm trong top 20 nội dung được tìm kiếm nhiều nhất hằng ngày.

Dẹp web phát lậu bóng đá: Cần có những biện pháp mạnh tay - Anh 1

Các trang web vi phạm bản quyền bóng đá vẫn ngang nhiên "tung hoành"

Đầu tháng 12 vừa qua, Tổng Công ty Viễn thông Viettel đã chính thức công bố bản quyền phát sóng EURO 2024 thuộc về TV360. Theo đó, TV360 đã đạt được thỏa thuận chính thức sở hữu bản quyền UEFA EURO 2024 - Giải Vô địch Bóng đá châu Âu. Mừng vì khán giả có thể xem những trận cầu đỉnh cao trên sóng truyền hình nhưng cùng với đó, đơn vị này cũng canh cánh nỗi lo giải đấu khi được phát sóng sẽ trở thành “miếng mồi” của những web chuyên phát lậu các trận đấu bóng đá.

Ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) khẳng định vấn đề bảo vệ bản quyền nội dung, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Đặc điểm của các trang web vi phạm bản quyền nội dung nói chung và bóng đá nói riêng là sử dụng tên miền và máy chủ đặt tại nước ngoài, ẩn đi thông tin chủ sở hữu, hoạt động công khai và liên tục thay đổi tên miền mỗi khi “đánh sập”. Hình thức vi phạm điển hình của các trang web vi phạm bản quyền bóng đá là ngay sau khi chủ sở hữu bản quyền phát sóng nội dung lên các nền tảng như dịch vụ truyền hình trực tuyến, truyền hình số mặt đất... các đối tượng sẽ thực hiện hành vi vi phạm bằng cách livestream nội dung lên mạng xã hội hoặc cắt ghép, bóp méo tiếng để đăng tải nội dung lên các trang web.

Theo bà Tô Nam Phương, Trưởng Ban Quan hệ đối ngoại, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, đơn vị nắm bản quyền nhiều giải đấu lớn, trong đó có V.League, UEFA Champions League cho biết, một trận đỉnh cao tại Champions League có vài trăm nghìn người xem trên các kênh của đơn vị nắm bản quyền. Tuy nhiên, con số này lên đến hơn 1 triệu tại các trang web lậu.

Cùng với đó, số liệu thống kê của Media Partners Asia cho thấy, Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong khu vực và thứ 9 trên thế giới về tỷ lệ vi phạm bản quyền, với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập và xem nội dung trên các trang web lậu. Đây đều là những con số rất đáng báo động.

Cốt lõi vẫn nằm ở vấn đề nhận thức

Thời gian qua, hai đơn vị của Bộ TT&TT là Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục An toàn thông tin và các chủ thể bản quyền đã phối hợp, ngăn chặn được khoảng 1.000 website bóng đá lậu như xoilac.1tiengruoi.link, xoivo4.com, coichua.net, tammao.tv, 90link.com, xoilac.live, xemtructiep.xyz... Hiện nay, con số các website bị ngăn chặn đang tiếp tục tăng lên.

Dẹp web phát lậu bóng đá: Cần có những biện pháp mạnh tay - Anh 2

Các nhóm chia sẻ đường link xem lậu bóng đá thu hút hàng chục nghìn người tham gia

Đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử nhấn mạnh đang phối hợp với Cục An toàn thông tin và những bên sở hữu bản quyền áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để ngăn chặn các trang web lậu. Một trong những biện pháp phổ biến nhất đó là xác minh, điều tra các trang web lậu và gửi yêu cầu đến các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) để ngăn chặn người dùng Việt Nam truy cập vào các trang web vi phạm.

Tuy nhiên theo nhiều luật sư, giải pháp quan trọng, hữu hiệu nhất vẫn là cần tăng cường công tác giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân; để người dân thấy được những hậu quả mà web phát lậu bóng đá để lại. Đặc biệt ngoài phát nội dung xấu, độc, những web này còn là những ổ cờ bạc trực tuyến, “móc túi” người chơi. Phải cho người dân thấy được không ít trường hợp đã “tán gia, bại sản” chỉ vì tham gia đánh bạc trên các website phát lậu bóng đá. Chỉ khi người dân nói không với việc xem nội dung ở các web phát lậu, những trang web này mới không còn “cửa sống”. Việc dẹp các trang web phát lậu cũng chính là xóa bỏ nội dung quảng cáo cờ bạc nhanh chóng, kịp thời.

Cùng với đó, cần sớm cập nhật, bổ sung các quy định về quản lý và xử lý các hành vi quảng cáo cờ bạc ngoài đời và trên Internet; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Ông Ngô Minh Hiếu, nhà sáng lập dự án Chống lừa đảo cho biết, các đơn vị liên quan cần sớm lập, công bố danh sách các website ăn cắp bản quyền truyền hình, phát tán quảng cáo trái phép... để ngăn chúng tiếp cận với người dùng.

Đề xuất thêm giải pháp, đại diện K+ mong muốn có thêm một tổ chuyên trách về việc ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường số giữa các Bộ, ngành liên quan cũng như các nhà mạng, các đơn vị truyền hình.

Đơn vị này sẽ là đội “phản ứng nhanh” khi phát hiện các trang web lậu, để chặn truy cập, IP trong thời gian diễn ra trận đấu. Hiện nay, thời gian xử lý các vụ việc phát lậu bóng đá còn chậm. Nếu không ngăn chặn kịp thời, thiệt hại các đài truyền hình, đơn vị nắm bản quyền phải gánh chịu sẽ lên theo cấp số nhân trong thời gian rất ngắn và đứng trước nguy cơ phải dừng phát sóng các trận đấu tiếp theo trong mùa giải, vì không thể gồng gánh nổi các khoản tiền thiệt hại.

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc