Để thể thao trở thành  con gà đẻ trứng vàng (Bài 1): Mới ở dạng tiềm năng

VHO- Trên thế giới, kinh tế thể thao được đánh giá là một trong những ngành kinh tế có mức tăng trưởng cao. Theo thống kê, quy mô của thị trường kinh tế thể thao trên toàn cầu đạt khoảng 488,5 tỉ USD vào năm 2018. Tại Mỹ, công nghiệp thể thao là ngành rất phát triển, luôn đứng trong tốp 10 các ngành công nghiệp. Trong khi đó ở Việt Nam lĩnh vực này dường như đang “ngủ quên”. Và để “đánh thức” được tiềm năng ấy, trong loạt bài này, Văn Hóa sẽ cùng các nhà quản lý, chuyên gia đưa ra các phân tích và giải pháp để trả lời câu hỏi làm thế nào để thể thao trở thành “con gà đẻ trứng vàng”, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Để thể thao trở thành  con gà đẻ trứng vàng (Bài 1): Mới ở dạng tiềm năng - Anh 1

Sự thành công của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua đã kích thích sự phát triển của kinh tế thể thao. Ảnh: VFF

 Một trong những điểm đáng chú ý trong các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của thể thao Việt Nam được xác định từ năm 2021-2026 là phát triển các loại hình kinh tế, dịch vụ TDTT, tiến tới hình thành ngành công nghiệp thể thao ở nước ta.

Nếu thực hiện được mục tiêu này, thể thao Việt Nam sẽ trở thành cỗ máy kiếm tiền thay vì bị mang tiếng là “tiêu tiền” như bấy lâu nay.

Là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền kinh tế lớn

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Nguyễn Hồng Minh, kinh tế thể thao hiện được đánh giá là một trong những ngành kinh tế có mức tăng trưởng cao, giàu tiềm năng. Số liệu thống kê cho thấy, quy mô của thị trường kinh tế thể thao trên toàn cầu đạt khoảng 488,5 tỉ USD vào năm 2018. Mức tăng trưởng trung bình của lĩnh vực kinh tế thể thao trong giai đoạn 2014-2018 đạt 4,3% và dự báo trong giai đoạn 2018-2022 sẽ đạt mức tăng trưởng lên tới 5,9%. Hoạt động thể dục thể thao không chỉ đơn thuần đem lại sức khỏe cho người tham gia tập luyện và mang lại những ý nghĩa xã hội khác mà còn tạo ra các giá trị kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng GDP.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã coi thể thao là một ngành công nghiệp, được gọi là công nghiệp thể thao. Theo Statista. com, quy mô thị trường kinh tế thể thao của Mỹ năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vẫn là 73,04 tỉ USD. Trong khi theo globenewswire.com, thị trường thể thao toàn cầu năm 2020 là 388,28 tỉ USD. Công nghiệp thể thao ở Mỹ được phân loại thành nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ khác nhau như: Du lịch thể thao; hàng hóa thể thao; trang thiết bị, dụng cụ thể thao; hoạt động thể thao nghiệp dư; hoạt động thể thao nhà nghề; thể thao giải trí; thể thao trong trường học; thể thao ngoài trời; quảng cáo thể thao; tài trợ thể thao.

Còn TS Nguyễn Thị Hiền Thanh, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục, Trưởng ban dự án mở ngành Kinh tế thể thao, Trường Đại học Hoa Sen TP.HCM cho biết, hiện nay kinh tế thể thao ở nhiều nước phát triển như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, đã thực sự là một cỗ máy đồ sộ, tạo công ăn việc làm, lợi nhuận, thu nhập và đóng góp khoản thuế đáng kể cho ngân sách các quốc gia. “Hằng năm, nhân loại chi ra từ 450- 620 tỉ USD cho các hoạt động liên quan đến ngành thể thao toàn cầu, trong đó doanh thu thế giới chỉ tính riêng năm 2015 đạt quy mô gần 146 tỉ USD. Việt Nam đang bị bỏ xa trên cuộc đua với các nước trong khu vực và trên thế giới trong một tương lai “công nghiệp hóa ngành thể thao”, TS Hiền Thanh nêu thực trạng.

Để thể thao trở thành  con gà đẻ trứng vàng (Bài 1): Mới ở dạng tiềm năng - Anh 2

 Những thành công của các đội tuyển bóng đá quốc gia thời gian qua đã kích thích sự phát triển của kinh tế thể thao Ảnh: VFF

Vẫn ở chế độ chờ

Tại khu vực ĐNA, quốc gia láng giềng có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam là Thái Lan cũng luôn xem thể thao là “con gà đẻ trứng vàng”. Trang Statista.com dự báo năm 2021, quy mô thị trường thể thao của Thái Lan sẽ vào khoảng 551 triệu USD. Kỳ vọng đến năm 2025 sẽ là 874 triệu USD.

Ở Việt Nam, theo Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Mai Bá Hùng, kinh tế thể thao hiện đang phát triển và đã có những đóng góp nhất định cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cho tới giờ chúng ta vẫn chưa có con số thống kê cụ thể để biết ngành thể thao đóng góp cho nền kinh tế quốc gia là bao nhiêu % GDP, như ngành Du lịch. “Chúng ta cần nghiên cứu và có cơ quan thống kê cụ thể những gì kinh tế thể thao mang lại từ việc tổ chức các giải bóng đá, marathon, giải quần vợt… mang lại công ăn việc làm cho bao nhiêu người, thu được bao nhiêu từ việc đón VĐV, khách du lịch tham dự sự kiện… Từ đó mới có được cái nhìn tổng thể hơn về sự phát triển của kinh tế thể thao ở nước ta”, ông Mai Bá Hùng đề nghị.

Ông Nguyễn Hồng Minh cũng cho biết, khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện cũng đang được đánh giá là khu vực dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế thể thao, đạt mức tăng trưởng trung bình hằng năm lên tới 9,4%, cao hơn nhiều so với khu vực Bắc Mỹ và châu Âu. “Việt Nam nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực đang có sự phát triển “nóng” về kinh tế thể thao. Thể thao Việt Nam trong những năm vừa qua đã có bước phát triển khởi sắc, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Nhu cầu trực tiếp tham gia và hưởng thụ các giá trị thể thao của người dân ngày càng tăng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, hoạt động kinh tế thể thao ở nước ta chưa thực sự sôi động và còn đang ở dạng tiềm năng, chờ đợi những cơ hội đầu tư khai phá”, ông Minh nhấn mạnh.

TS Hiền Thanh cho biết thêm, kinh tế thể thao là một lĩnh vực khá mới và đang ở những bước đi ban đầu trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có những bước chuyển mạnh mẽ sang nền kinh tế thị trường. Trong vài năm gần đây, việc kinh doanh thể thao đã có những bước phát triển đáng kể, thu được nguồn tài chính nhất định góp phần giảm chi ngân sách của nhà nước cho ngành TDTT. Nhưng việc phát triển kinh tế thể thao ở nước ta chỉ mới manh nha, nhỏ lẻ, còn nhiều hạn chế, rất cần có nhiều giải pháp đổi mới trong thời gian tới, như là việc đào tạo để khắc phục sự thiếu hụt nguồn lực chuyên trách cho lĩnh vực kinh tế thể thao.

Bài 2: Bản quyền truyền hình V.League chưa bằng 1% so với Thai League

 

 THU SÂM

Ý kiến bạn đọc